Art that Changed the World I Trường phái Hậu Ấn tượng
Art_Painting Những cái tên tiêu biểu được xếp vào trường phái Hậu Ấn tượng như Cézanne, Gauguin, và van Gogh đều bắt đầu sự nghiệp với những tác phẩm theo chủ nghĩa Ấn tượng nhưng dần phát triển theo những chiều hướng khác nhau. Nguồn cảm hứng của họ có thể đến từ nhiều loại hình nghệ thuật: vải vóc Nhật Bản, cửa kính màu cổ điển, hay các nghiên cứu mới về quang học và thuyết màu sắc.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 4E: TRƯỜNG PHÁI HẬU ẤN TƯỢNG (1885 - 1905)
Không chỉ là tả cảnh
Tại buổi triển lãm Ấn tượng cuối cùng diễn ra vào năm 1886 , bức tranh phong cảnh cỡ lớn được tạo từ vô vàn chấm tròn li ti do Georges Seurat thực hiện - bức “A Sunday Afternoon on the Island of La Grand Jatte” đã một lần nữa khuấy động thế giới nghệ thuật. Khác với những họa sĩ Ấn tượng, chỉ chú trọng vẽ các khoảnh khắc nhất thời, ngắn ngủi, Seurat muốn tạo nên những hình ảnh biểu tượng mang tính bất tử với thời gian. Ông là một trong số những họa sĩ tin rằng họ nên cố làm nhiều hơn là chỉ vẽ lại khung cảnh trước mặt họ. Cézanne, Gauguin, và van Gogh đều bắt đầu sự nghiệp với những tác phẩm theo chủ nghĩa Ấn tượng, nhưng mỗi người bắt đầu phát triển nghệ thuật của mình theo những chiều hướng khác nhau. Cézanne khám phá những khối hình học và sửa đổi quy tắc phối cảnh truyền thống của nghệ thuật phương Tây, trong khi Gauguin và Van Gogh hướng về phong cách ít chú trọng về khắc họa thiên nhiên hơn mà thay vào đó nghiên cứu cách khơi gợi cảm giác và cảm xúc của người xem.
The Harvest, Vincent Van Gogh, 1888 ,Van Gogh Museum, Amsterdam, Hà Lan
Những gam màu sống động thường thấy trong tranh Van Gogh là một đặc trưng ở nhiều tác phẩm Hậu Ấn tượng. Làm việc sau một đợt sốt cao, trong một tuần từ tháng Sáu năm 1886, van Gogh đã thực hiện mười bức tranh chủ đề thu hoạch. Màu sắc rực rỡ thể hiện cánh đồng lúa dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, trong khi đó những chi tiết và nét vẽ theo chiều dọc tạo nên kết cấu và bố cục vững chắc, hài hòa.
BỐI CẢNH
Những năm 1880 bị đánh dấu bởi những cuộc tranh giành lãnh thổ thuộc địa đẫm máu giữa các nước phương Tây. Mặc dù Đế quốc Anh đang là đất nước thành công nhất trong cuộc chiến này, nước Pháp cũng đang phát triển ổn định và chuẩn bị thực thi một vài chính sách thuộc địa với nghĩa vụ văn minh hóa những “chủng tộc hạ đẳng.” Cuộc Triển lãm Quốc tế năm 1889 được tổ chức tại Paris. Với mục tiêu truyền bá thông điệp rằng nước chủ nhà là “điểm xuất phát, đối với cả thế giới, để đến với một kỷ nguyên mới”, họ đã trưng bày vô vàn sản phẩm di sản văn hóa từ các nước khu vực viễn Đông, Trung Đông, và Bắc Phi, cũng như những khu vực bị xem là các thế giới “nguyên thủy” như Trung Phi hay quần đảo Polynesia. Thậm chí những ‘cư dân địa phương’ tại các vùng đất xa xôi đó bị chuyển đến Paris và bị ép phải tái diễn lại hoạt động thường nhật của họ.
Khu vực triển lãm của Paris, với tác phẩm nổi bật nhất là tòa tháp Eiffel biểu tượng, nằm ở vị trí trung tâm của buổi triển lãm như một ngọn hải đăng cho sự văn minh. Tuy nhiên đối với một vài nhà tư tưởng và nghệ sĩ, sự văn minh được tung hô này thực chất chỉ là bề nổi, là lớp vỏ hào nhoáng che đậy phần lõi mục ruỗng, ngập tràn vấn đề xã hội. Mặc dù những năm cuối thế kỷ này được gọi bằng cái tên hoa mỹ La Belle Epoque (tạm dịch: Thời kỳ tươi đẹp) - thời kỳ mà nghệ thuật, âm nhạc và sân khấu kịch phát triển rực rỡ - tuy nhiên những loại hình đó chỉ phục vụ một vài nhóm người nhất định. Một số nhà phê bình còn nhận định vẻ ngoài xa xỉ của thời kỳ này mang tính chất suy đồi, phù phiếm. Tại thủ đô nước Pháp, sự phân cực ngày càng trở nên rõ rệt giữa giai cấp tư sản - những cư dân giàu có, có khả năng tận hưởng những nhà hàng xa xỉ, quần áo thời trang, các loại hình giải trí nghệ thuật và các kì nghỉ ở những resort bờ biển mới xây dựng - và nhóm giai cấp vô sản.
Tranh khắc minh họa cuộc Triển lãm Quốc tế (Universal Exhibition) 1889 tại Paris
Các nghệ sĩ cấp tiến thường thuộc nhóm sau. Mặc dù một số đồng nghiệp Ấn tượng của họ đang dần trở nên giàu có hơn nhờ buôn bán tranh, những nghệ sĩ trẻ hơn vẫn chật vật để chứng tỏ khả năng của mình. Họ cũng bắt đầu chuyển sự chú ý sang những khu vực khác ‘thuần khiết’ hơn ở Pháp, như là Brittany, Provence, vùng Languedoc hay trong trường hợp của Gauguin, ông bị hấp dẫn bởi quần đảo Polynesia, nơi ông được biết đến thông qua buổi Triển lãm Quốc tế.
Thuật ngữ ‘Hậu Ấn tượng’ được khai sinh bởi nhà phê bình nghệ thuật người Anh Roger Fry vào năm 1910, khi ông đang tổ chức buổi triển lãm nghệ thuật Pháp hiện đại tại London. Những nghệ sĩ được xếp vào nhóm này đều theo đuổi những hướng đi riêng, nhưng tất cả đều xuất phát từ chủ nghĩa Ấn tượng. Vào giữa những năm 1880, Gauguin và Van Gogh đều đang đi tìm cảm hứng từ nhiều loại hình nghệ thuật - bao gồm vải vóc Nhật Bản, cửa kính màu cổ điển, và nghệ thuật của những nhóm người “nguyên thủy” - để sáng tạo ra các tác phẩm giàu cảm xúc và ẩn chứa nhiều chi tiết mang tính biểu tượng.
Cézanne, người từng có thời gian vẽ cùng với Pissarro tại Pontoise, lúc bấy giờ đang làm việc trong biệt lập tại quê hương Provence, thử nghiệm với loại tranh phong cảnh, tĩnh vật, và chân dung được hình thành từ những mảng màu rời rạc. Được truyền cảm hứng bởi những nghiên cứu về quang học và thuyết màu sắc, Georges Seurat sáng lập trào lưu hội họa Tân Ấn tượng với đặc trưng là những tác phẩm được hình thành từ vô số đốm màu nhỏ li ti.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Cho đến những năm 1860, nhiều họa sĩ đến các ngôi làng ở xã Pont-Aven để vẽ, bị thu hút bởi nền văn hóa đẹp mắt và những căn nhà nghỉ giá rẻ. Gauguin ở lại đó từ năm 1886 đến 1888. Ngoài ra, Emile Bernard gần như đã định hướng sự phát triển của hội họa phương Tây tại thời điểm này với phong cách vẽ tối giản, tận dụng những mảng màu phẳng bao quanh bởi những đường viền sẫm màu.
Plum Estate, Kameido, 1857, Ando Hiroshige, Brooklyn Museum, New York, NY
Nghệ thuật bên ngoài phương Tây đã luôn hấp dẫn Gauguin. Ông đặc biệt hứng thú với những bản in Nhật, và rất có thể đã biết đến bức tranh vẽ vườn cây ăn quả của Hiroshige. Nhiều nghệ sĩ khác cũng có chung hứng thú với Hiroshige - Van Gogh đã sao chép bản in đó vào năm 1887.
Sumo Wrestlers, một vài trong số hàng ngàn bản phác thảo cảnh sumo trong tập sách hình The Hokusai Manga gồm 15 chương, xuất bản năm 1814.
Bản in Nhật tả cảnh vật lộn của Hokusai đã trở thành nền tảng để Gauguin phát triển tư thế của Jacob và thiên thần. Gaguin cũng đã quan sát cuộc thi vật truyền thống tại Breton - con bò trong bức “The Vision of the Sermon” chính là phần thưởng cho người thắng cuộc.
Circus Scene, 1887, Louis Anquetin
Cloisonnism là một phong cách hội họa được truyền cảm hứng bởi những cửa kính màu cổ điển, với đặc trưng là các mảng màu lớn, phẳng và nổi bật bao quanh bởi đường viền đen. Gauguin đã tiếp thu phong cách này sau khi từ bỏ những nét vẽ đứt gãy mang âm hưởng của chủ nghĩa Ấn tượng
Trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Pont l’Abbe, Brittany
Phong tục tập quán và những hoạt động tôn giáo tại Brittany bắt đầu thu hút giới nghệ sĩ vào nửa sau của thế kỉ 19. Họa sĩ người Đức Otto Weber là một trong những người đầu tiên khắc họa văn hóa địa phương nơi đây.
ĐIỂM NGOẶT
The Vision of the Sermon
Paul Gauguin, 1888, Scottish National Gallery, Edinburgh, Vương quốc Anh
Bức họa này được truyền cảm hứng bởi hình ảnh những người phụ nữ ở nhà thờ tại xã Pont-Aven, Brittany mà Gauguin từng chứng kiến trong khoảng thời gian ông ở lại đây. Những người phụ nữ trong bộ trang phục Breton truyền thống đang lắng nghe bài giảng trong Kinh thánh. Nội dung bài giảng kể về cuộc đấu vật kéo dài cả đêm giữa Jacob với một thiên thần bí ẩn. Với những hình dạng và màu sắc không tự nhiên, tác phẩm này không hề mang mục đích khắc họa trực tiếp sự kiện, mà là một nỗ lực miêu tả trải nghiệm mang tính tôn giáo mạnh mẽ mà những người phụ nữ này đang trải qua. Có thể thấy cơ thể vật chất của họ được ngăn cách với trí tưởng tượng qua một khúc cây.
Về tác giả: Tuổi thơ của Paul Gauguin (1848 - 1903) tại Peru (quê hương mẹ ông) đã giúp ông trở nên cởi mở, quen thuộc với những nền văn hóa độc đáo ngoài phương Tây. Vốn là một nhà môi giới chứng khoán và chỉ vẽ như một thú vui, ông đã kết bạn với nghệ sĩ Ấn tượng Pissarro và các tác phẩm của ông cũng được trưng bày trong buổi triển lãm Ấn tượng đầu tiên năm 1874. Đến năm 1883, Gauguin mất việc và chuyển sang vẽ tranh toàn thời gian, mặc cho gia đình ngăn cản. Từ năm 1886 đến 1890, ông là thủ lĩnh không chính thức của nhóm nghệ sĩ tại Pont Aven, Brittany. Năm 1891 ông rời Pháp để đến Polynesia thuộc Pháp và ở lại đó cho đến cuối đời.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM
Vào thời điểm diễn ra buổi triển lãm Ấn tượng cuối cùng vào năm 1886, nghệ thuật Avant-garde Pháp đang rẽ sang nhiều nhánh mới. Ở phía nam nước Pháp, Cézanne thử nghiệm với những kết cấu và phép phối cảnh mới qua các tác phẩm tranh canvas. Tại Brittany, Gauguin và Bernard thực hiện những bức tranh bố cục mạnh mẽ đan xen với những chi tiết biểu tượng. Tại Hà Lan, Van Gogh chuẩn bị đến Pháp, nơi ông thực hiện loạt tranh biểu hiện vô cùng quyết liệt.
A Sunday Afternoon on the Island of La Grande Jatte, Georges Seurat, 1884–86, Art Institute of Chicago, IL
1884: Seurat dành hai năm thực hiện tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, được tạo thành từ vô số chấm nhỏ li ti mang màu sắc tương phản hay bổ trợ, hòa vào nhau tạo thành hiệu ứng rực rỡ trong mắt người xem. Chủ đề bức tranh bất thường, thể hiện cảnh những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau cùng tận hưởng tiết trời nắng đẹp tại một công viên.
Về tác giả: Sự nghiệp của Georges Seurat (1859 - 1891) ngắn ngủi nhưng để lại nhiều ảnh hưởng. Các tác phẩm ban đầu của ông là những bức vẽ đơn sắc nhằm nghiên cứu các thành phần tạo nên một tông màu. Từ những năm đầu của thập niên 1880 ông bắt đầu ứng dụng những nghiên cứu về quang học và thuyết màu sắc, sử dụng kĩ thuật Divisionist (hay “Pointillist”) để vẽ đời sống vùng ngoại ô Paris. Các tác phẩm cuối cùng của ông khắc họa phong cảnh tại cảng Normandy và những loại hình giải trí khu vực thành phố. Các ý tưởng của Seurat sau này được kế thừa bởi những Signac, van Rysselberghe, và Cross.
Breakfast, Paul Signac, 1886–87, Rijksmuseum, Kröller Müller, Hà Lan
1886: Signac gặp Seurat vào năm 1844 và từ đó, ông cũng bắt đầu vẽ với những đốm màu được sắp xếp xen kẽ một cách khoa học. Mặc dù bức tranh này minh họa một gia đình tư sản, Signac thực chất là người theo chủ nghĩa vô trị.
Street Scene, at Five in the Afternoon, Louis Anquetin, 1887, Wadsworth Atheneum, Hartford, CT
1887: Bức tranh tả cảnh đêm này là ví dụ tiêu biểu của phương pháp vẽ Cloisonnist mà Anquetin đã phát minh cùng với Emile Bernard. Đặc trưng của phương pháp này là những đường viền đậm bao quanh các mảng màu phẳng.
Surprised!, 1891, National Gallery, London, Vương quốc Anh
1891: Phong cách của Henri Rousseau không được xếp vào bất kì phong trào hội họa nào, nhưng những tác phẩm thuần khiết và biểu hiện của ông được ngưỡng mộ bởi những họa sĩ avant-garde đương thời, trong đó có Picasso, và cả những nghệ sĩ sau này, bao gồm những họa sĩ Siêu thực. Ông không được đào tạo nghệ thuật một cách chính quy và kiếm sống bằng công việc thu phí. Nhiều tác phẩm của ông tả cảnh rừng rậm độc đáo, nhưng rất có thể ông chưa bao giờ đặt chân ra khỏi nước Pháp.
Breton Women With Umbrellas, Emile Bernard, 1892, Musée d’Orsay, Paris, Pháp
1892: Bernard ngưỡng mộ cái mà ông gọi là sự thuần khiết của Pont-Aven, nhưng ông dần từ bỏ phong cách vẽ đời sống hiện thực, thay vào đó tập trung vào những khía cạnh trừu tượng hơn của hình dáng và màu sắc. Ý nghĩa của bức tranh này cho tới nay vẫn chưa được xác định, nhưng cảm giác nó mang lại rất thơ văn, bay bổng.
The Muses, Maurice Denis, 1893 ,Musée d’Orsay, Paris, Pháp
1893: Tác phẩm của Denis chọn một chủ đề Cổ điển nhưng với một cách tiếp cận hiện đại. Tính chất thuần trang trí của bức tranh thế hiện quan điểm của ông rằng “một bức tranh, trước khi là một con ngựa chiến, một phụ nữ khỏa thân, hay một giai thoại nào đó, về cơ bản chỉ là một mặt phẳng phủ đầy màu sắc bên trên.”
Still Life With Plaster Cast, Paul Cézanne, 1895, Courtauld Gallery, London, Vương quốc Anh
1895: Trong bức tĩnh vật mà Cézanne thực hiện vào thời điểm đỉnh cao, tất cả mọi vật thể trên sàn nhà và trên mặt bàn dường như đang ngả vào khung tranh, hay được quan sát từ nhiều góc độ khác nhau. Góc nhìn méo mó có chủ đích này về sau đã giúp định hình chủ nghĩa Lập thể.
Về tác giả: Là người gốc Provence, Paul Cézanne (1839 - 1906) được đào tạo tại Paris, nơi ông gặp gỡ những họa sĩ Ấn tượng khác. Ông sớm từ bỏ lối biểu hiện tối tăm và bạo lực trong những bức tranh ban đầu của mình, nhưng các tác phẩm vẫn không được trưng bày tại Salon, mà chỉ xuất hiện trong một vài buổi triển lãm nhóm Ấn tượng. Những năm 1880s, ông ngày càng khó chịu với sự thiếu vắng tính cô đặc và kết cấu chặt chẽ trong tranh Ấn tượng, và bắt đầu chú trọng hơn vào khối lượng và cấu trúc trong tác phẩm của mình, tìm những góc nhìn trừu tượng hơn. Từ giữa những năm 1880, ông dành thời gian tại Aix-en-Provence và Paris, sản xuất một lượng lớn tranh phong cảnh minh họa dãy núi Provençal hùng vĩ và núi Mont Sainte-Victoire.
The Female Clown Cha-U-Kao, Henri de Toulouse-Lautrec, 1895, Musée d’Orsay, Paris, Pháp
1895: Cha-U-Kao, người làm việc tại hộp đêm Moulin Rouge, là một trong những nàng thơ yêu thích của Toulouse-Lautrec. Bức tranh minh họa một khoảnh khắc riêng tư của nàng phía sau hậu trường, đang buộc lại lớp diềm vàng quanh eo. Hình ảnh người đàn ông phản chiếu trên gương có thể là một người bạn hay một người hâm mộ.
Về tác giả: Sinh ra trong một gia đình có học thức và giàu có, nhưng Henri de Toulouse-Lautrec (1864 - 1901) cũng thừa kế một căn bệnh di truyền khiến cơ thể ông không thể phát triển toàn vẹn. Ông định cư tại vùng Montmartre, Paris và tận hưởng một cuộc sống phóng khoáng, thường xuyên dạo chơi quanh những tụ điểm ăn chơi như hộp đêm Moulin Rouge, quán cafe, nhà thổ. Có lẽ vì sở hữu bề ngoài dị dạng nên ông cũng có sự nhạy cảm với những khía cạnh dung dị của các cô gái bán dâm và ca kỹ, được thể hiện qua các tác phẩm chân dung. Những bức tranh của ông bán rất chạy, và ông thường được đặt thiết kế poster cho các vở diễn cabaret và tiệc khiêu vũ, tuy nhiên ông sớm qua đời vì chứng nghiện rượu.
Seated Woman, Edouard Vuillard, 1901, Private Collection
1901: Vuillard, người thường được gắn liền với nhóm họa Nabi, luôn cố gắng miêu tả cái cốt lõi của một khung cảnh thay vì chỉ đơn thuần vẽ những gì mình thấy. Cách ông sắp đặt đồ nội thất giúp tạo hiệu quả tâm lí mạnh mẽ đối với người xem.
A Walk on the Beach, Theo van Rysselberghe, 1901, Private Collection
1901: Nghệ sĩ người Bỉ Rysselberghe bị say đắm bởi tác phẩm Grande Jatte của Seurat kể từ khi ông chứng kiến nó tại cuộc triển lãm Ấn tượng diễn ra năm 1886, và kể từ đó cũng chuyển hướng sang phong cách hội họa Tân Ấn tượng. Những nét vẽ trong bức này đã thành công trong việc mô tả ánh sáng mờ ảo vùng bờ biển.
In the Shade, Henri-Edmond Cross, 1902, Private Collection
1902: Cross tiếp nhận và phát triển phong cách Divisionist được khơi mào bởi Seurat vào những năm 1880, tạo chỗ đứng cho nó vào thế kỷ 20. Các tác phẩm phong cảnh minh họa vùng phía Bắc nước Pháp đã truyền cảm hứng cho những họa sĩ Dã thú, bao gồm Matisse và Derain
Barbaric Tales, Paul Gauguin, 1902, Museum Folkwang, Essen, Đức
Những nền văn hóa khác nhau đã giao thoa trong tác phẩm này. Người đàn ông tóc đỏ có nhiều đặc điểm liên tưởng đến người bạn của Gauguin, họa sĩ người Hà Lan Meyer de Haan. Trong khi đó, nhân vật châu Á ở giữa khung tranh đang ngồi trong tư thế thiền Phật giáo, còn cô gái phía bên phải đại diện cho niềm hứng thú của Gauguin đối với quần đảo Polynesia.
KIỆT TÁC
Self-Portrait With Bandaged Ear
Vincent van Gogh 1889 Courtauld Gallery, London, Vương quốc Anh
Trong bức kiệt tác chân dung này, ánh nhìn của van Gogh hướng thẳng vào người xem, phô bày tâm hồn của mình ở dáng hình thuần khiết nhất. Tác phẩm này đã để lại một khía cạnh rất trần trụi và cá nhân của người nghệ sĩ Hà Lan.
Vào tháng 2 năm 1888, van Gogh bắt chuyến tàu lửa từ Paris đến Arles ở phía Nam nước Pháp. Ông đang trên hành trình xây dựng một ‘thánh địa nghệ sĩ’ - bắt đầu từ một xưởng vẽ ở phía Nam - nơi mà ông hi vọng Paul Gauguin và Emile Bernard cũng sẽ tới và tham gia cùng ông. Cùng năm đó, Gauguin quả thật đã đặt chân đến Arles vào tháng 10, tuy nhiên cuộc hội ngộ này sớm trở nên cay đắng khi cả hai nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến các cuộc cãi cọ căng thẳng. Vào ngày Giáng sinh, sau một cuộc tranh cãi, van Gogh đe dọa Gauguin với một lưỡi dao cạo nhưng rồi tự lấy nó cắt đứt lìa một bên tai của mình rồi tặng cho một gái mại dâm gần đó. Ông được mang đến bệnh viện trong tình trạng điên loạn, còn Gauguin rời Arles và không bao giờ quay lại.
Bức chân dung tự họa này là một trong những tác phẩm đầu tiên van Gogh thực hiện sau biến cố đó, với hi vọng rằng việc vẽ vời sẽ giúp ông ổn định lại. Ông vẽ bản thân ông đứng trước một giá tranh vẽ dở, bên trên tường là một tấm tranh in từ Nhật. Van Gogh trước đó đã giải thích trong thư ông gởi người em Theo rằng ông đã hi vọng cuộc sống ở phía nam nước Pháp sẽ giống như của một họa sĩ Nhật Bản, nhưng niềm hạnh phúc mà ông kiếm tìm giờ đây đã quá xa vời, vì thế bản in là lời nhắc nhở của van Gogh về một giấc mơ đã mất. Van Gogh cố tình chọn góc nhìn để lộ vết băng bó lỗ tai, dấu tích còn sót lại sau biến cố tang thương trước đó. Ông dường như đang thu mình lại sau chiếc áo choàng nặng nề, làn da nhợt nhạt và khuôn mặt gầy gò thể hiện rõ những vấn đề sức khỏe của ông. Nét vẽ thô sơ, đôi khi cứng nhắc xếp thành hàng ở vài vị trí, góp phần tạo nên cảm giác bất ổn, bi thương cuốn hút ánh nhìn người xem vào tâm hồn đầy đau khổ và bệnh tật trong tranh.
Về tác giả: Vincent Van Gogh (1853 - 1890) từng là một nhà buôn tranh và là một nhà truyền đạo giáo dân trước khi trở thành họa sĩ chuyên vẽ cảnh nông dân, được truyền cảm hứng bởi những nghệ sĩ như Jean-François Millet. Ông không được đào tạo chuyên môn nghệ thuật và chủ yếu là tự học. Năm 1886 ông chuyển tới Paris và được giới thiệu với người em làm nghề môi giới tranh, Theo, người đã giúp bán vài tác phẩm của ông. Lúc này, ông bắt đầu theo đuổi phong cách vẽ dựa trên kĩ thuật Divisionist của Seurat và cũng như nhiều họa sĩ đương thời, ông bị cuốn hút bởi những bởi gam màu rực rỡ và thiết kế độc đáo của các bản in Nhật Bản. Năm 1888, ông chuyển tới Arles, nơi ông đã thực hiện những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình. Tuy nhiên, những chứng bệnh tâm thần liên tục hành hạ ông và ông tự nguyện chuyển đến bệnh viện ở gần vùng Saint-Remy để kiểm tra tâm lý. Ông dành những tháng cuối đời tại Auvers-sur-Oise, nơi mà căn bệnh trầm cảm đã dẫn đến việc ông tự sát ở độ tuổi 37. Cuộc đời của Van Gogh được thể hiện và lưu trữ cẩn thận thông qua hàng loạt bức thư ông gởi cho người em Theo.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.