288
13 Tháng 11 1:32 pm

Art that Changed the World I Chủ nghĩa Tượng trưng (Symbolism)

 Chủ nghĩa Tượng trưng bắt đầu nổi lên như một phong trào nghệ thuật vào khoảng năm 1885. Được ảnh hưởng bởi phong trào Art Nouveau và các lĩnh vực đang phát triển là phân tâm học và tâm lý học, các nghệ sĩ Tượng trưng đã truyền tải ý tưởng của mình thông qua những dấu hiệu, biểu tượng do chính họ sáng tạo

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 4F: CHỦ NGHĨA TƯỢNG TRƯNG (1875 - 1910)
Thế giới vô hình

Vào khoảng cuối thế kỷ 19, để phản đối chủ nghĩa vật chất và duy lý trong thế giới cũng như nghệ thuật hiện đại, các nhà văn và nghệ sĩ chủ nghĩa Tượng trưng đã thực hiện những tác phẩm chú trọng vào sự tưởng tượng và cảm xúc. Họ lấy cảm hứng từ những ý tưởng tâm linh huyền bí và tâm lí học nhằm hữu hình hóa thế giới vô hình. Họ cũng đã không sử dụng những biểu tượng có sẵn, thay vào đó họ tìm cách truyền tải ý tưởng của mình thông qua những dấu hiệu tiềm ẩn, kín đáo. Các tác phẩm của họ thể hiện sự ngất ngây, mơ hồ, thần bí và sự khai sáng. Các chủ đề phổ biến bao gồm giấc ngủ, giấc mơ, sự tĩnh lăng, yên bình, hoặc những hình ảnh thể hiện sự bất công đối với phái nữ. Nghệ thuật Tượng trưng có gốc rễ từ Pháp với những tác phẩm của Gustave Moreau và Pierre Puvis de Chavannes, nhưng sớm thu hút nhiều người ủng hộ khắp châu Âu, đặc biệt tại vương quốc Anh, Bỉ, Áo, và bán đảo Scandinavia.

The Poor Fisherman Pierre Puvis de Chavannes 1881 Musée d’Orsay, Paris, Pháp

Puvis de Chavannes khơi gợi cảm xúc cô độc thường thấy ở các tác phẩm Tượng trưng bằng cách đặt những nhân vật của ông trong bối cảnh trơ trọi, hoang vu. Trong tranh, người góa vợ nghèo túng đang cố gắng chăm sóc cho đứa con của mình mang vẻ ngoài giống Chúa Giê-su, trong khi chiếc thuyền mang dáng dấp của cây thập tự giá.

BỐI CẢNH

Vào hai thập niên cuối thế kỷ 19, sự thịnh vượng mà nhóm nghệ sĩ, nhà văn Tượng trưng khinh miệt đã tạo điều kiện để kiến trúc và nghệ thuật trang trí phát triển mạnh mẽ, mở đường cho những phong cách thiết kế mới mẻ, độc đáo. Tại Pháp, phong cách Art Nouveau (Tân Nghệ thuật) là dấu hiệu thể hiện sự quyết tâm cắt đứt mối liên hệ với quá khứ để hướng đến những phong cách hiện đại. Đặc trưng của phong cách này là đường nét quanh co, bất đối xứng lấy dựa trên các hình dáng hữu cơ, lấy cảm hứng từ những sản phẩm thuộc phong trào Nghệ thuật & Thủ công của William Morris cũng như những tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác từ Nhật Bản. Năm 1895 là cột mốc đáng chú ý của chủ nghĩa Art Nouveau nhờ sự khai trương cửa hàng Parisian của Siegfried Bing và phòng trưng bày thiết kế đương đại Maison de l’Art Nouveau (“House of New Art”), nơi mà khách tham quan có thể thưởng thức những thiết kế nội thất mới nhất từ các nhà thiết kế hàng đầu.

Những tấm áp phích ấn tượng thiết kế bởi các nghệ sĩ đồ họa như Alphonse Mucha và Toulouse-Lautrec càng tăng thêm độ hấp dẫn của phong cách mới mẻ này, và sự quyến rũ của nó sớm lan tỏa từ thủ đô ra các thành phố khác tại Pháp và phần còn lại của châu Âu. Phong cách Art Nouveau chỉ tập trung chủ yếu vào vẻ ngoài phù phiếm, xa hoa, vì thế nên khi các nghệ sĩ Tượng trưng muốn đưa các đặc điểm bề ngoài của phong cách này vào tác phẩm của mình, họ cũng phải có tầm nhìn vượt qua những thứ hữu hình để nhìn thấu vào chiều sâu nội tâm con người. Không hề trùng hợp khi mà cũng trong giai đoạn này, các lĩnh vực tâm thần học và phân tâm học cũng đang phát triển. Tại phòng khám của mình ở Paris,  nhà thần kinh học người Pháp nổi tiếng, Jean-Martin Charcot, đang nghiên cứu việc ứng dụng thôi miên để điều trị cho các bệnh nhân. Các học trò của ông bao gồm nhà phân tích người Áo Sigmund Freud, người có chung mối quan tâm với các nghệ sĩ tượng trưng: sức mạnh của tiềm thức và ý nghĩa của những giấc mơ.

Xã hội lúc bấy giờ cũng dần trở nên hứng thú với tâm linh, và cả Đạo Công giáo lẫn những giáo phái truyền giáo đều phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, Phong trào Rosicrucianism, được cho là bắt nguồn từ một văn bản ra đời vào thế kỷ 15, được tái sinh tại Pháp nhờ những nhà thấn bí học như  Sâr Joséphin Péladan, người thậm chí đã tổ chức loạt triển lãm Salon de la Rose + Croix để truyền bá phong trào này. Âm nhạc và thơ văn cũng là phương tiện hiệu quả để những ý niệm mới mẻ này tiếp cận tâm hồn con người. Các tác phẩm chủ yếu chú trọng vào cảm xúc, cách trí tưởng tượng của người nghệ sĩ được hữu hình hóa thông qua các hình dáng độc đáo hay đối với âm nhạc thì là những tiếng động và nhịp điệu lặp đi lặp lại. Đối với những ai đủ dũng cảm để thử nghiệm với các lối sống cấp tiến, một số xu hướng mới cũng xuất hiện trong xã hội thời bấy giờ, bao gồm phong trào ăn chay, thiền định, và phong trào trở về với thiên nhiên.

Chủ nghĩa Tư tưởng chạm đến đỉnh cao vào hai thập niên cuối thế kỉ 19 (quy tắc thẩm mỹ của phong trào này được thể hiện trong bản tuyên ngôn được công bố vào năm 1886) nhưng nguồn gốc của nó có thể truy về các bức họa của những Gustave Moreau và Pierre Puvis de Chavannes, được thực hiện tại Pháp vào những năm 1860 và 1870. Cả hai người nghệ sĩ đều bị thu hút bởi những chủ đề Lãng mạn vốn thịnh hành một thế hệ trước đó - cả hai đều ưu tiên truyền tải cảm xúc và ứng dụng phép phúng dụ, cũng như đề cao cảm nhận chủ quan hơn cái nhìn khách quan. Điểm chung giữa họ và các nghệ sĩ Tượng trưng chủ yếu là cảm xúc. Nếu Moreau sáng tạo một bố cục đầy tính kịch sân khấu với phần nền được trang trí phức tạp và hàng loạt chi tiết tinh tế, thì Puvis de Chavannes chọn cách tinh giản các hình dáng trong tranh và sử dụng chủ yếu các gam màu lặng. Odilon Redon, một trong những nghệ sĩ Tượng trưng thời kì đầu đáng chú ý, cũng chỉ sử dụng gam màu trắng và đen trước khi ông bước sang tuổi 50, khi ông quyết định thực hiện một loạt chủ đề kỳ quặc lặp đi lặp lại được ảnh hưởng bởi các tác phẩm của Edgar Allan Poe.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Các họa sĩ Tượng trưng bị cuốn hút bởi những câu chuyện giàu trí tưởng tượng về tình dục, cái chết, bạo lực, những thế lực siêu nhiên, nhưng đáng chú ý và nổi tiếng nhất là hình mẫu femme fatale. Một số họa sĩ lấy chủ đề từ thơ ca hay tiểu thuyết, như tác phẩm Salammbô của Flaubert đã được Moreau dùng làm chủ đề cho bức The Apparition

Perseus beheading Medusa, Bennevuto Cellini, 1545, Loggia dei Lanzi, Florence, Ý

Hình ảnh rùng rợn là một đặc trưng thường thấy trong tranh Tượng trưng. Moreau lần đầu chứng kiến bức tượng đồng Perseus được thực hiện bởi nhà điêu khắc Phục hưng người Ý Benvenuto Cellini khi ông mới 15 tuổi, và ông rất có thể đã xem lại nó trong hai năm ông ở lại Ý từ 1857 đến 1859.

The Sultan of Morocco and his Entourage, Èugene Delacroix, 1845, Musée des Augustins, Toulouse, Pháp

Những chủ đề phương Đông được thực hiện bởi những nghệ sĩ đã từng chu du đến vùng Trung Đông và Bắc Phi vào những năm 1830 đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chủ nghĩa Tượng trưng. Delacroix đã vẽ một loạt bức tranh chủ đề Ả Rập sau khi ông trở về từ chuyến viễn du đến Algeria và Morocco.

Susanna and the Elders, Théodore Chassériau, 1856, Louvre, Paris, Pháp

Sự nhạy cảm với phụ nữ được Moreau thể hiện rõ rệt trong tác phẩm của mình. Ông rất có thể đã quen thuộc với bố cục của Théodore Chassériau, với tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến là Susanna and the Elders, trong đó một người phụ nữ vô tình bị mắc kẹt trong ngọn lửa ái tình bùng cháy của hai người đàn ông lớn tuổi hơn.

Họa tiết trang trí tại lâu đài Alhambra Palace, Granada đã truyền cảm hứng cho Moreau

Các thiết kế trang trí tinh xảo thường xuất hiện trong tranh vẽ từ Moreau và các nghệ sĩ Tượng trưng khác. Các chi tiết trang trí trong cung điện Herod được truyền cảm hứng trực tiếp từ những cây cột trụ bên trong lâu đài Alhambra tại Granada.

ĐIỂM NGOẶT

The Apparition
Gustave Moreau, 1876, Fogg Art Museum, Harvard University, Cambridge, MA

Bức tranh của Gustave Moreau khắc họa nàng công chúa trẻ của Judea, Salome, người quyến rũ bố dượng Herod với vũ điệu mê hoặc của cô và yêu cầu cái đầu của thánh John như một phần thưởng. Ánh hào quang của vị thánh tỏa sáng chói lòa mặc dù đầu đã lìa khỏi cổ, tên đao phủ tay vẫn cầm kiếm đứng một cách thần phục ở hậu cảnh. Nhà phê bình J.K.Huysmans đã viết một đoạn bình rất chi tiết về bức tranh này trong quyển A Rebours (Against Nature)

Về tác giả: Gustave Moreau là một trong những nhà sáng lập của hội họa Tượng trưng tại Pháp. Ông bắt đầu theo nghiệp vẽ sau 2 năm lưu trú tại Ý từ năm 1857, nơi ông nghiên cứu những bậc thầy Phục hưng bao gồm Mantegna và Leonardo cũng như được thu hút bởi giá trị tâm linh của nghệ thuật. Tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông, Oedipus and the Sphinx (1864) đã đánh dấu mô-típ quen thuộc của người nghệ sĩ: sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, đàn ông và phụ nữ, thế giới vật chất và tâm linh. Các chủ đề yêu thích nhất của ông là những nền văn minh cổ đại hay những câu chuyện thần thoại, được khắc họa qua những bức tranh phức tạp, thô ráp và vô cùng chi tiết. Vào những năm 1870, phong cách của Moreau trở nên nhẹ nhàng hơn và đầy những sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, thường chọn cách đặt những chủ thể nhỏ bé trong những bối cảnh trau chuốt, vĩ đại. Năm 1892 ông trở thành giáo sư tại học viện Ecole des Beaux-Arts, các học trò nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến Georges Rouault và Henri Matisse.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Chủ nghĩa tượng trưng bắt đầu nổi lên như một phong trào nghệ thuật vào khoảng năm 1885, nhưng nguồn gốc của nó có thể được truy về tận một thập kỷ trước đó. Vào cuối những năm 1880 và 1890, những đặc trưng của chủ nghĩa Tượng trưng xuất hiện trong các tác phẩm Hậu ấn tượng của các nghệ sĩ như Gauguin và Emile Bernard. Các tác phẩm Tượng trưng đáng chú ý nhất được thực hiện vào thế kỷ 20, khi mà những lý tưởng của chủ nghĩa tượng trưng đã vượt ra khỏi Paris đến tận Brussel, London, Glasgow, Vienna, Osla và St.Petersburg.

Desire, Max Klinger, 1878, Private Collection

1878: Họa sĩ người Đức Max Klinger là người hâm mộ nhiệt thành các tác phẩm của Arnold Böcklin và nổi tiếng nhất với thể loại tranh in. Bức ‘Glove cycle’ là một bản vẽ phác trong đó ông kết hợp độc đáo hiện thực và giấc mơ, mang ảnh hưởng của ngành phân tâm học mới nổi.

The Prodigal Son, Pierre Puvis de Chavannes, 1879, National Gallery of Art, Washington, DC
 

1879: Nhân vật đáng thương của Puvis được đặt trong bối cảnh hoang vu thể hiện tính cách buồn bã của người nghệ sĩ, một điểm tượng đồng giữa các họa sĩ hội họa Tượng trưng. Ông thừa nhận rằng ông luôn “thích những khía cạnh bi kịch hơn, thể hiện qua cách vẽ đường chân trời thấp, phong cảnh hiu quạnh, và màu sắc tinh tế.

The Island of the Dead, Arnold Böcklin, 1880, Kunstmuseum, Basle, Thụy Sĩ

1880: Đây là một trong số nhiều phiên bản của bức tranh này của Böcklin. Tất cả các bức đều minh họa một nhân vật bí ẩn màu trắng bên cạnh chiếc quan tài đang trên con thuyền tiếng lại gần một hòn đảo đá, thường được cho là đại diện cho nghĩa trang.

Về tác giả: Arnold Böcklin (1827 - 1901) là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của Đức vào hai thập niên 1880 và 1890, mặc dù ông dành phần lớn sự nghiệp tại Ý, cũng là nơi đã đánh thức niềm đam mê của ông đối với nghệ thuật Phục hưng. Ông đã từng vẽ một vài bức theo chủ đề thần thoại. Phong cách của ông thay đổi vào những năm 1880, trở nên tăm tối hơn và đan xen với những chi tiết thần thoại từ khi ông biết đến chủ nghĩa Tượng trưng. Một người phụ nữ đã đặt vẽ bức tranh với khả năng khơi gợi giấc mơ, và kết quả là kiệt tác The Isle of the Dead (1880), được lấy cảm hứng từ kí ức người tác giả khi ghé thăm hòn đảo Ischia ở Ý.

The Temptation of St. Anthony, Fernand Khnopff, 1883, Private Collection

1883: Tiểu thuyết The Temptation of St.Anthony (1874) của Gustave Flaubert đã giúp phổ biến câu chuyện về vị thành bị đày đọa bởi sự ham muốn. Có thể thấy cái đầu bị cắt rời trong tranh Khnopff rất tương tự với bức Apparition của Moreau.

Hope, George Frederic Watts, 1886, Private Collection

1886: Lời tuyên bố  “Tôi vẽ ý tưởng, không phải vật thể,” của họa sĩ người Anh GF Watts có thể coi là đại diện cho lý tưởng của hội họa Tượng trưng. Cách ông khắc họa Hi vọng như một nhân vật bị bịt mắt đang gảy sợi dây duy nhất trên cây đàn lyre bị vỡ đã khiến bức tranh trở nên mơ hồ, huyền bí một cách có chủ đích và truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ khác.\

Night, Ferdinand Hodler, 1889–90, Berne Kunstmuseum, Thụy Sĩ

1889: Hodler khắc họa bản thân như vừa bị đánh thức bởi thần chết, xung quanh ông là những thân thể quấn vào nhau, cả đàn ông và phụ nữ. Bức tranh được thực hiện với chủ đích tạo ra một biểu tượng mang ý nghĩa quốc tế: nó không đại diện cho một khoảnh khắc nhất định, mà khơi gợi lên những đặc tính của màn đêm và cái chết.

Về tác giả: Ferdinand Hodler (1853 - 1918) là một họa sĩ Thụy sĩ có xuất thân nghèo nàn. Hodler bắt đầu nghiệp hội họa với các bức tranh vẽ cảnh những nghệ sĩ làm việc và những phong cảnh ngập tràn ánh sáng, nhưng đến khoảng những năm 1890 ông đã quay lưng với chủ nghĩa tự nhiên. Cũng vào thời điểm đó ông được tiếp cận chủ nghĩa Tượng trưng Pháp, và các tác phẩm của ông xuất hiện trong buổi trưng bày đầu tiên của Salon de la Rose+Croix vào năm 1892 tại Paris. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, Hodler bắt đầu tập trung vào việc thể hiện những trạng thái của tâm trí, và các chủ đề như giấc ngủ, giấc mơ, cái chết, sự khêu gợi, mặc dù ông được nhận rất nhiều lời mời vẽ tranh chủ đề lịch sử. Các tác phẩm tranh canvas đỉnh cao của ông có đặc trưng là những nhân vật phẳng tối giản được sắp đặt theo một khuôn mẫu lặp đi lặp lại.

The Kiss, 1889, Auguste Rodin

1889: Trong lúc những nghệ sĩ avant-garde mở ra những tiềm năng mới cho hội họa vào cuối thế kỷ 19, Rodin cũng đang làm điều tương tự đối với lĩnh vực điêu khắc. Ông đã gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định chính mình khi phải đối đầu với nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên các tác phẩm như The Burghers of Calais (1884-89), The Kiss (1889), và The Thinker (1902) đã thành công trong việc truyền tải ý tưởng và cảm xúc thông qua tư thế và bố cục mạnh mẽ.

Punishment of Lust, Giovanni Segantini, 1891, Walker Art Gallery, Liverpool, Vương quốc Anh

1891: Bức tranh này nằm trong loạt tranh minh họa chủ đề những bà mẹ tồi, được tạo bởi họa sĩ người Ý Segantini. Ông kết án những người phụ nữ từ chối trách nhiệm của người mẹ qua hành động phá thai hay đối xử tệ bạc với con mình; Linh hồn của họ được đặt trong bối cảnh là một ngọn núi tuyết có thể nhận định là dãy Alps, nơi Segantini đã dành phần lớn cuộc đời tại đó.

 Orpheus, Jean Delville, 1893, Private Collection

1893: Họa sĩ Tượng trưng người Bỉ Jean Delville là người tin vào thuyết Rosicrucianism và thuyết thần trí, với các tác phẩm ấn tượng được truyền cảm hứng bởi Gustave Moreau. Trong tranh của Delville,  nhân vật Orpheus được vẽ theo hình mẫu vợ ông, nhưng chỉ có phần đầu nằm trên cây đàn lyre, xung quanh là sóng biển dạt dào.

Madonna, Edvard Munch, 1894–95, Munch Museet, Oslo, Na-uy

1894: Thái độ mâu thuẫn của Munch đối với phụ nữ được thể hiện qua bức họa này, khi nó khắc họa Madonna một cách vừa thần thánh, vừa quyến rũ trần tục. Munch làm việc tại Oslo và Berlin, nhưng khoảng thời gian tại Paris đã giúp ông được tiếp cận chủ nghĩa Tượng trưng và Hậu Ấn tượng. Sự ám ảnh của ông với phái nữ cũng là điểm chung với nhiều họa sĩ Tượng trưng khác.

Silence, Lucien Levy-Dhurmer, 1895, Private Collection

1895: Người phụ nữ của Levy-Dhurmer thể hiện sự huyền bí nhất định. Rất khó đọc biểu cảm của cô, từ đó biến cô thành một nhân vật bí ẩn, hay tồn tại một lí do thần thánh nào đó đằng sau biểu cảm khó hiểu của cô. Không hề có bối cảnh, tác phẩm này mang tính chất Tượng trưng thuần khiết.

 Pallas Athena, Franz von Stuck, 1898, Private Collection

1898: Cũng như Arnold Böcklin, họa sĩ người Đức Franz von Stuck lấy cảm hứng chủ yếu từ thần thoại, tạo cho nhân vật của ông những đặc trưng tiêu biểu của hội họa Tượng trưng. Vị nữ thần Pallas Athena vừa mạnh mẽ vừa quyến rũ.

Murdered Dmitry Tsarevitch, Mikhail Nesterov, 1898–99, Russian Museum, St. Petersburg, Nga

1898: Con trai trẻ tuổi nhất của Ivan the Terrible, người đã chết một cách bí ẩn, được khắc họa như một người tử vì đạo, ánh hào quang tỏa ra từ đầu ông. Ngoài là thành viên của nhóm World of Art, Nesterov còn là một người ngoan đạo của Giáo hội Chính thống giáo Nga.

Lake Keitele, Akseli Gallen-Kallela, 1905, National Gallery, London, Vương quốc Anh

1905: Họa sĩ người Phần Lan Gallen-Kallela được đào tạo ở Paris, sau khi trở về quê hương ông đã thực hiện một loạt tranh mang hơi hướng chủ nghĩa Tượng trưng khắc họa thần thoại truyền thống của Phần Lan. Cách ông vẽ một hồ nước ở Phần Lan thể hiện sự cô độc, trống rỗng đặc trưng của phong cảnh Tượng trưng, trong khi những đường nét tối giản hé lộ ảnh hưởng từ Gauguin.

The Kiss, Gustav Klimt, 1907, Österreichischer Galerie Belvedere, Vienna, Áo

1907: Vienna là thành phố nơi Signmund Freud ra đời, và các tác phẩm của Gustav Klimt cũng như các nghệ sĩ khác thuộc phong trào Vienna ly khai đều mang ảnh hưởng mạnh mẽ của ngành tâm lí học - cũng như một nỗi ám ảnh với tình dục và cái chết. Phục trang của cặp đôi trong tranh được trang trí bởi những họa tiết mang âm hưởng của phong trào Art Nouveau và thiết kế Byzantine.

Về tác giả: Phong cách hàn lâm sơ khai của Gustav Klimt (1862 - 1918) đã giúp ông nổi tiếng cũng như nhận được nhiều đơn đặt vẽ hơn, nhưng đến những năm 1890, ông bị thu hút bởi phong cách nghệ thuật avant-garde vốn đang được phát triển ở một khu vực khác trong châu Âu, và ông dần hình thành phong cách đặc trưng của riêng mình, kết hợp những chủ đề mang tính biểu tượng với những nhân tố của hội họa Ấn tượng và phong trào Art Nouveau. Ước muốn được sáng tạo một loại hình nghệ thuật mới đã đẩy ông lên hàng ngũ tiên phong trong số những nghệ sĩ đã hình thành nhóm Vienna ly khai vào năm 1897. Klimt còn  là một tay đào hoa, và thường khắc họa những chủ đề khơi gợi, các bức chân dung khỏa thân của ông thường bị cáo buộc là tác phẩm đồi trụy.

Ophelia Among the Flowers, Odilon Redon, 1905–08, Tate Modern, London, Vương quốc Anh

1905: Redon đặt nữ anh hùng bi kịch của Shakespeare trong một thế giới huyền ảo đầy màu sắc, được bao quanh bởi những đóa hoa mà cô đã hái trước khi cô chết đuối. Redon viết rằng: “Tôi yêu tự nhiên và mọi sắc thái của cô ấy… từ những sự vật khiêm tốn như hoa lá, cây, mặt đất và những hòn đá, cho đến những kì quan vĩ đại như các ngọn núi… Tôi rùng mình sâu sắc trước sự bí ẩn của cái cô độc.”

Về tác giả: Tác phẩm thành công đầu tiên của Odilon Redon (1840 - 1916) là một bức vẽ than trắng đen, thứ khắc họa một thế giới huyền bí và buồn bã với cư dân là những loài vật quái thai dị dạng. Những năm 1880 và 1890, ông đưa nghệ thuật mình đến với công chúng thông qua một loạt tranh in thạch bản. Đến năm 1886 ông đã được thừa nhận là một họa sĩ Tượng trưng mang tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Ông bắt đầu thử nghiệm với màu sắc nhiều hơn vào khoản năm 1890, thực hiện những bức tranh phong cảnh huyền ảo, rực rỡ với chất liệu sơn dầu và màu phấn.

KIỆT TÁC

I Lock My Door Upon Myself
Fernand Khnopff, 1891, Neue Pinakothek, Munich, Đức

Fernand Khnopff được tiếp cận thế giới nghệ thuật Anh Quốc vào khoảng giữa những năm 1880 và hình thành một mối quan hệ thân mật với họa sĩ Tiền Raphael, Burne-Jones. Ông đặc biệt bị lay động bởi bài thơ “Who Shall Deliver Me?” (1876) sáng tác bởi Christina Rossetti, em gái của họa sĩ Dante Gabriel Rossetti - một họa sĩ Tiền Raphael khác - và ông đã trích tên bức tranh này từ vế thứ ba của bài thơ:

Bản gốc:

I lock my door upon myself,
 And bar them out; but who shall wall
 Self from myself, most loathed of all?

Bản dịch:

Tôi khóa cánh cửa dẫn đến chính mình
Và ngăn cách họ; nhưng ai sẽ ngăn
Chính tôi khỏi bản thân, kẻ đáng khinh nhất

Tranh của Khnopff miêu tả sâu sắc cái tang thương của thơ Rossetti - lời trầm ngâm của người phụ nữ thu mình lại trong giấc mơ của mình. Với mái tóc đỏ dày dặn và đặc điểm khuôn mặt ấn tượng, người phụ nữ trong tranh là tiêu biểu cho một “hình mẫu ấn tượng” của hội Tiền Raphael. Không gian xung quanh cô dường như mang tính trừu tượng, chỉ có vài dấu hiệu thể hiện rằng bối cảnh được đặt trong thế giới thực. Khó có thể định nghĩa một câu trả lời chính xác cho ý nghĩa bức tranh này, mặc dù một vài vật thể mang tính biểu tượng có thể cung cấp vài manh mối thể hiện hoàn cảnh và trạng thái của cô gái. Một pho tượng điêu khắc hình Hypnos, vị thần giấc ngủ của Hy Lạp được đặt trên kệ tủ. Hypnos là một hình mẫu quan trọng đối với Khnopff - ông có bàn thờ vị thần này trong nhà, và khẳng định rằng “Giấc ngủ là thứ hoàn hảo nhất trong cuộc sống.” Giấc ngủ, cũng như sự hư vô, được thể hiện qua những đóa hoa anh túc bên cạnh pho tuợng. Hoa loa kèn trắng theo truyền thống là gắn liền với sự thuần khiết, nhưng ba bông ở tiền cảnh mang gam màu đỏ và đang phai dần, khiến cho bầu không khí của tranh thêm phần u ám. Mũi tên - thường đại diện cho nỗi đau hay tình yêu - được đặt phía trước người phụ nữ, hướng về phía cô. Tấm vải đen mang dáng dấp như tấm bạt phủ lên quan tài. Sự cô lập và soi chiếu nội tâm là  2 chủ đề chính, đan xen với sự mê hoặc và huyền bí khơi gợi bởi pho tượng thần Hypnos và trang sức vàng treo lủng lẳng trên sợi xích trước mặt cô gái. Các yếu tố tâm linh và việc dùng thuật thôi miên để trở thành trung gian giao tiếp với người chết rất phổ biến vào những năm 1890, và Khnopff chắc hẳn cũng đã bị thu hút bởi hoạt động này.

Về tác giả: Fernand Khnopff (1858 - 1951) là một trong những người tiên phong của phong trào Tượng trưng tại Bỉ, và danh tiếng của ông đã lên tầm quốc tế, được ngưỡng mộ bởi những Edvard Munch và Gustav Klimt. Vào những năm đầu của tuổi 20, ông đã tới Paris, nơi ông được chứng kiến những tác phẩm của Gustave Moreau và Edward Burne-Jones. Điều này đã để lại ảnh hưởng sâu sắc lên nghệ thuật của ông, dẫn dắt ông đến những chủ đề tâm linh, huyền bí và những nhân vật nữ với làn da tái nhợt nhưng khuôn mặt đầy tâm trạng. Tranh của Khnopff thường mang gam màu của sự im lặng, cô lập và mơ mộng. Ông bị ám ảnh bởi vẻ đẹp của người chị Marguerite, và việc thường xuyên dùng cô làm hình mẫu cũng khiến các tác phẩm của ông thêm phần u ám nhất định. Các tác phẩm của Khnopff được rất nhiều nghệ sĩ châu Âu ngưỡng mộ, đặc biệt là những cái tên ở Bỉ, Anh Quốc và Áo.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

-------------------------------------------------------------------------------

Pro Creative Course I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Pro Creative Course I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Course sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us