288
03 Tháng 08 10:29 am

Art that Changed the World I Rococo Pháp

 Vào những năm đầu thế kỷ 18, các yếu tố của phong cách Baroque và Rococo pha trộn với nhau, nhưng Antoine Watteau đã dứt bỏ một cách quyết đoán những ảnh hưởng từ quá khứ, mang đến hội họa Pháp sự hào nhoáng và quyến rũ đặc trưng. Phong cách Rococo chạm tới đỉnh cao về sự hoa mỹ và quyến rũ vào khoảng giữa thế kỷ, đáng chú ý là các tác phẩm của Boucher và học trò của ông, Fragonard.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 3E: ROCOCO PHÁP (1700 - 1780)

Vào giai đoạn chuyển giao từ thế kỷ 17 sang thế kỷ 18, các bức tranh và đồ trang trí xa hoa vốn lấp đầy cung điện Versailles bắt đầu trở nên lỗi thời, nhường chỗ cho một phong cách nhẹ nhàng, rực rỡ hơn. Phong cách này, về sau được gọi là Rococo, lần đầu xuất hiện thông qua các họa tiết trang trí - trên đồ nội thất hoặc vải vóc - dưới dạng những đường cong mềm mại vô cùng tinh tế.

Sau đó, nó nhanh chóng lan sang lĩnh vực hội họa và điêu khắc cũng như ảnh hưởng một phần nhất định đến kiến trúc. Paris là trung tâm của trường phái này, phần lớn các họa sĩ Rococo kiệt xuất người Pháp đều làm việc tại đây. Watteau là một trong những cái tên tiêu biểu đầu tiên xuất hiện, sau đó là Boucher và Fragonard, người nổi tiếng nhất vào giai đoạn hoàng kim của Rococo. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến một trong những họa sĩ Pháp vĩ đại nhất mọi thời đại, Chardin, người lúc bấy giờ đang theo đuổi một nhánh nghệ thuật tách biệt, đặc trưng của riêng mình.

Pilgrimage to the Isle of Cythera, Jean-Antoine Watteau, 1717, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Một cách tình cờ, phong trào Rococo nổi lên gần như cùng thời điểm Phong trào Khai sáng bùng nổ - hay còn được biết đến là Thời đại Duy lý. Phong trào này phát triển trên quan điểm rằng nhân loại có thể tiến bộ và cải thiện chính mình thông qua tri thức và lí luận - nhằm chống lại những định kiến, tín điều và các truyền thống bất khả xâm phạm. Phong trào này về cơ bản ảnh hưởng đến giới văn hóa và tri thức trên toàn bộ châu Âu theo nhiều cách và thậm chí lan tỏa đến tận Mỹ (nơi mà Benjamin Franklin và Thomas Jefferson là hai nhân vật dẫn đầu) nhưng Pháp chính là nơi mà phong trào này thật sự bùng nổ nhất.

Lãnh đạo giới tri thức tại Pháp bao gồm 3 người đàn ông thông thái, với khả năng viết những bản chuyên luận xuất sắc trên đa dạng các lĩnh vực khác nhau: Denis Diderot, Jean-Jacques Rousseau, và Voltaire (biệt danh của Francois-Marie Arouet). Diderot được biết đến là tổng biên tập của tác phẩm vĩ đại đã tóm gọn những lý tưởng của Phong trào Khai sáng - L’Encyclopédie. Kho tàng kiến thức tổng quát khổng lồ này được xuất bản từ năm 1751 đến 1772 gồm 17 chương chữ và 12 chương bản vẽ chạm khắc (các bản bổ sung sau này nâng tổng số lên 35 chương). Nó chứa đựng tổng cộng 20 triệu từ, với mục đích tóm tắt những kiến thức hiện tại trên tất cả lĩnh vực và - trích từ Diderot - “thay đổi cách mọi người tư duy.” Luật pháp được áp đặt để bảo vệ nó khỏi những công kích công khai tại các nhà thờ và Tiểu bang, nhưng bản thân nó cũng đã tạo một lá chắn vững chắc từ những lý luận khó có thể bác bỏ. Các tư tưởng tân thời của nó đã tạo điều kiện để Cách mạng Pháp phát triển.

Madame de Pompadour, François Boucher, 1758, Victoria & Albert Museum, London, Vương quốc Anh

Những ý tưởng Khai sáng đã ảnh hưởng đến nghệ thuật theo nhiều cách khác nhau. Chúng giúp truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ qua các lĩnh vực khoa học, và đồng thời cũng gia tăng niềm hứng thú đối với kiến thức cổ đại, từ đó dẫn đến sự phát triển của trường phái Tân cổ điển. Nói chung, góc nhìn thế tục của Phong trào Khai sáng là một bước dài để tách khỏi sự thống trị lâu đời của thể loại tôn giáo trong nghệ thuật. Các họa sĩ Rococo thường chọn những câu chuyện tình trong Kinh thánh để làm nguồn cảm hứng cho mình.

Bản vẽ được tái tạo vào thế kỷ 19 này minh họa Denis Diderot trong thư viện của ông với một nhóm bạn tri thức. Những văn bản sắc sảo, phong phú của ông đã dẫn đến rất nhiều tranh cãi nghệ thuật gay gắt. Chardin và Greuze là hai trong số những họa sĩ mà ông chắp bút phê bình.

Đặc tính bề thế cuối thời kỳ Baroque được tiếp nối tại Pháp cho đến tận thế kỷ 18 bởi vì những nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ, những người sinh ra ở nửa sau của thế kỷ 17, tiếp tục làm việc vô cùng năng suất. Một ví dụ tiêu biểu là Charles de La Fosse (1636 - 1716). Là học trò và trợ lý của Charles Le Brun - họa sĩ người Pháp vĩ đại nhất lúc bấy giờ - ông đã được ảnh hưởng sâu sắc bởi thầy mình, nhưng các tác phẩm của ông mang vẻ tinh tế, màu sắc, phóng khoáng đặc trưng mà sau này đã tạo tiền đề cho phong cách Rococo phát triển.

Tuy nhiên, đầu tàu thật sự của hội họa Rococo Pháp là Antoine Watteau, một nhân vật độc lập về tư tưởng, người đã giải phóng bản thân khỏi những ảnh hưởng từ Ý vốn đã thấm nhuần vào nghệ thuật Pháp. Thông qua khả năng chọn ra những chủ đề độc đáo và sau đó triển khai theo cách nguyên bản, đặc trưng của riêng mình, ông đã tạo ra một thế giới nghệ thuật thị giác hoàn toàn mới lạ. Góc nhìn mới mẻ và kỹ thuật điêu luyện của ông đã tạo nên những bức tranh không thể lẫn lộn, toát lên sức quyến rũ khó cưỡng, tinh tế, và sự lãng mạn, bay bổng - như thể đang miêu tả tinh túy của văn hóa Paris vậy.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Watteau học về nghệ thuật một cách chắp vá và từ nhiều nguồn khác nhau. Vào những năm đầu ông thực hiện nhiều tác phẩm thương mại, sao chép bản vẽ cho những nhà buôn bán tranh; điều này giúp ông tiếp cận với nhiều phong cách và thể loại khác nhau. Ngoài ra, tình yêu lớn lao đối với nghệ thuật sân khấu cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông, không kém bất kỳ tác phẩm nào.

Các cặp đôi trẻ ăn vận xinh đẹp trong bối cảnh khu vườn hay công viên là một truyền thống bắt nguồn từ những bản vẽ minh họa thời trung cổ. Đặc trưng thơ mộng này được thể hiện trong những bản vẽ thu nhỏ thế kỷ 15, và sau này là trong phần lớn các tác phẩm của Watteau.

Quần áo và vải vóc xa xỉ là một đặc trưng nổi bật trong nghệ thuật Rococo. Veronese là một bậc thầy trong việc khắc họa màu sắc và chất liệu vải vóc. Ta có thể thấy nét tương đồng giữa phong cách của ông với cách mà Watteau minh họa vật liệu yêu thích của mình: tơ lụa hồng và vải satin.

Rubens là thần tượng của Watteau, và ông đã dành rất nhiều thời gian mày mẫm nghiên cứu bậc thầy người Flanders. Bức vẽ rực rỡ, vui tươi về tình yêu và hôn nhân này là nguồn cảm hứng trực tiếp cho cách mà Watteau khắc họa các cặp tình nhân tán tỉnh, trêu ghẹo nhau.

Claude Gillot, thầy của Watteau tại Paris, cũng rất quan tâm đến nghệ thuật sân khấu. Thế giới lý tưởng, thoát ly trong các bức tranh của Watteau lấy cảm hứng rất nhiều từ loại hình nghệ thuật này.

ĐIỂM NGOẶT

Pilgrimage to the Isle of Cythera
Antoine Watteau, 1717, Louvre, Paris, Pháp

Watteau đã tặng bức vẽ này cho Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia tại Paris để kỉ niệm dịp bản thân chính thức trở thành thành viên. Chủ đề trong tranh, được đưa vào bối cảnh đương đại, là một cuộc hành hương lãng mạn đến hòn đảo nơi thần Venus ra đời. Bức tranh này không thể được phân vào bất kỳ thể loại nào lúcc bấy giờ, nên Học viện đã tạo ra một phân khúc mới dành riêng cho nó. Watteau còn được Học viện miêu tả là họa sĩ vẽ “fêtes galantes” (dịch sát nghĩa là “những lễ hội ái tình”, nhưng thường được dịch là “những bữa tiệc tình nhân”). Trong bức này, Watteau đã thể hiện vẻ quyến rũ, nhạy cảm, và nhẹ nhàng mà trong nửa thế kỷ sau đó, trở thành gam màu chung cho hội họa Paris.

Về tác giả: Cuộc đời ngắn ngủi của Antoine Watteau (1684 - 1721) bị hành hạ bởi bệnh tật, nhưng có lẽ ông đã thể hiện nhận thức bản thân về sự ngắn ngủi của cuộc sống thông qua các tác phẩm của mình. Khác với phần lớn những bức tranh Rococo khác, tranh của Watteau thường thể hiện một sự da diết bên dưới vẻ ngoài hào nhoáng - một lời nhắc nhở rằng những thú vui trần tục, dù ngọt ngào đến mấy, là vô thường. Ông rất nóng tính nhưng cũng có nhiều người bạn thân thiết và gắn bó. Các tác phẩm của ông luôn được rất nhiều người săn đón. Từ năm 1720 - 21, ông được khám lao bởi Richard Mead (một bác sĩ nổi tiếng và cũng là một nhà sưu tầm nghệ thuật), nhưng không lâu sau đó qua đời, thọ 36 tuổi.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Vào những năm đầu thế kỷ 18, các yếu tố của phong cách Baroque và Rococo pha trộn với nhau, nhưng Watteau đã dứt bỏ một cách quyết đoán những ảnh hưởng từ quá khứ, mang đến hội họa Pháp sự hào nhoáng và quyến rũ đặc trưng. Phong cách Rococo chạm tới đỉnh cao về sự hoa mỹ và quyến rũ (thường là gợi dục một cách nhẹ nhàng) vào khoảng giữa thế kỷ này, đáng chú ý là các tác phẩm của Boucher và học trò của ông, Fragonard. Cho đến những năm 1770, hội họa bắt đầu quay lưng với sự phù phiếm và hướng đến vẻ ngoài trang nghiêm, mới mẻ hơn mà sau này sẽ bùng nổ vào thời kỳ Tân cổ điển.

Louis XIV, Hyacinthe Rigaud, 1701, Louvre, Paris, Pháp

1701: Louis đặt bức chân dung này như một món quà tặng người cháu của mình, vua của Tây Ban Nha, Philip V. Nhưng khi ông nhận được tác phẩm hoàn thiện, ông hài lòng với sự sang trọng, lộng lẫy choáng ngợp của nó đến mức ông giữ lại cho bản thân và đặt thêm một bản sao chép cho Philip.

The Artist and His Family, Nicolas de Largillière, 1710, Louvre, Paris, Pháp

1710: Bức vẽ này được thực hiện để thỏa mãn thú vui cá nhân của Largillière, vì vậy nên nó ít trang nghiêm hơn những tác phẩm được bảo trợ của ông. Người họa sĩ khắc họa bản thân như một quý ông miền quê đang cùng vợ lắng nghe giọng ca của con gái mình.

The Dead Wolf, Jean-Baptiste Oudry, 1721, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh

1721: Oudry là một trong số những họa sĩ vẽ động vật tiêu biểu nhất của thế kỷ 18. Bức tranh không chỉ thể hiện kỹ thuật minh họa động vật chân thật - cả đang sống và đã chết - mà còn phô diễn những chi tiết tĩnh vật chi tiết đáng ngưỡng mộ.

Perseus and Andromeda, Francois Lemoyne, 1723, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh

1723: Phong cách ngọt ngào tinh tế của Leymoyne, thứ xây dựng nên tên tuổi của ông, đã được thể hiện rõ rệt trong bức này. Tuy nhiên, ông mắc chứng trầm cảm và đã tự sát ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp.

Death of St. Scholastica, Jean Restout, 1730, Musée des Beaux-Arts, Tours, Pháp

1730: Restout là một trong số ít những họa sĩ Pháp lúc bấy giờ chọn chuyên môn là những bức vẽ tôn giáo nghiêm trang. Trong bức này, những cảm xúc mãnh liệt được tiếp nối từ phong cách Baroque, nhưng hài hòa với vẻ tinh tế đặc trưng của Rococo.

The House of Cards, Jean-Siméon Chardin, 1737, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1737: Mặc dù thoáng nhìn qua thì bức tranh khắc họa sự hồn nhiên, trong trắng của trẻ thơ, nhưng lúc bấy giờ, các tác phẩm như thế này thường được vẽ nhằm mục đích truyền bá thông điệp đạo đức. Sự mỏng manh của tòa tháp lá bài trong bức tranh của Chardin là biểu tượng cho sự yếu đuối của nhân loại nói chung.

Jean-Siméon Chardin (1699 - 1779) có phong cách tách biệt hẳn so với xu hướng chung của hội họa Pháp thế kỷ 18. Ông không hứng thú với những chủ đề hào nhoáng, tập trung vào thể loại tranh tĩnh vật khiêm tốn và những khung cảnh bình lặng trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, kết cấu và bố cục chắc chắn, sự nhạy cảm, và sự lãng tránh các yếu tố nông cạn và gây xao nhãng đã giúp các bức tranh của ông toát lên một sự nghiêm trang sâu sắc. Gần như ông đã hòa hợp cái tôi với nghệ thuật khi mà cuộc sống cá nhân của ông có rất ít ảnh hưởng lên tác phẩm do ông tạo ra.

The Miracle of St. Benedict, Pierre Subleyras, 1744, S. Francesca Romano, Rome, Ý

1744: Subleyras dành phần lớn sự nghiệp tại Rome, nơi mà sự tráng lệ có chủ đích trong tác phẩm của ông - đặc biệt trong thế loại tôn giáo - được coi trọng hơn là tại Pháp. Thánh Benedict, người sáng lập Dòng tu Benedictines, được cho là có thể tạo phép màu, bao gồm hồi sinh một đứa bé đã chết.

Self-Portrait, Maurice-Quentin de La Tour, 1751 Musée de Picardie, Amiens, Pháp

1751: Tranh chân dung pastel rất được ưu chuộng vào thế kỷ 18, đặc biệt tại Pháp, nơi La Tour là một trong những họa sĩ chân dung hàng đầu. Ông nổi tiếng với các bức tranh đặc tả nhân vật sống động, màu sắc tươi đẹp, và khả năng vẽ chân thật các vật liệu, vải vóc xa xỉ, như nhung và lụa.

The Four Seasons: Summer, François Boucher, 1755, Frick Collection, New York City, NY

1755: Đây là một phần trong loạt trang phúng dụ bốn mùa mà Boucher đã vẽ cho nhà bảo trợ lỗi lạc Madame de Pompadour. Bức tranh rất nhỏ - nhưng ông đã dành sự chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết, tạo nên một trong những sáng tạo kiêu sa nhất của người họa sĩ.

François Boucher (1703 - 1770) là một trong những bậc thầy linh hoạt, chuyên nghiệp, thành công nhất của phong cách Rococo Pháp, được bổ nhiệm làm họa sĩ chính cho nhà vua năm 1765. Bên cạnh việc tạo ra một lượng lớn tranh ở nhiều thể loại khác nhau, ông còn thiết kế thảm dệt, sân khấu, đồ gốm sứ, và nhiều tác phẩm khác - bao gồm cả những tác phẩm trang trí, như quạt tay. Các tác phẩm của ông có vẻ đẹp lý tưởng và đầy cảm xúc đồng thời mang bố cục hài hòa nhờ kỹ năng vẽ phác kiệt xuất. 

Architectural Capriccio, Hubert Robert, 1768, Bowes Museum, Barnard Castle, Vương quốc Anh

1768: Thuật ngữ capriccio mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong nghệ thuật, nhưng thường được dùng cho các loại tranh như trên đây, trong đó các công trình và tòa nhà thật - Cột trụ Trajan tại Rome đặt ở trọng tâm - kết hợp với những công trình tưởng tượng.

Hubert Robert (1733 - 1808) có biệt danh là “Robert des Ruines,” bởi vì chuyên môn của ông là những bức tranh minh họa các công trình hoang tàn, cả có thật và trong tưởng tượng. Các tác phẩm của ông kết hợp giữa sự bề thế và sự nhạy cảm, tinh tế - nét vẽ sống động, mượt mà của ông mang nhiều nét tương đồng với người bạn Fragonard. Robert có một sự nghiệp thành công rực rỡ, mặc dù ông bị giam tù một thời gian khi Cách mạng Pháp diễn ra. Ông vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi trong tù, và cho đến tận cuối đời.

The Broken Pitcher, Jean-Baptiste Greuze, 1771, Louvre, Paris, Pháp

1771: Ở đỉnh cao sự nghiệp của mình, Greuze nổi tiếng với các bức như trên, với vẻ đẹp cảm xúc lồng ghép với một chút gợi dục (lọ gốm vỡ ám chỉ sự mất trinh tiết). Cuộc Cách mạng Pháp sau này dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong thị hiếu nghệ thuật, khiến Greuze qua đời trong cảnh nghèo túng.

Young Girl Reading, Jean-Honoré Fragonard, 1776, National Gallery of Art, Washington, DC

Khi thị hiếu bắt đầu quay lưng với sự trong sáng của Rococo, Fragonard thử nghiệm với những cách diễn đạt khác để thử nghiệm thị trường. Người phụ nữ trẻ này vẫn mang vẻ kiêu sa như các bức tranh trước đó của Fragonard, nhưng cách cô chú tâm vào quyển sách thể hiện sự trưởng thành, thanh lịch.

KIỆT TÁC

The Swing
Jean-Honoré Fragonard, 1767, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh 

Nhà sử học nghệ thuật thuật kiệt xuất Pierre Rosenberg đã miêu tả Fragonard như “tinh túy” của thế kỷ 18, và trong bức tranh này - tác phẩm nổi tiếng nhất của người họa sĩ - có thể coi là tinh hoa của trường phái Rococo. Tất cả các yếu tố trong tranh đều mầu nhiệm từ cô gái xinh đẹp, bộ váy hồng coral phập phùng trong gió - nhẹ nhàng và tinh tế như loài bướm. Màu sắc, kỹ thuật và bối cảnh trong tranh đều chạm đến đỉnh cao nghệ thuật lúc bấy giờ.

Nhà thơ người Pháp, Charles Collé, ghi lại rằng một họa sĩ tên Gabriel-François Doyen đã được “một quý ông hoàng tộc” mời thực hiện bức tranh vẽ cảnh tình nhân của ông ta trên xích đu, được đẩy bởi một giám mục, đồng thời quý ông đó cũng phải được đặt ở vị trí mà “tôi có thể chiêm ngưỡng đôi chân xinh đẹp của cô gái đáng yêu đó.” Yêu cầu táo bạo này đã khiến Doyen “chết đứng” và thay vào đó, gợi ý rằng họa sĩ phù hợp hơn là Fragonard. “Quý ông hoàng tộc” đó chưa bao giờ được Collé nhắc tên, nhưng rất có thể ông là Nam tước de Saint-Julien.

Fragonard thay người giám mục bằng một ông lão, có thể đoán rằng đây là chồng của cô gái. “Người đàn ông quý tộc” đứng núp bóng phía sau bụi rậm, tránh khỏi tầm mắt của người chồng, thỏa thích tận hưởng vẻ đẹp người vợ. Bên trên người đàn ông, một pho tượng của Cupid (thần tình yêu) xuất hiện, đặt ngón tay lên môi thể hiện sự bí mật của mối tình này. Một chi tiết thú vị khác, dễ bị bỏ qua, là chú chó nhỏ ở phía góc dưới bên phải. Chó thường được dùng trong nghệ thuật như biểu tượng của sự trung thành. Trong bối cảnh này, nó đang sủa toang như cố cảnh báo người chồng đáng thương về mối tình sai trái của vợ mình.

Về tác giả: Jean-Honoré Fragonard (1732 - 1806) được đào tạo dưới tay Boucher và đã thắng học bổng nghệ thuật Prix de Rome danh giá vào năm 1752. Điều này tạo cơ hội cho ông được học tập tại Học viện Pháp ở Rome từ năm 1756 đến 1761. Sau khi trở về Paris, ông theo đuổi thể loại tranh khổ lớn minh họa những anh hùng dũng cảm, nhưng sớm nhận ra rằng đây không phải năng khiếu của mình và thay vào đó tập trung vào những chủ đề lãng mạn, thứ đã tạo nên danh tiếng vang xa của ông. Ở đỉnh cao sự nghiệp, ông là một trong những nghệ sĩ được trọng vọng nhất trong giới nghệ thuật Pháp. Tuy nhiên, khi thị hiếu bắt đầu quay lưng với Rococo và cuộc Cách mạng Pháp gần như phá hủy sự nghiệp của ông, phủ nhận thế giới hào nhoáng, lý tưởng mà ông đã dành cả sự nghiệp xây dựng lên. Đến năm 1972, ông từ bỏ nghiệp hội họa. Fragonard sau đó làm công việc quản lý tạo Bảo tàng Louvre trong vòng một vài năm trước khi qua đời trong cô độc.

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us