288
22 Tháng 07 11:08 am

Art that Changed the World I Baroque Pháp

 Phong cách Baroque quyết liệt xuất hiện lần đầu trong lịch sử hội họa Pháp thông qua các tác phẩm của những nghệ sĩ Pháp làm việc tại Ý như Valentin hay Vouet. Ngoài ra, một số nghệ sĩ Pháp theo đuổi phong cách Caravaggio cũng đạt thành công nhất định, như Aix-en-Provence và Toulouse. Tuy nhiên, chính sự trở về Paris từ Rome của Vouet vào năm 1627 đã thật sự đưa hội họa Pháp trở lại guồng quay nghệ thuật thế giới.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 3D: BAROQUE PHÁP (1600 - 1700)

Vào thế kỷ 17, Pháp trở thành quốc gia quyền lực nhất châu Âu và bắt đầu thách thức vị trí dẫn đầu về nghệ thuật trực quan của Ý. Các yếu tố đặc trưng của phong cách Baroque Ý được giới thiệu đến Pháp thông qua họa sĩ Simon Vouet, nhưng chúng được trau chuốt để phù hợp với tính xa hoa truyền thống của nền nghệ thuật nước này. Thông qua các tác phẩm của Charles Le Brun, học trò của Vouet, một phong cách Baroque mới, khoa trương hơn dần được phát triển. Vào thời kỳ nhiệt huyết nhất của trường phái Baroque Pháp, nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau được kết hợp để tạo nên một ‘tác phẩm sắp đặt’ lộng lẫy nhằm choáng ngợp người xem. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là cung điện vua Louis tại Versailles, nơi mà các tác phẩm hội họa, điêu khắc, kiến trúc và cả khu vườn trước cổng tạo thành một tổng thể hài hòa, sang trọng. Tuy nhiên, cần phải kể đến hai họa sĩ Pháp nổi tiếng nhất bấy giờ theo đuổi chủ nghĩa ảo giác (Illusionistic), Poussin và Claude, đã tách biệt hẳn với xu hướng nghệ thuật của quê hương và làm việc chủ yếu tại Rome.

Self-Portrait, Nicolas Poussin, 1650, Louvre, Paris, Pháp

Poussin đã vẽ bức chân dung tự họa này ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, khi ông trở thành một trong những họa sĩ được trọng vọng nhất châu Âu. Biểu cảm nghiêm trang và sự am hiểu về hình học thể hiện qua các khung vẽ phía sau nói lên sự thông thái và tư duy cầu toàn của ông; trong khi sự chân thật và vẻ ngoài của ông được vẽ theo phong cách đặc trưng của Baroque.

BỐI CẢNH

Sự phục hưng vĩ đại

Vào cuối thế kỷ 16, Pháp đã trải qua một thời kỳ nội chiến khủng hoảng kéo dài hơn 30 năm. Khi nó kết thúc vào năm 1958, một vị vua mạnh mẽ, Henry IV, bắt đầu mang trở lại đất nước của mình sự ổn định và thịnh vượng. Dưới triều đại của ông, nhiều công trình tại Paris được tái xây dựng, đồng thời cũng khởi động quá trình hiện đại hóa thành phố trung cổ này, nhưng riêng hội họa vẫn không có phát triển gì đáng kể.

Sau này, dưới sự trị vì của con trai vua Henry IV, hội họa đã sống lại khi vị vua mới sẵn sàng hào phóng bảo trợ cho các nghệ sĩ. Họa sĩ Simon Vouet được triệu về từ Rome để trở thành họa sĩ hoàng gia cho ông vào năm 1627. Mẹ của Louis, Marie de Médicis, cũng là một nhà bảo trợ nghệ thuật đáng chú ý. Bà đã tạo việc làm cho nhiều nghệ sĩ Pháp kiệt xuất nhất lúc bấy giờ, trong đó có Nicolas Poussin và Philippe de Champaigne. Tác phẩm quan trọng nhất dưới sự bảo trợ của bà là loạt tranh minh họa cuộc đời người hoàng hậu được đặt trong Cung điện Luxembourg tại Paris do Rubens thực hiện - kiệt tác này đã để lại ảnh hưởng sâu đậm lên lịch sử nghệ thuật Pháp.

Nhà bảo trợ nghệ thuật quan trọng nhất tại Pháp vào thế kỷ 17 là Louis XIV, người lên ngôi vua năm 1643 khi ông chỉ mới 4 tuổi và trị vì 72 năm. Thủ tướng của ông, Hồng y Mazarin, quản lý đất nước dưới danh nghĩa của Louis XIV tới khi ông ta qua đời năm 1661, cũng là lúc vua Louis tự nắm quyền hành chính. Vị vua này đã tiến hành nhiều cuộc chiến, mở rộng lãnh thổ và quyền lực của Pháp, tuy nhiên vào những năm cuối triều đại ông liên tục chiến bại và để lại nhiều hậu quả nặng nề về mặt tài chính.

Louis XIV không phải một người sành nghệ thuật, nhưng ông trân trọng khả năng tôn vinh quyền lực và danh vọng của ông cũng như cả đất nước thông qua các tác phẩm, nên ông sẵn sàng đầu tư cho nó. Ông thích các tác phẩm minh họa ông như “Vị vua Mặt trời” (ông chọn mặt trời là biểu tượng cá nhân của mình). Cung điện nguy nga, tráng lệ tại Versailles là dấu ấn vĩ đại nhất đánh dấu quyền lực và sự giàu có của vị vua này. Louis bắt đầu khởi công xây dựng vào những năm 1660 và kéo dài đến tận thế kỷ 18.

Louis XIV Visiting the Gobelins Factory, 1673

Nhà máy Gobelins nổi tiếng với các sản phẩm thảm dệt, nhưng nó cũng sản xuất các vật phẩm xa xỉ cho những cung điện hoàng gia. Tác phẩm dệt thảm này được thiết kế bởi Charles Le Brun cho cung điện Versailles.

Vào đầu thế kỷ 17, hội họa Pháp nhìn chung tầm thường và mang tính địa phương. Tuy nhiên, khi đất nước dần hồi phục sau giai đoạn nội chiến thảm họa, nghệ thuật cũng như được thổi một luồng sinh lực mới. Thị hiếu dần quay lưng với trường phái Kiểu cách đã lỗi thời để hướng đến phong cách Baroque quyết liệt hơn lần đầu được thể hiện rõ thông qua các tác phẩm của những nghệ sĩ Pháp làm việc tại Ý (như Valentin hay Vouet) và các nghệ sĩ ngoại quốc làm việc tại Pháp. Ví dụ, nghệ sĩ Ý Orazio Gentileschi làm việc tại Paris năm 1624-25, trong khi Rubens từng ghé thăm thành phố này 3 lần cũng trong khoảng thời gian đó. Ngoài ra, vào cuối những năm 1620, một số nghệ sĩ theo đuổi phong cách của Caravaggio rải rác ở các tỉnh tại Pháp cũng đạt được thành công nhất định, có thể kể đến là Aix-en-Provence và Toulouse. Tuy nhiên, chính sự trở về Paris từ Rome của Vouet vào năm 1627 đã thật sự đưa hội họa Pháp trở lại guồng quay nghệ thuật thế giới. Sau 14 năm làm việc tại Ý, ông đã hoàn toàn nắm vững phong cách Baroque Pháp, nhưng các tác phẩm của ông vẫn giữ một vẻ tinh tế, ngọt ngào đặc trưng của Pháp.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Phong cách Baroque được sinh ra tại Ý, và cũng được giới thiệu tới Pháp thông qua những tác phẩm từ Ý. Các nghệ sĩ Pháp đương thời không chỉ được truyền cảm hứng bởi những tác phẩm đương đại tại Rome (trung tâm nghệ thuật quan trọng, nơi những ý tưởng đột phá ra đời), mà còn từ những tác phẩm thời kỳ Phục hưng tại Venice. Thành phố này thường là một địa điểm để ghé qua trên hành trình đi tới Rome đối với người dân tại Pháp.

The Pesaro Altarpiece, Titian, 1519–26,  S. Maria dei Frari, Venice, Ý

Sự năng động và ấm áp trong các tác phẩm của Titian thời kỳ đầu là những yếu tố được tôn trọng bởi những họa sĩ Baroque Pháp. Một vài trong số họ đã sao chép hoặc tiếp thu bức tranh thờ nổi tiếng này, và ta cũng có thể thấy rõ âm hưởng của nó trong bức Presentation in the Temple của Vouet.

Head of a Girl, Annibale Carracci, 1585, Chatsworth House, Derbyshire, Vương quốc Anh

Kỹ thuật vẽ phác họa kiệt xuất của Annibale Carracci là nguồn cảm hứng lớn lao cho những nghệ sĩ theo đuổi phong cách của ông. Vouet đã học hỏi ông trong việc coi bản vẽ như một nền tảng quan trọng cho một bức tranh, và đã thúc đẩy các học trò của mình “hãy ưu tiên nghiên cứu kỹ thuật vẽ phác”

The Nativity, 1609, Caravaggio. Năm 1969, tác phẩm này bị đánh cắp và đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Kĩ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối kịch tính của Caravaggio đã ảnh hưởng sâu sắc đến các họa sĩ Pháp làm việc tại Rome (trong đó có Vouet) và một vài tỉnh tại Pháp. Tuy nhiên, phong cách của ông không quá ảnh hưởng các tác phẩm ra đời tại Paris.

The Rape of Europa, Guido Reni, 1638, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

Những nhân vật mảnh khảnh, lý tưởng của Guido Reni đã ảnh hưởng đến hội họa Baroque Pháp. Các tác phẩm của ông được ngưỡng mộ tại Paris, và người mẹ gốc Ý của vua Louis XIII, Marie de Médicis, đã mời ông tới làm việc tại đó vào năm 1629 (ông từ chối, thay vào đó đã vẽ một bức tranh thờ cho bà)

ĐIỂM NGOẶT

Presentation in the Temple
Simon Vouet 1641 Louvre, Paris, Pháp

Kiệt tác tuyệt hảo này được Hồng y Richelieu trao tặng cho nhà thờ Thánh Paul và Thánh Louis, nhà thờ Dòng tên (Jesuit) đầu tiên tại Paris. Ban đầu nó chỉ là một phần của bức tranh thờ khổng lồ - cao 10m - đặt trên bàn thờ chính, nhưng tác phẩm này đã gần như bị hủy hoại hoàn toàn sau Cách mạng Pháp. Những yếu tố tạo nên sự thành công của Vouet được thể hiện rõ ràng thông qua bức tranh: Bố cục sang trọng, khoa trương; nét vẽ phác họa tinh tế, vững chắc; sự uyển chuyển trong các chuyển động; màu sắc rực rỡ; sự hài hòa về tổng thể.

Về tác giả: Theo một sử gia, Simon Vouet (1590 - 1649) là con trai của một họa sĩ và đã dấn thân vào nghiệp vẽ từ rất trẻ: ông từng làm việc ở Anh khi chỉ mới 14 tuổi. Ông sống ở Ý từ năm 1613 đến 1627, tại đây ông đã xây dựng được danh tiếng vang xa đến mức vua Louis XIII đã triệu ông về Paris để làm họa sĩ hoàng gia.

Phong cách của Vouet rất linh hoạt và đa dạng, ông không chỉ làm việc cho nhà vua mà cho nhiều nhà bảo trợ khác với nhiều thể loại khác nhau. Không may, phần lớn những thiết kế trang trí khổ lớn của ông - chiếm đa số các tác phẩm ông thực hiện - đã bị phá hủy. Ông đã vực dậy nền hội họa Pháp không chỉ qua tác phẩm của mình, mà còn qua việc giảng dạy những thế hệ nghệ sĩ hậu bối tại xưởng của ông.

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Paris chính là trung tâm nghệ thuật quan trọng nhất của Pháp vào thế kỷ 17, và phần lớn những nghệ sĩ hàng đầu đều dành một phần sự nghiệp của mình làm việc tại đó. Ngoài ra, các bức vẽ cũng ra đời tại các lâu đài hoàng gia như Fontainebleau và sau này là Versailles. Một số tỉnh cũng có những truyền thống nghệ thuật hoàn toàn khác biệt như tại Lorraine, nơi Georges de La Tour là cái tên tiêu biểu nhất. Một số họa sĩ Pháp làm việc chủ yếu tại Rome, bao gồm Valentin và sau này là Claude và Poussin.

Hyante and Climene Offering a Sacrifice to Venus, Toussaint Dubreuil, 1600, Louvre, Paris, Pháp

1600: Đây là một trong số ít những tác phẩm còn sót lại trong loạt 78 bức tranh mà Dubreuil cùng các trợ lý đã tạo ra cho lâu đài Château Neuf at Saint-Germain-en-Laye gần Paris, nơi vua Henry IV từng sinh sống. Nhân vật thần thoại trong tranh được trích từ bài thơ thế kỷ 16 của cây bút người Pháp Pierre de Ronsard.

The Innocence of Susanna, Valentin de Boulogne, 1625, Louvre, Paris, Pháp

1625: Valentin định cư tại Rome từ khi còn trẻ và, theo các thông tin hiện có, dành phần lớn sự nghiệp tại đó để theo đuổi phong cách của Caravaggio theo cách riêng của mình. Trong tranh, nhà tiên tri trẻ Daniel cứu một người phụ nữ khỏi những cáo buộc oan uất tội ngoại tình.

St. Martin and the Beggar, Georges Lallemant, 1630, Musée Carnavalet, Paris, Pháp

1630: Trước khi Vouet trở về năm 1627, Lallemant rất có thể là họa sĩ hàng đầu và là một giáo viên nghệ thuật được trọng vọng tại Paris. Tuy nhiên, rất ít tác phẩm của ông còn sót lại. Nhân vật với hình thù thon dài trong bức tranh thờ này vẫn được vẽ theo phong cách Kiểu cách truyền thống, nhưng vẫn thể hiện đặc tính khoa trương của Baroque. 

Cardinal Richelieu, Philippe de Champaigne, 1637, Sorbonne, Paris, Pháp

1637: Champaigne là nghệ sĩ vẽ chân dung người Pháp hàng đầu vào thế kỷ 17, kết hợp cảm giác vĩ đại với sự khắc họa cá tính nhân vật sâu sắc, đặc trưng. Ông được trọng dụng bởi Hồng y Richelieu, người có thể được coi là người cai trị nước Pháp, và cũng đã khắc họa nhà chính trị gia này nhiều lần.

The Penitent Magdalene, Georges de La Tour, 1640, Louvre, Paris, Pháp

1640: La Tour đã thể hiện chủ đề này nhiều lần, và đây cũng là chủ đề ông yêu thích nhất. Cũng như các nghệ sĩ khác thời kỳ này, ông được truyền cảm hứng bởi cách sử dụng ánh sáng và bóng tối kịch tính của Caravaggio. Tuy nhiên, ông ứng dụng nó với một sự nhạy cảm tinh tế, khơi gợi sự chiêm nghiệm. Ông được coi là một trong những người theo đuổi phong cách Caravaggio vĩ đại nhất.

Georges de La Tour (1593 - 1652) được ghi nhận là dành cả sự nghiệp tại Lorraine, ở vùng phía Đông Bắc của Pháp. Vào thời điểm này nó là một công quốc độc lập, cho đến khi Pháp xâm lược vào năm 1633 và chiếm đóng nó trong phần lớn thế kỷ 17. Ông là họa sĩ hàng đầu địa phương, các tác phẩm của ông cũng được ngưỡng mộ tại Paris. Tuy nhiên, sau khi qua đời ông nhanh chóng bị lãng quên và chỉ được các sử gia khám phá lại vào đầu thế kỷ 20. Chỉ có khoảng 40 bức tranh vẽ của ông được ghi nhận. Đặc tính chung các bức này là khung cảnh đêm tối mộng mị, chiêm nghiệm với nguồn sáng lập lờ từ đèn nến hoặc ngọn đuốc.

A Peasants’ Meal, Anh em nhà Le Nain (Louis Le Nain?), 1642, Louvre, Paris, Pháp

1642: Ba anh em họa sĩ nhà Le Nain: Antoine, Louis, và Mathieu đôi khi kí tên lên tác phẩm của mình, nhưng chỉ ghi tên họ. Điều này khiến các học giả khó khăn trong việc phân định các bức tranh của họ. Cả ba anh em đều vẽ đa dạng các thể loại, trong đó nổi tiếng nhất là những cảnh vẽ người nông dân chân chất nhưng không kém phần điềm đạm, trang nghiêm như trên.

The Deposition, Laurent de La Hyre, 1655, Musée des Beaux-Arts, Rouen, Pháp

1655: La Hyre là một trong những họa sĩ hàng đầu tại Paris vào giữa thế kỷ này. Trong các tác phẩm cuối cùng của ông như bức này, phong cách của ông - oai nghiêm và ấn tượng - được ảnh hưởng sâu sắc bởi Poussin

Alexander the Great’s Triumphal Entry Into Babylon, Charles Le Brun, 1662–68, Louvre, Paris, Pháp

1662 - 68: Bức tranh khổng lồ (ngang 7m) là một trong số loạt tranh khắc họa các chiến thắng của hoàng đế Alexander Đại đế được Le Brun thiết kế cho nhà máy thảm dệt Gobelins. Chúng cũng mang những yếu tố tôn vinh vua Louis XIV, người coi bản thân là một kẻ chinh phạt vĩ đại như Alexander trước đây.

Le Brun (1619 - 1690) là nghệ sĩ hàng đầu khi triều đại của vua Louis XIV đã đi qua quá nửa, không chỉ vì bản thân các tác phẩm của ông, phần lớn được vẽ với mục đích tôn vinh vị vua, mà còn thông qua vai trò phân loại và giám sát tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Ông là giám đốc của cả Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia và nhà máy Gobelins. Thời kỳ ông thống trị nghệ thuật năm 1683 khi Thủ tướng Jean-Baptiste Colbert, nhà bảo trợ của ông, qua đời.

Landscape With the Nymph Egeria Claude Lorraine 1669 Museo di Capodimonte, Naples, Ý

1669: Claude là một trong những họa sĩ phong cảnh nổi tiếng, được trọng vọng và có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 17. Chuyên môn của ông là "phong cảnh lý tưởng," tạo ra cảnh quan đẹp tuyệt mĩ, an nhiên, không tồn tại những khuyết điểm của thế giới thực.

Louis XIV and his Family Dressed as Roman Gods, Jean Nocret, 1670, Château de Versailles, Pháp

1670: Louis XIV, “Vị vua Mặt trời,” thích so sánh bản thân với Apollo, vị thần ánh sáng La Mã. Trong bức này, ý tưởng đó được phóng chiếu lên cả gia tộc ông, họ khoác lên mình trang phục như những vị thần La Mã. Bức tranh này được đặt vẽ bởi em trai của Louis XIV, người đang ngồi bên trái đại diện cho thần Aurora.

Flowers in a Sculptured Vase, Jean-Baptiste Monnoyer, 1680, Towneley Hall, Burnley, Vương quốc Anh

Monnoyer có một sự nghiệp vẽ tranh hoa sang trọng vô cùng thành công. Phần lớn trong số chúng được thực hiện để trang trí khu vực nhất định trong những ngôi nhà lớn, bao gồm cả cung điện hoàng gia. Vua Louis XIV sở hữu 60 bức của ông. Monnoyer dành những năm cuối cùng của mình tại Anh, nơi các tác phẩm của ông rất được trọng vọng.

Self-Portrait as a Hunter, Alexandre-François Desportes 1699, Louvre, Paris, Pháp

1699: Desportes là một trong những họa sĩ vẽ đại nhất đương thời, bên cạnh họa sĩ Jean-Baptiste Oudry. Các tác phẩm của ông dựa trên niềm đam mê mãnh liệt của người nghệ sĩ đối với việc nghiên cứu thiên nhiên. Một điểm khác thường ở ông so với các nghệ sĩ khác lúc bấy giờ: Ông chỉ sản xuất các bản vẽ phác họa sơn dầu trong không gian ngoài trời.

KIỆT TÁC

The Holy Family on the Steps
Nicolas Poussin, 1648, Cleveland Museum of Art, Ohio

Mặc dù Poussin dành gần như cả sự nghiệp sáng tạo tại Ý, ông vẫn được coi là cái tên tiêu biểu cho hội họa Pháp nói riêng, và cả nền văn hóa Pháp nói chung. Cách tiếp cận của ông đối với nghệ thuật rất có tư duy, và các bức vẽ của ông - vừa vĩ đại vừa mang gam màu rực rỡ - được Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia công nhận như một biểu tượng hoàn hảo cho vẻ đẹp lý tưởng mà nó hướng đến. Học viện, được thành lập cùng năm bức tranh này được thực hiện, giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật không nhất thiết là một công cụ thể hiện bản thân mà là để thể hiện những kỹ thuật hội họa có thể được giảng dạy và học tập.

Poussin làm việc một cách rất kế hoạch, thực hiện vô số bản vẽ phác cho bức tranh của mình trước khi sắp xếp các hình nhân nến tí hon trên một sân khấu thu nhỏ để ông có thể nghiên cứu tác dụng của ánh sáng và bố cục. Không như đa số các nghệ sĩ hàng đầu bấy giờ, ông chưa bao giờ thuê trợ lý, thích làm việc một mình để không ai phá mạch tập trung của bản thân. Ông từng được hỏi cách mà ông đã tạo nên sự hài hòa, ấn tượng trong tranh và trả lời như sau, “Tôi không bỏ lơ bất kì thứ gì.” Đa số các tác phẩm của ông được thực hiện cho những nhà bảo trợ tri thức có chung niềm đam mê học thuật với ông - thường là những người ở vị thế khiêm tốn cả về quyền lực và độ giàu có. Mặc dù có lối sống ẩn dật, nhưng ông vẫn là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất châu Âu lúc bấy giờ.

Một phiên bản khác của bức tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Washington. Ban đầu nó được cho là bản gốc, nhưng ngày nay được coi là một bản sao chép rất hoàn hảo của một nghệ sĩ đương đại.

Về tác giả: Thông tin về những năm đầu của Poussin (1594 - 1665) tại Pháp tương đối mờ mịt, nhưng sự nghiệp của ông không thật sự bùng nổ cho tới khi ông dịnh cư tại Rome vào năm 1624 ở độ tuổi 30. Ngoại trừ khoảng thời gian 2 năm từ 1640 -42, khi ông miễn cưỡng thu mình dưới áp lực từ Hồng y Richelieu để làm việc cho Vua Louis XIII tại Paris, ông dành phần còn lại của cuộc đời tại Rome. Thành phố này đóng vai trò quan trọng hình thành nên các tác phẩm của ông, cũng như phong cách cổ điển trang nghiêm mà ông phát triển nhờ tình yêu của mình đối với nền văn hóa cổ đại. 

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM. 

Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Art_Painting Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us