288
20 Tháng 07 10:12 am

Art that Changed the World I Baroque Hà Lan

 Đầu thế kỷ 17, hội họa Hà Lan được ảnh hưởng bởi một số phong cách nhất định từ Ý (đặc biệt là phong cách của Caravaggio), nhưng đến cuối thế kỷ này nó được ảnh hưởng nhiều hơn bởi nghệ thuật Pháp. Phần lớn các thể loại tranh đều phát triển mạnh mẽ và các họa sĩ đều có một hoặc hai thể loại tranh chuyên môn. Rembrandt là một ngoại lệ vĩ đại.

Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.

Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.

Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.

PHẦN 3C: BAROQUE HÀ LAN (1600 - 1700)

Self-Portrait, Rembrandt, 1665, Kenwood House, London, Vương quốc Anh

Vào thế kỷ 17, hội họa Hà Lan phát triển theo cách chưa từng có tiền lệ trước đây trong lịch sử nghệ thuật. Chỉ trong vòng một vài thập kỷ, từ một khu vực chưa bao giờ có những đóng góp quan trọng nào vào nghệ thuật thế giới, Cộng hòa Hà Lan trở thành một trong những nơi tập trung đa dạng các phong cách hội họa nhất châu Âu. Sự chuyển mình đáng kinh ngạc này cũng phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của quốc gia, từ một đất nước phải đấu tranh để tồn tại trở thành một kẻ khổng lồ thương mại với lực lượng thương nhân đường thủy hùng hậu nhất thế giới. Một vài bức tranh Hà Lan mang đặc tính của trường phái Baroque - ví dụ như sự phô trương trong bức Hal’s Laughing Cavalier, hay những chuyển động và sự nhiệt huyết trong bức The Blinding of Samson của Rembrandt. Tuy nhiên thời kỳ này tồn tại một lượng lớn chủ đề và phong cách khác nhau ở các nghệ sĩ, vì thế nên không có một xu hướng rõ rệt nào nổi bật lên.

BỐI CẢNH

Thời kỳ hoàng kim

Năm 1578, Hà Lan nổi dậy chống lại sự cai trị của Tây Ban Nha. Đến năm 1579, bảy quận miền Bắc liên kết với nhau tạo thành Cộng hòa Hà Lan (Republic of the United Netherlands) Đất nước mới thành lập này sớm giành được độc lập vào năm 1609, kí hiệp ước đình chiến với đế quốc Tây Ban Nha, mặc dù những kẻ cai trị chỉ thật sự thừa nhận sự độc lập của họ sau khi kết thúc Cuộc chiến Ba mươi năm vào năm 1648.

Cuộc đấu tranh lâu dài và đẫm máu để giành lấy tự do đã khơi dậy một sự yêu nước mạnh mẽ, được thể hiện trực tiếp qua nghệ thuật Hà Lan thế kỷ 17. Ở vài quốc gia khác, những nhà bảo trợ chính cho nghệ thuật vẫn là các nhà thờ, hoàng gia hay quý tộc - nhưng đối với Cộng hòa Hà Lan, các tác phẩm nghệ thuật được sản xuất chủ yếu phục vụ giới trung lưu, những người đã góp phần duy trì sự ổn định và thịnh vượng của quốc gia này. Họ ưu chuộng các loại tranh tôn vinh những thành tựu, của cải của họ, hay những bức vẽ chân dung, phong cảnh, đời sống thường nhật…

Tranh vẽ Amsterdam thế kỷ 17

Sự thành công của thành phố Amsterdam có thể coi là đại diện cho sự phát triển vượt bậc của đất nước này. Từ năm 1610 đến năm 1640, dân số tại đây tăng gấp ba lần, từ 50,000 lên 150,000, trở thành một trong những trung tâm thương mại và tài chính hàng đầu thế giới. Tòa thị chính khổng lồ được xây dựng (ngày nay là Cung điện Hoàng gia) vào năm 1648 - 55, là một biểu tượng rực rỡ thể hiện thời kỳ vàng son của quốc gia này.

Haarlem là một trong những thành phố đầu tiên tại Cộng hòa Hà Lan nổi lên như là một trung tâm hội họa quan trọng. Thực chất, truyền thống hội họa nơi đây kéo dài từ thế kỷ 15, nhưng nghệ thuật - cũng như nhiều khía cạnh đời sống khác - đã chịu ảnh hưởng nặng nề vào những năm 1570 khi thành phố này bị chiếm đóng bởi Tây Ban Nha vào năm 1573, và bị hủy hoại một phần bởi hỏa hoạn vào năm 1576. Tuy nhiên, Haarlem đã sớm hồi phục, và từ năm 1575 đến 1625, dân số của nó gấp đôi từ 20,000 lên 40,000. Một vài nghệ sĩ nổi lên trong giai đoạn chuyển giao từ trường phái Kiểu cách sang một phong cách Baroque mạnh mẽ hơn, nhưng trong số đó cái tên quan trọng nhất chính là Frans Hals. Sự ngẫu hứng và thiếu trang nghiêm trong các bức chân dung của ông đã thổi một làn gió tưới mới và đầy sinh lực vào nghệ thuật. Các nhân vật trong tranh không tạo kiểu cứng nhắc, mà dường như rất thoải mái. Trong các bức chân dung nhóm, các nhân vật tương tác lẫn nhau và với cả người xem, thông qua cử chí, nụ cười, và những ánh nhìn thu hút. Hals còn nhấn mạnh sự sống động này với các nét cọ đậm, quyết đoán.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Haarlem là thành phố phát triển mạnh mẽ nhất về nghệ thuật nhất của Cộng hòa Hà Lan vào thời niên thiếu của Hals (thành phố láng giềng, Amsterdam, sau này thay thế vị trí của nó). Các họa sĩ nơi đây bắt đầu hình thành nên phong cách vẽ tự nhiên nền tảng của hội họa Hà Lan. Ngoài những ảnh hưởng địa phương, Hals - cũng như tất cả nghệ sĩ đương thời - đã học hỏi từ các bản khắc hay những bức tranh nhập khẩu (đặc biệt từ Ý).

The Burning of the Bones of St. John, 1485, Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo

Geertgen tot Sins Jans là một họa sĩ kiệt xuất tại Haarlem vào cuối thế kỷ 15. Kỹ năng vẽ nhóm nhân vật của ông sau này đã ảnh hưởng đến Hals.

Pieter Jan Foppeszoon and His Family, Heemskerck, 1530, Gemäldegalerie, Kassel, Đức

Chân dung nhóm vốn là truyền thống đặc trưng tại khu vực này khi Hals bắt đầu vẽ những bức chân dung dân quân đầu tiên.

The Continence of Scipio, Karel van Mander, 1600, Rijksmuseum, Amsterdam

Karel van Mander được cho là thầy của Hals. Một điều chắc chắn rằng ông là nhân vật hàng đầu trong giới nghệ thuật Haarlem khi Hals còn bé. Ông nổi tiếng nhất với bản chuyên luận về nghệ thuật xuất bản năm 1604.

Christ at the Marriage of Cana, Hendrik Goltzius, 1553, British Museum, London, Vương quốc Anh

Các bữa tiệc trong kinh thánh là nguồn cảm hứng sống động cho các bức tranh của Hals. Hendrik Goltzius, người chạm khắc bức này, là bạn của van Mander và cũng là một trong những nhà in bậc thầy trong thời kỳ này.

ĐIỂM NGOẶT

Banquet of the Officers of the St. George Civic Guard Company of Haarlem
Frans Hals, 1616, Frans Halsmuseum, Haarlem, Hà Lan

Kiệt tác chân dung nhóm này là cột mốc vĩ đại đầu tiên của hội họa Hà Lan, tôn vinh sức sống và sự tự tin của nền cộng hòa mới ra đời. Cảnh vệ dân là những công dân đã được huấn luyện quân sự để sẵn sàng ra trận bảo vệ quê hương khi cần thiết. Vào giai đoạn bình yên và thịnh vượng, họ lập thành các câu lạc bộ xã hội - những bữa tiệc của họ có thể trở thành các cuộc vui xa hoa diễn ra trong nhiều ngày. Hals là một thành viên trong nhóm của St.George; ông biết rõ những người đàn ông vạm vỡ, mạnh mẽ này và tạo cho họ vẻ sống động như thật.

Hals là người vẽ chân dung hàng đầu tại Haarlem xuyên suốt sự nghiệp của ông (ông hiếm khi vẽ các thể loại khác) và được nhận rất nhiều đơn vẽ quan trọng, đặc biệt là chân dung nhóm, một chủ đề nổi tiếng lúc bấy giờ tại Cộng hòa Hà Lan. Mặc cho những thành công trong sự nghiệp (cũng như không ngừng làm việc tới khi qua đời), ông thường xuyên gặp khó khăn tài chính, rất có thể vì ông phải chăm lo một gia đình lớn (ông có ít nhất 10 người con).

LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN QUA CÁC TÁC PHẨM

Đầu thế kỷ 17, hội họa Hà Lan được ảnh hưởng bởi một số phong cách nhất định từ Ý (đặc biệt là phong cách của Caravaggio), nhưng đến cuối thế kỷ này nó được ảnh hưởng nhiều hơn bởi nghệ thuật Pháp. Tuy nhiên, hội hòa Hà Lan thời kỳ hoàng kim nổi tiếng bởi sự đa dạng, mạnh mẽ toát ra từ tranh và sự phát triển độc lập của từng cá nhân. Phần lớn các thể loại tranh đều phát triển mạnh mẽ và các họa sĩ đều có một hoặc hai thể loại tranh chuyên môn. Rembrand là một ngoại lệ vĩ đại.

Adoration of the Shepherds, Joachim Wtewael, 1605, Ashmolean Museum, Oxford, Vương quốc Anh

1605: Sự trang nhã, phi thực tế này là đặc trưng của Wtewael, người đã kế thừa các yếu tố Kiểu cách vào hội họa thế kỷ 17. Ông làm việc tại Utrecht, trung tâm Công giáo (và tranh tôn giáo) trong quốc gia chủ yếu theo Đạo Tin Lành.

Winter Scene with Skaters near a Castle, Hendrick Avercamp, 1610, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1610: Avercamp là họa sĩ Hà Lan đầu tiên chuyên vẽ phong cảnh mùa đông - một thể loại sau này trở nên rất nổi tiếng. Ví dụ trên là một tác phẩm tiêu biểu của ông, kết hợp giữa sự quan sát tinh tế thiên nhiên với cách minh họa sống động các chủ thể tí hon.

Avercamp (1585 - 1634) dành phần lớn sự nghiệp của mình tại tỉnh Kampen. Có rất ít thông tin về cuộc sống của ông, có thể ông đã sống cuộc đời ẩn dật, bởi vì ông bị câm điếc - biệt danh của ông là “de Stomme van kampen” (gã câm xứ Kampen). Ông là một họa sĩ và đồng thời là nhà vẽ phác thảo kiệt xuất, thường tự tay hoàn thiện các bản vẽ phác của mình. Người em họ Barent Avercamp (1612 - 79) cũng bắt chước phong cách của ông.

Christ Before the High Priest, Gerrit van Honthorst, 1617, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1617: Honthorst dành một vài năm ở Ý vào những ngày đầu sự nghiệp và là một trong những họa sĩ Hà Lan hàng đầu đi theo phong cách Caravaggio, mặc dù theo thời gian phong cách vẽ của ông cũng nhẹ nhàng hơn.

 The Laughing Cavalier, Frans Hals, 1624, Wallace Collection, London, Vương quốc Anh

1624: Nụ cười nham hiểm và thế đứng cao ngạo của người đàn ông bí ẩn này khơi gợi trí tưởng tượng của công chúng thời kỳ Victoria - tiêu đề gây hiểu lầm (chủ thể không hề cười) được đặt vào khoảng năm 1880. Trang phục được vẽ tinh xảo với nhiều biểu tượng liên quan đến những thú vui và đau đớn của tình yêu.

Constantijn Huygens and His Clerk, Thomas de Keyser, 1627, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1627: De Keyser là họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu tại Amsterdam trước khi Rembrandt vượt qua ông vào đầu những năm 1630. Constantijin Huygens là một trong những khách hàng danh giá của ông - một nhà ngoại giao kiệt xuất, người đã phục vụ đất nước mình trong hơn 60 năm.

Tavern Scene, Adriaen Brouwer, 1635, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1635: Mặc dù chỉ mới 32 tuổi khi ông qua đời, nhưng Brouwer đã đóng một vai trò quan trọng giúp phổ biến thể loại tranh vẽ đời sống người dân, như bức này. Chủ đề của ông thường khô khan, nhưng các nét vẽ đã tạo nên sự hào nhoáng và tinh tế cho nó. Nhiều họa sĩ đương thời tôn trọng ông, trong đó có Rubens và Rembrandt, cả hai đều sở hữu tác phẩm của Brouwer trong bộ sưu tập của mình.

Adriaen Brouwer (1605 - 1638) sinh ra tại Flanders, dành những năm tháng cuối đời tại Antwerp, nhưng làm việc chủ yếu tại Haarlem và đồng thời trở thành một phần lịch sử nghệ thuật Hà Lan và Flanders. Ông được cho là học trò của Frans Hals. Thể loại tranh của họ hoàn toàn khác nhau, nhưng có nhiều điểm tương đồng trong các nét vẽ của hai người. Theo ghi chép, Brouwer có một lối sống rất phóng túng: Ông thường xuyên mắc nợ người khác và khi chết, ông không còn một xu dính túi.

The Blinding of Samson, Rembrandt, 1636, Städelsches Kunstinstitut, Frankfurt, Đức

1636: Đây là một trong những tác phẩm tôn giáo mạnh mẽ và kịch tính nhất của Rembrandt. Các nhân vật được khắc họa ở kích thước thật và hành động chọc mù mắt người anh hùng Israel được thể hiện trực quan đến mức đáng sợ. Tuy nhiên, luồng sáng chói lóa rọi vào túp lều tối tăm được vẽ vô cùng chân thực, lộng lẫy.

Ngay cả vào thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Hà Lan, Rembrandt van Rijin (1606 - 1669) vẫn nổi bật như một người khổng lồ so với các đồng nghiệp. Ông được tôn kính bởi khả năng thể hiện chiều sâu cảm xúc cũng như kĩ thuật bậc thầy qua tác phẩm. Đa số các bức tranh của ông là tranh chân dung hoặc tôn giáo, nhưng ông cũng đã từng thực hiện nhiều thể loại khác và đồng thời là một nhà vẽ phác họa, nhà in ấn kiệt xuất. Ngoài ra, ông cũng là một giáo viên nghệ thuật vĩ đại, với một danh sách môn đồ đáng ngưỡng mộ.

The Threatened Swan, Jan Asselyn, 1640–50, Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan

1640 - 50: Asselyn chủ yếu vẽ tranh phong cảnh, nhưng tác phẩm nổi tiếng của nhất của ông thể hiện một chú chim giận dữ. Đây có thể là biểu tượng cho lòng yêu nước - con thiên nga (Cộng hòa Hà Lan) bảo vệ tổ mình khỏi kẻ thù.

The Courtyard of a House in Delft, Pieter de Hooch, 1658, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1658: De Hooch được đánh giá cao hơn các đồng nghiệp bởi khả năng khắc họa xã hội Hà Lan yên bình, trật tự vào thời kỳ hoàng kim của nó. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bao gồm bức này, được thực hiện tại Deft, nơi ông sống từ năm 1655 tới 1661.

Still Life with a Chinese Bowl, Willem Kalf, 1662, Museo Thyssen-Bornemisza, Madrid, Tây Ban Nha

1662: Kalf là một trong những họa sĩ tĩnh vật vĩ đại nhất mọi thời đại, với một cảm quan đáng nể về màu sắc và họa tiết. Ví dụ trên đây thể hiện những loại vật phẩm xa xỉ được nhập khẩu về Cộng hòa Hà Lan qua mạng lưới giao thương quốc tế của nó.

The Art of Painting, Jan Vermeer, 1667, Kunsthistorisches Museum, Vienna, Áo

1667: Thoáng nhìn qua thì khung cảnh trong tranh như một góc nhìn chân thực đáng kinh ngạc vào xưởng làm việc của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, với tính chất tôn vinh nghệ thuật hội họa, người nghệ sĩ khoác trên mình trang phục xa hoa thay vì bộ quần áo thông thường. Bức tranh đầy những chi tiết mang tính biểu tượng. Ví dụ, người mẫu trong tranh, ăn vận như nữ thần lịch sử vào cảm hứng sáng tạo Clio. Cây kèn trumpet cũng là một biểu tượng cho danh vọng.

Jan Vermeer (1632 - 1675) có lẽ đã dành phần lớn cuộc đời tại Delft, nơi ông làm việc như một thương nhân tranh vẽ hơn là một họa sĩ. Chỉ có khoảng ba mươi bức vẽ được ghi nhận do ông thực hiện, và ông chắc hẳn đã là một người làm việc chậm rãi, theo chủ nghĩa cầu toàn. Khi ông qua đời ở tuổi 43, ông đã để lại người góa phụ cùng 11 người con với số tiền nợ khổng lồ, một phần là vì những hậu quả nặng nề do chiến tranh (cuộc xâm lược từ Pháp vào năm 1672) tác động đến thị trường nghệ thuât. Tên tuổi của ông gần như đã bị lãng quên trong vòng 2 thế kỉ trước khi các tác phẩm của ông được phát hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19.

The Mill at Wijk bij Duurstede, Jacob van Ruisdael, 1670, Rijksmuseum, Amsterdam

Ruisdael là họa sĩ phong cảnh vĩ đại nhất trong giới nghệ sĩ Hà Lan nhờ sự đa dạng, bề thế và chiều sâu cảm xúc trong các tác phẩm của ông. Trong bức, ông góc nhìn thấp để chiếc cối xay gió trở nên hùng vĩ, tương phản mạnh mẽ với bầu trời mây.

Interior of the Grote Kerk, Gerrit Berckheyde, 1673, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1673: Tranh vẽ cảnh quan thành phố và kiến trúc là một trong những đặc trưng của nghệ thuật Hà Lan, trong đó tranh nội thất nhà thờ là một phân khúc nổi tiếng. Thông thường, các nhà thờ Gothic được minh họa trong trạng thái trống rỗng, nhưng đối với bức vẽ này, Berckheyde đã lấy bối cảnh vào một buổi hội nhóm lớn.

 Merrymaking at an Inn, Jan Steen, 1674, Louvre, Paris, Pháp

1674: Steen đã từng vẽ đa dạng thể loại tranh, nhưng ông nổi tiếng với loạt tranh minh họa đời sống thường nhật huyên náo như ví dụ trên, trong đó ông thể hiện những thói hư tật xấu của nhân loại (say xỉn là một chủ đề thường gặp), như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đến công chúng.

The Cannon Shot, Willem van de Velde the Younger, 1680, Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan

1680: Kiệt tác trên của van de Velde có thể là một trong những bức tranh vẽ hàng hải vĩ đại nhất từng xuất hiện. Con tàu được thể hiện một cách chân thực, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhờ vào quan sát tinh tế của người nghệ sĩ.

Willem van de Velde the Younger (1633 - 1707) là họa sĩ vẽ tranh hàng hải người Hà Lan nổi tiếng nhất. Ông xuất thân từ gia đình có truyền thống hàng hải và có hiểu biết sâu sắc về tàu thuyền, biển cả cũng như mọi tâm trạng của nó, và khả năng sắp xếp bố cục hấp dẫn, kịch tính. Năm 1672 - 73, ông cùng với bố (họa sĩ Willem van de Velde the Elder) định cư tại Anh, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thể loại tranh hàng hải Anh. 

The Death of Ananias, Gérard de Lairesse, 1687, Gemäldegalerie, Kassel, Đức

1687: Bức tranh tôn giáo tinh tế minh chứng cho việc hội họa Hà Lan bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nghệ thuật Pháp vào cuối thế kỷ 17. Các đồng nghiệp đương thời của Lairesse đã đặt biệt danh cho ông là “Poussin Hà Lan”. Ông bị mù vào năm 1690 nhưng sau đó vẫn rất thành công trong việc giảng dạy và viết về nghệ thuật, các tác phẩm của ông được chuyển thể sang nhiều ngôn ngữ khác nhau.

The Avenue, Meindert Hobbema, 1689, Bảo tàng Quốc gia, London, Vương quốc Anh

1689: Hobbema là học trò duy nhất của Jacob van Ruisdael được ghi nhận. Ông được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thầy mình, nhưng tranh vẽ ông thường mang màu sắc rực rỡ, vui tươi hơn. Tác phẩm trên đây là bức vẽ nổi tiếng nhất của ông, được nhìn nhận là kiệt tác cảnh quan vĩ đại cuối cùng của hội họa Hà Lan thế kỷ 17, thể hiện sự cân bằng hoàn hảo giữa tính vĩ đại và thân mật trong tranh.

Flowers on a Ledge, Rachel Ruysch, 1695, Private Collection

1695: Tranh vẽ hoa có thể là lĩnh vực duy nhất duy trì đỉnh cao của nghệ thuật Hà Lan thế kỷ 17 trong thế kỷ 18. Tác giả bức này, Rachel Ruysch, và Jan van Huysum (1682 - 1749) là hai nghệ sĩ sở hữu danh tiếng quốc tế vang dội trong thể loại này.

Rachel Ruysch (1664 - 1750) gần như chỉ vẽ hoa (và thường có cả hoa quả). Cô ấy rất thành công khi còn sống: những khách hàng giàu có quốc tế sẵn sàng trả hậu hĩnh cho kĩ thuật điêu luyện, trau chuốt của cô; những nhà thơ đương đại cũng không tiếc lời ca ngợi người họa sĩ. Cô làm việc cho đến tận những năm 80 tuổi, nhưng số lượng sản phẩm hoàn thiện tương đối ít (chỉ có khoảng 100 bức tranh được ghi nhận do cô thực hiện) Cho đến nay, cô vẫn được coi là một trong những họa sĩ vẽ hoa vĩ đại nhất mọi thời đại.

KIỆT TÁC

The Night Watch
Rembrandt, 1642, Rijksmuseum, Amsterdam, Hà Lan

Năm 1636, một gian phòng mới được thêm vào căn nhà bề thế tại Amsterdam, phòng Kloveniersdoelen - trụ sở một nhánh đặc quân công (dịch sát nghĩa là “phòng họp của các lính ngự lâm” Từ năm 1639 đến năm 1645, gian phòng rộng lớn này được trang trí với loạt tám bức chân dung khổng lồ của những lính canh từ các họa sĩ hàng đầu của thành phố này. Rembrandt là một trong số họ, và bức vẽ này đã trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Tựa đề bức tranh được đặt vào khoảng thế kỷ 19, khi nó đã bị tối đi bởi lớp keo màu cũ kĩ, dơ bẩn, như thể phủ lên bức tranh một lớp màn đen tối. Tác phẩm sớm được vệ sinh sau Thế chiến thứ II, thể hiện ra bối cảnh ban đầu là trời sáng, nhưng cái tên “The Night Watch” vẫn được giữ lại. Một cái tên chính xác hơn là “The Militia Company of Captain Frans Banning Cocq and Lieutenant Willem van Ruytenburgh”. (Nhóm đặc quân công của Đại úy Frans Banning Cocq và Trung úy Willem van Ruytenburgh). Đại úy Cocq là nhân vật mặc đồ đen ở trung tâm bức tranh, đưa ra mệnh lệnh đến cấp dưới chuẩn bị cho cuộc hành quân.

Bức ‘The Night Watch’ đã đưa truyền thống vẽ đặc quân công của Hà Lan đến một cái kết thú vị. Thể loại trnah này sớm lỗi thời vì hòa bình lúc bấy giờ đã được thiết lập vững chắc. Rembrandt thể hiện tính nguyên bản vĩ đại bằng cách xây dựng một bố cục trực quan kịch tính, phức tạp từ một hoạt động thông thường. Nhiều người tin rằng những người lính canh đã không hài lòng với bức tranh - cho rằng họ nên đáng lẽ phải được nổi bật như nhau - và yêu cầu trả lại tiền. Thực chất, những nhận xét đương đại cho rằng đây là tác phẩm đáng ngưỡng mộ nhất của Rembrandt. Năm 1678, học trò cũ của ông, Samuel van Hoogstraten viết rằng “nó mang tính hội họa trong tư tưởng, thật tài tình trong cách sắp xếp nhân vật đa dạng, và mạnh mẽ đến mức khiến cho các bức vẽ khác trong đại sảnh “trông như những lá bài.”

Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

 

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Kaiku: Sắc màu từ thiên nhiên

Art_Painting Sinh viên tốt nghiệp tại trường Imperial College London, Nicole Stjernsward đã phát minh ra Kaiku, một hệ thống giúp chuyển hoá thực vật thành các loại bột màu từ quá trình ứng dụng công nghệ bay hơi.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us