Art that Changed the World I Nghệ thuật thời tiền sử
Art_Painting Tranh vẽ là hình thức nghệ thuật có tuổi đời lâu nhất, xuất hiện lần đầu tiên vào Kỉ Băng hà. Khi những bức tranh hang động lần đầu được phát hiện, nó đã khiến công chúng vô cùng bất ngờ và ngưỡng mộ. Làm sao những người thời tiền sử, với những công cụ vô cùng giới hạn, lại có thể tạo ra những bức tranh chi tiết đến vậy?
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
CHƯƠNG 1: CỔ ĐẠI VÀ TRUNG CỔ
Bison - Bức tranh vẽ hang động được phát hiện tại Altamira năm 1879. Ban đầu nó được cho là được vẽ vào thời hiện đại do rằng màu sắc quá sinh động và kĩ thuật vô cùng phức tạp. Mãi đến 20 năm sau khi được công bố thông tin đến công chúng vào năm 1880, nó mới được công nhận là một tác phẩm kinh điển của nghệ thuật Thời đại Đồ Đá Cũ.
Tranh vẽ là hình thức nghệ thuật có tuổi đời lâu nhất, xuất hiện lần đầu tiên vào Kỉ Băng hà. Mục đích của nó đã thay đổi nhiều lần xuyên suốt hàng thế kỉ, nhưng bất kì ý tưởng gì liên quan đến sáng tạo hay thể hiện bản thân luôn bị coi là dị biệt đối với những nghệ sĩ đầu tiên. Rất nhiều bức tranh trong giai đoạn này tạo ra với công dụng cụ thể - được dùng trong những buổi hiến tế, tôn vinh người đã khuất hay những vị thần. Tuy nhiên, vẫn có sự đa dạng về mặt hình ảnh: những bức tranh trong hang động ở La Mã thường rất chân thực, trong khi các bức tranh từ những nền văn minh khác như Ai Cập, Byzantines, Celts thì sử dụng những biểu tượng và chữ tượng hình để đại diện cho vạn vật trên thế giới. Những người nghệ sĩ thời này thường không có vinh quang hay sự phú quý - ở thế giới cổ đại, họ chỉ được coi như thợ thủ công. Danh tính của những nghệ sĩ vĩ đại nhất của Cơ Đốc giáo vẫn luôn là bí ẩn, trong khi đó, những nghệ sĩ ở Hy Lạp thì thường được lưu danh, nhưng các kiệt tác của họ thì đã không thể tồn tại đến ngày nay.
Black Cow, 15,000 -13,000 TCN, Lascaux, Montignac, Pháp
PHẦN 1A: NGHỆ THUẬT THỜI TIỀN SỬ
30.0000 - 1300 Trước công nguyên: NHỮNG BỨC TRANH TRÊN HANG ĐỘNG
Khi những bức tranh vẽ hang động tại Lascaux được giới thiệu đến công chúng lần đầu tiên năm 1948, người dân đã vô cùng bất ngờ. Làm sao những người thời tiền sử, với những công cụ vô cùng giới hạn, lại có thể tạo ra những bức tranh chi tiết đến vậy? Các phát hiện sau đó cũng liên tục mang lại sự ngỡ ngàng, thán phục. Vào những năm 1990, các chuyên gia xác nhận rằng bức tranh vẽ hang động đầu tiên ra đời vào khoảng năm 30.000 TCN, và khả năng cao rằng trong tương lai, chúng ta sẽ còn phát hiện ra những tác phẩm lâu đời hơn nữa nhờ vào sự phát triển của công nghệ - Định tuổi bằng Carbon, phân tích DNA.. Con số những bức tranh hang động được tìm ra cũng tiếp tục tăng lên từng ngày. Tính đến hiện nay, hơn 360 hang đã được phát hiện và ghi nhận chỉ tính riêng tại khu vực Tây Âu. Những khu vực khác tương tự cũng được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, điều này là bằng chứng cho thấy rằng tranh vẽ hang động đã từng là xu hướng chung toàn cầu.
Bức ‘The Great Hall of the Bulls’, 15,000 - 13,000 TCN, Hang Lascaux tại Montignac, Pháp. Lascaux là nổi tiếng là khu vực hang có nhiều tác phẩm nhất. Trong đó, hơn 900 hình tượng động vật khác nhau được ghi nhận. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất khắc họa 6 con bò mộng khổng lồ, con lớn nhất có chiều dài 5.2m.
Những nghệ sĩ Kỷ Băng hà
Những bức tranh vẽ hang động tại Châu Âu được tạo ra bởi các cộng đồng săn bắt hái lượm ở giai đoạn sau của Kỷ Băng hà. Ban đầu, những bức tranh này được cho là khắc họa cảnh sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng sinh sống trong hang. Tuy nhiên không lâu sau đó, họ phát hiện rằng những hang động này thường không có người sinh sống, và không chỉ vậy, các bức tranh đó thường được vẽ ở những nơi mà chúng không dễ nhìn thấy. Từ đó, người ta suy đoán rằng những hang động này chính là các khu tôn thờ, và chúng được vẽ với mục đích tôn vinh các vị thần.
Bradshaw Aboriginal Painting, 15.000 TCN, Mount Elizabeth Station, Tây Úc. Được đặt tên theo Joseph Bradshaw, người phát hiện ra nó năm 1891, tác phẩm này tuy đã trải hàng nghìn năm ngoài thiên nhiên nhưng màu sắc vẫn nguyên vẹn do được bao bọc bởi những lớp nấm và vi khuẩn.
Trong nhiều năm, một giả thuyết nổi tiếng nhất là các bức tranh này được vẽ để cầu may cho những chuyến đi săn. Bằng cách khắc họa các sinh vật to lớn, khỏe mạnh - nguồn thức ăn lí tưởng của họ - những người tiền sử đã hi vọng rằng nó sẽ thu hút các loài vật này đến, giúp họ kiếm đủ lượng lương thực cần thiết cho cả bộ lạc. Tuy nhiên, giả thuyết này dần lộ ra nhiều điểm bất hợp lí khi người ta phát hiện ra nhiều bức tranh vẽ hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng những nghệ sĩ khi ấy không khắc họa các loài thú mà họ thường ăn. Ví dụ như ở Lascaux, hơn 90% mảnh vụn thức ăn trong hang được xác nhận là xương của loài tuần lộc, nhưng con vật này chỉ được khắc họa đúng một lần.
Megaceros Deer Running, 30,000 TCN, Chauvet, Ardèche. Pháp. Một số kiệt tác thời tiền sử được tạo ra những lúc điều kiện ngặt nghèo nhất. Thợ săn - người hái lượm chật vật sống sót trong giai đoạn cuối của Kỉ Băng hà. Môi trường sống của họ thường là khu vực băng giá lạnh lẽo, hay những lãnh nguyên tối tăm. Khi nhiệt độ xuống mức thấp nhất, họ phải lưu trú trong hang động.
Tháng 12 năm 1994, một nhóm ba người đang khám phá các hang động tại thung lũng Ardèche, Pháp khi họ tìm thấy một loạt tranh vẽ hang mới. Sau khi nghiên cứu, họ xác nhận rằng đó là những bức họa lâu đời nhất được tìm thấy lúc đó, có bức ra đời vào khoảng năm 30,000 TCN. Hang động này sau đó được đặt tên theo nhà khoa học tìm thấy nó, Jean-Marie Chauvet. Ngoài các loài động vật ăn cỏ, những con thú nguy hiểm ít khi bị săn như gấu, sư tử và tê giác cũng được khắc họa. Điều này một lần nữa thách thức giả thuyết cho rằng những bức tranh này được vẽ với mục tiêu cầu may cho những buổi đi săn.
Kamares Ewer, 1900 TCN, Iraklion, Crete. Tác phẩm điêu khắc này là do những người thuộc nền văn minh Minos tại đảo Crete, Hy Lạp tạo ra. Họ là một trong những nhóm người đầu tiên tại châu Âu sử dụng bánh xe tạo đồ gốm.
Những năm gần đây hơn, các giả thuyết mới đã ra đời. Những nhà học giả cho rằng không nên chỉ xem xét riêng con vật, mà phải nhìn tổng thể bức tranh, bao gồm những kí hiệu như bàn tay, mũi tên, khung viền… Bức ‘The Chinese Horse’ là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho giả thuyết này.
Kiệt tác: Chinese Horse
Chinese Horse, 15,000 - 13,000 TCN, Hang Lascaux tại Montignac, Pháp.
Những bức tranh vẽ động vật tại Lascaux là những ví dụ điển hình của nghệ thuật thời đại Đồ đá cũ. Một học giả đã so sánh Lascaux là ‘Nhà nguyện Sistina thời tiền sử’, không chỉ về vẻ đẹp của các bức tranh, mà còn ở điều kiện làm việc khó khăn khi chúng được vẽ trên trần hang cao chót vót và trong những ngõ hốc tối tăm.
Bức ‘Chinese Horse’ (tạm dịch: ‘Ngựa Trung Hoa’) nằm trong khu vực Axial thuộc hang Lascaux. một trong những khu vực tập trung nhiều tác phẩm nhất. Chúng được đặt tên ‘Trung Hoa’ bởi vì tác phẩm này có nét tương đồng với các bức tranh vẽ thời nhà Tống. Con ngựa trong hình có những nét tương đồng với giống Przewalski từ Mông Cổ, với phần đầu nhỏ và phần thân to lớn.
Phần viền của nó được vẽ bằng cọ, còn những mảng màu chính thì được xịt lên, có thể là phun từ miệng hay dùng những mảng xương như một chiếc ống. Những kí hiệu xung quanh con ngựa này đã luôn là chủ đề gây tranh cãi. Một số cho rằng nó cũng là biểu tượng cầu may cho các chuyến đi săn, những nét khắc dọc chính là vũ khí, còn các nét đan xen chính là lưới. Một số khác thì cho rằng các chi tiết đó mang tính miêu tả. Những đường nét đại diện cho cây dương xỉ hay cỏ dại, cong vút bay đi khi con ngựa đạp lên.
“Chân chúng rất ngắn còn cơ thể thì lại vô cùng to lớn, những chi tiết này mang nét tương đồng với một bức tranh vẽ thời Trung Hoa cổ đại” Henri Breuil, Mục sư và nhà khảo cổ người Pháp.
Từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng nghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.