75 năm, Vespa vẫn luôn quyến rũ!
Brand Story Vespa đồng nghĩa với tự do, năng lượng trẻ trung, tính ngẫu hứng, màu sắc của tuổi trẻ. Suốt 75 năm qua, với thiết kế độc bản chưa bao giờ lỗi thời, Vespa đã luôn đồng hành với những xu hướng và phong trào đương đại; song hành với văn hóa, nghệ thuật, tình yêu. Vespa là biểu tượng nổi bật nhất của nước Ý, một biểu tượng thiết kế công nghiệp trên thế giới, trường tồn cùng thời gian.
Từ lần đầu xuất hiện vào bảy thập kỷ trước cho đến ngày hôm nay, Vespa vẫn toát ra năng lượng trẻ trung, vẫn là những màu sắc đa dạng, biểu tượng của lối sống đầy ngẫu hứng, sáng tạo, thăng hoa nhưng luôn tinh tế sang trọng.
Chiếc Vespa đầu tiên ra đời vào tháng tư năm 1946, được thiết kế bởi Corradino D’Ascanio với vẻ ngoài tuyệt đối nguyên bản và hoàn toàn khác biệt. Sự giao thoa giữa lĩnh vực hàng không và phương tiện giao thông hai bánh đã mang đến một ‘tác phẩm’ không chỉ đột phá về mặt công năng mà còn sở hữu vẻ đẹp hớp hồn. Chiếc Vespa ra mắt lần đầu với công chúng trong buổi trình diễn tại Milan năm 1946, và ngay cả đức Hồng y giáo chủ Schuster cũng phải dừng lại để ngắm nhìn, và hoàn toàn bị hấp dẫn bởi chiếc xe tại thời điểm đó cũng như sau này.
“Trên hết, Vespa là những câu chuyện: về tình bạn, tình yêu, và những chuyến phiêu lưu. Thiết kế huyền thoại của Vespa tự hào được gắn liền với những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của bạn.” - Vespa
Vespa nhanh chóng trở nên nổi tiếng và vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tính đến năm 1953, hơn 10 nghìn trạm bảo dưỡng của Piaggio xuất hiện trên toàn thế giới, bao gồm châu Mỹ và châu Á. Các câu lạc bộ Vespa thu hút hơn 50,000 thành viên, và hơn 20 nghìn người hâm mộ đã đến “Ngày hội Vespa” của Ý vào năm 1951. Lái chiếc Vespa đồng nghĩa với sự tự do, với sự tận dụng thoải mái về không gian và những mối quan hệ xã hội cũng trở nên rộng mở hơn.
Vespa trưng bày trong các cửa hàng (1952)
Những năm 1960, với sự phổ biến rộng rãi của xe hơi, Vespa mang đến một lựa chọn phương tiện giao thông linh động, tự do hơn và nhanh chóng thu hút những người trẻ với vẻ đẹp hấp dẫn của nó. Cũng trong thập kỉ này, Vespa bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa, âm nhạc, thời trang và phim ảnh. Vespa xuất hiện trong hàng loạt bài hát và bộ phim, sát cánh cùng những nàng thơ như Audrey Hepburn, Ingrid Bergman,.. trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật và thiết kế. Sự tự do của Vespa dần trở thành một phần của văn hóa đại chúng, đưa thế giới vào guồng quay đầy ngẫu hứng và phấn khởi.
Cho đến năm 2021, Vespa đã trải qua 75 năm đi cùng lịch sử, văn hóa, thời trang, điện ảnh, tình yêu… cùng điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình của biểu tượng văn hóa nước Ý, để đón chờ bữa tiệc sinh nhật tưng bừng nhân kỷ niệm Vespa với 75 năm hành trình:
Nguồn gốc
Piaggio được sáng lập tại Genoa vào năm 1884 bởi chàng trai hai mươi tuổi Rinaldo Piaggio, ban đầu, công ty Piaggio chuyên về lĩnh vực lắp ráp những con tàu sang trọng trước khi lấn sân sang lĩnh vực sản xuất toa tàu, xe tải chở hàng, xe khách và động cơ xe khách hạng sang, xe điện và những thân xe tải đặc biệt.
Nhà máy Vespa tại Pontedera
Thế chiến thứ nhất đã tạo ra một sự đa dạng hóa mới mẻ tạo nên sự khác biệt cho các hoạt động của Piaggio trong nhiều thập kỷ sau đó. Công ty bắt đầu sản xuất phi cơ và thủy phi cơ. Đồng thời, các nhà máy mới cũng bắt đầu mọc lên. Năm 1917, Piaggio mua một nhà máy mới tại Pisa, và bốn năm sau đó, công ty tiếp quản một nhà máy nhỏ tại Pontedera, nơi sau này trở thành trung tâm sản xuất máy bay (gồm cánh quạt, động cơ và máy bay hoàn chỉnh, bao gồm chiếc máy bay hiện đại Piaggio P108 chuyên chở hành khách và máy bay chiến đấu). Trước và trong Thế chiến thứ 2, Piaggio là nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Italia. Vì lý do này, các nhà máy của công ty đã trở thành mục tiêu quân sự quan trọng và các nhà máy của Piaggio tại Genoa, Fianle Ligure và Pontedera đã bị phá hủy hoàn toàn bởi chiến tranh.
Quá trình hoàn thiện chiếc Vespa tại nhà máy ở Pontedera
Hai con trai của Rinaldo Piaggio là Enrico và Armando bắt đầu quá trình khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp ngay sau chiến tranh. Nhiệm vụ khó nhất được giao cho Enrico, người chịu trách nhiệm cho nhà máy bị phá hủy tại Pontedera. Ông ta đã sắp xếp cho một phần của dây chuyền sản xuất trước đây được tới Biella tại Piedmont. Enrico Piaggio quyết định thay đổi lĩnh vực kinh doanh, tập trung vào sản xuất phương tiện di chuyển cá nhân tại một đất nước nổi lên sau chiến tranh. Ông đã tạo hình cho chính dự cảm của mình, thiết kế một phương tiện di chuyển mà sau này đã trở nên vô cùng nổi tiếng, nhờ vào thiết kế đặc biệt của một kỹ sư kiêm nhà phát minh trong lĩnh vực hàng không Corradino D’Ascanio (1891-1981).
Thiết kế hoàn mỹ của Vespa
Vẻ đẹp hoàn mỹ, bất tử với thời gian của Vespa trước hết xuất phát từ tư duy thiết kế đột phá của nhà thiết kế hàng không. Chiếc Vespa đầu tiên ra đời trong bối cảnh sau chiến tranh, khi khách hàng cần một phương tiện di chuyển tiện lợi và giá cả phải chăng để đi làm hằng ngày. Thiết kế công thái học của Corradino D’Ascanio khác hẳn với những phương tiện 2 bánh trước đây: nó là một lựa chọn mới mẻ, đáng tin cậy và an toàn cả đối với phụ nữ! Vespa chính là kết tinh của triết lý sáng tạo của nhà thiết kế người Ý, ông tin rằng “Chúng ta phải mở ra một hướng đi hoàn toàn mới lạ và phi truyền thống để chạm tới sự hoàn mỹ.”
Một trong những bản thiết kế đầu tiên của Vespa
Bất kỳ thay đổi nào đối với thiết kế này đều có rủi ro phá hoại đặc điểm và nhận dạng của dòng xe này. Không thể phủ nhận rằng Vespa đã được tinh chỉnh nhiều lần nhằm bắt kịp những yêu cầu của thị trường và sự phát triển của công nghệ và quy trình sản xuất. Tuy nhiên mọi thay đổi đều phải nằm trong giới hạn nhất định, không được lấn sang “lằn ranh” có thể khiến Vespa đánh mất danh tính và hình dáng độc nhất vô nhị của mình.
Những cô gái gợi cảm cùng Vespa trên những tờ lịch
Vào những năm 50, tập đoàn Piaggio đã khởi động cho một trào lưu văn hóa mới khi quyết định cho ra mắt một bộ lịch độc đáo dành riêng cho Vespa. Qua thời gian, bộ lịch Vespa khắc ghi ngày tháng với những chân dung xinh đẹp đã được coi là biểu tượng của phụ nữ trên toàn thế giới.
Đặc biệt, những nàng thơ xuất hiện trong lịch Vespa không chỉ sở hữu vẻ đẹp thanh lịch mà còn là những hình mẫu phụ nữ độc lập, hiện đại, cá tính. Những bộ lịch này sớm trở nên nổi tiếng, thậm chí có sự góp mặt của những người mẫu và minh tinh hàng đầu thế giới. Đến năm 1965, gần một triệu bộ lịch đã được xuất bản trên 8 thứ tiếng.
Vespa song hành cùng phái đẹp
Những nàng thơ xuất hiện trong các chiến dịch của Vespa
Có lẽ ít người biết rằng Vespa đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng tầm địa vị xã hội của phụ nữ vào thập niên 50. Trước khi ‘chú Ong’ này ra đời, không hề có hình ảnh những cô nàng tự do lướt xe hai bánh trên đường phố Ý. Trong khi đó, Thiết kế ban đầu của Vespa vốn đã luôn hướng về phái đẹp. Chiếc Vespa của D’Ascanio có sự quyến rũ đặc trưng, cùng với thiết kế bộ khung cho phép các cô gái có thể diện váy khi lái xe, phần động cơ kín và phần đầu xe cũng giúp che chắn phái đẹp khỏi dầu nhớt, bụi bẩn hay bùn đất.”
Buổi diễu hành năm 1949 với sự góp mặt của 200 cô nàng yêu Vespa
Vespa cũng sớm nhận ra sự quan trọng của các khách hàng nữ: phần lớn những quảng cáo vào thập niên 50 đều tập trung vào phái đẹp. Gần như tất cả mọi poster hay chiến dịch quảng cáo của Vespa đều có hình ảnh các nàng thơ. Không thể không kể đến buổi họp mặt đầu tiên của những cô nàng yêu Vespa tại Stresa, Ý vào năm 1949. Hai trăm quý cô xinh đẹp diễu hành cùng Vespa chính là minh chứng cho tinh thần đồng hành của Vespa trong hành trình tìm kiếm sự tự do dành cho phái đẹp.
Vespa trên những thước phim
Audrey Hepburn trong Roman Holiday
Trong những năm “Dolce Vita” (tạm dịch là Cuộc sống tươi đẹp), Vespa là một từ đồng nghĩa với xe tay ga, những phóng viên nước ngoài miêu tả nước Ý là “Đất nước của Vespa” và Vespa trong lịch sử xã hội, không chỉ ở Ý mà ở những nước khác, có thể được nhìn thấy trong hàng trăm bộ phim. Audrey Hepburn và Gregory Peck trong phim “Roman Holiday” (Kỳ nghỉ La Mã) là những người đầu tiên trong số một loạt những diễn viên quốc tế chạy Vespa trong những bộ phim nổi tiếng. Đặc biệt, hình ảnh Audrey Hepburn cùng bạn diễn vi vu đường phố trên con xe Vespa một cách tự do, phong cách đã thu hút một lượng lớn khách hàng, giúp doanh số xe bán ra trong cùng năm bộ phim ra mắt tăng hơn 100,000 xe!
Poster phim Luca
Cho đến nay, Vespa vẫn là biểu tượng của sự tự do, cấp tiến và ngẫu hứng! Trong bộ phim hoạt hình Luca mới ra mắt gần đây, chiếc Vespa là trọng tâm của cả bộ phim: Hai nhân vật chính Luca và Alberto mong muốn thoát khỏi những xiềng xích đang níu chân mình, và Vespa là biểu tượng tự do cho phép họ được tùy ý sống theo ý mình.
Dấu ấn nghệ thuật trên Vespa
Dalí và chiếc Vespa đắt giá nhất thế giới
Vào năm 1962, bậc thầy của trường phái nghệ thuật siêu thực – Salvador Dalí, đã ngẫu hứng viết tên của mình và nàng thơ lên chiếc xe Vespa 150 S sở hữu bởi hai chàng sinh viên Đại học Madrid. Với chữ ký của người nghệ sĩ tài ba, chiếc xe này cho tới nay vẫn được xem là một trong những chiếc Vespa đắt giá nhất thế giới.
Chiếc Vespa cẩn trứng hoàn thiện bởi những nghệ nhân HanoiA
Nghệ thuật và sự sáng tạo vốn là những yếu tố không thể tách rời khỏi Vespa. Thương hiệu này đã từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ khắp thế giới để tạo nên những ‘tác phẩm đương đại’ thu hút mọi ánh nhìn trên đường phố. Có thể kể đến tác phẩm Vespa x Sean Wotherspoon đầy màu sắc, hay đặc biệt là chiếc Vespa cẩn trứng vô cùng tinh tế được thực hiện thủ công bởi những bàn tay điêu luyện của người nghệ nhân Việt Nam. Các họa sĩ nổi tiếng, nhà thiết kế, nhà sáng tạo, stylist hàng đầu Việt nam cũng đã kể những câu chuyện theo cách rất độc đáo của họ khi làm việc cùng các dự án của Vespa.
Chiếc Vespa Primavera x Sean Wotherspoon đầy màu sắc!
Chinh phục đường đua, cả thế giới cùng Vespa!
Phiên bản giới hạn Vespa Sprint Sixties Racing
Vespa không chỉ đơn thuần là một chiếc xe hai bánh để dạo phố, mà nó còn cả một sự nghiệp đua xe rực rỡ phía sau.Tại Châu Âu và những năm 50, Vespa tham dự và giành nhiều thành công với những cuộc đua xe máy hàng năm (tốc độ và off-road), cũng những những sự kiện thể thao. Phiên bản giới hạn Vespa Sprint Sixties Racing mới ra mắt gần đây cũng là để kỉ niệm những khoảnh khắc hồi hộp, nghẹt thở với Vespa trên cung đường đua.
Vespa cũng xác lập một thành công khá lớn vào năm 1951 với chương trình “Vòng quanh thế giới trong 6 ngày” tại Varese, giành được 9 huy chương vàng, trở thành chiếc xe máy Ý tuyệt vời nhất. Cũng trong năm đó, hàng loạt cuộc thi đấu với Vespa diễn ra, khởi đầu cho một loạt chuyến đi tuyệt vời khắp thế giới trên chiếc xe tay ga này.
Giancarlo Tironi, một sinh viên đại học người Ý, đã đặt chân lên vĩ tuyến Bắc cực với Vespa. Carlos Velez vượt qua dãy Andes từ Buenos Aires tới Santiago Del Chile. Hằng năm, Vespa lại càng trở nên phố biến với những cuộc chinh phục thế giới bởi những người hâm mộ: từ Milan tới Tokyo, Paris tới Sài Gòn, vòng quanh quần đảo Antilles (thuộc biển Carribean), thậm chí Geoff Dean người Úc đã từng đi vòng quanh thế giới trên Vespa
Giorgio Bettinelli và những chuyến đi để đời
Giờ đây, Vespa vẫn tiếp tục là người bạn đồng hành trong những chuyến đi: tháng 7 năm 1992, Giorgio Bettinelli, nhà văn, nhà báo đã đi từ Rome trên Vespa và đến Sài Gòn vào tháng 3 năm 1993. Năm 1994-95, ông đi chặng đường 36,000 km từ Alaska tới Tierra del Fuego. Năm 1995-96, ông đi từ Melbourne tới Cape Town – hơn 52,000 km trong 12 tháng. Năm 1997, ông bắt đầu đi từ Chile, tới Tasmania sau 3 năm và 8 tháng, với chặng đường 144,000 km trên Vespa và đi qua 90 quốc gia tại Châu Mỹ, Siberia, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á, và Châu Đại Dương. Tổng cộng, Bettinelli đã đi 250,000km trên Vespa.
Vespa: Biểu tượng tự do của giới trẻ
Khi mới ra mắt, sự linh động của Vespa đặc biệt thu hút giới trẻ Ý bởi vì điều đó cho phép họ được tự do tham gia các hoạt động xã hội ở các ngôi làng lân cận. Điều này rất có ý nghĩa bởi vì nó đánh dấu giai đoạn người trẻ Ý được giải phóng khỏi những hệ thống hà khắc, vốn ngăn cản họ thể hiện bản thân mình. Vespa không chỉ ảnh hưởng đến văn hóa giới trẻ tại Ý, mà còn lan tỏa ra các khu vực khác như tại Anh, nơi đang bùng nổ phong trào ‘độ xe’ và là thị trường lớn thứ hai của Vespa. Sánh vai cùng với ban nhạc huyền thoại The Beatles, Vespa đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng và thập niên 60.
“Vespa là một cái tên - hay nói đúng hơn, một khái niệm - mang tính quốc tế, đại diện cho những ước mơ và khao khát tự do của cả một thế hệ… Bản thân cái tên Vespa khơi lên những ký ức tuổi trẻ; đưa tiềm thức của chúng ta trở về với khoảng thời gian bản thân còn vô tư vô lo, thong thả tận hưởng tiết trời tươi đẹp và cảm giác khoai khoái mà ngọn gió để lại trên da khi ta phóng xe trên đường phố.” - Nhà xã hội học Marchi M. nhận định
Chính Vespa đã nâng tầm ảnh hưởng của giới trẻ đến mức những nhà tiếp thị Ý đã, lần đầu tiên trong lịch sử, thừa nhận sự quan trọng của thế hệ thanh thiếu niên và coi họ như một nhóm khách hàng riêng. Nhận thấy được sức hút đối với thế hệ mới, Piaggio cũng đã tung ra nhiều chiến dịch nhắm vào nhóm đối tượng đầy sức sống này. “ Trong mỗi số của tạp chí Rivista Piaggio luôn có một bài báo về vai trò của Vespa đối với đời sống người trẻ trên khắp thế giới.” Arrvidsson, A 2011.
Tạp chí Piaggio và những nội dung ca ngợi phái đẹp và văn hóa trẻ
Chiến dịch quảng cáo tiêu biểu nhất phải kể đến hình ảnh quả táo cắn dở và câu slogan “Chi Vespa mangia le mele” sáng tạo bởi Gilberto Filippetti thuộc agency Leader tại Florence nhân dịp ra mắt chiếc Vespa 50 Special 1961.
“Chi Vespa mangia le mele” tạm dịch là “Ai Vespa cũng đã ăn táo” Khi ấy, những người mẹ tại Ý thường nhắc nhở con mình “Hai mangiato una mela” - “Con đã ăn táo chưa?” như một cách chăm sóc sức khỏe tiện lợi, dễ dàng. Nhưng quả táo không chỉ là biểu tượng của sức khỏe, tuổi trẻ mà còn là sự cám dỗ, mời gọi vượt khỏi vùng an toàn của mình. Vậy, thông điệp ở đây là cũng như những quả táo, Vespa là một lựa chọn phải chăng, dễ dàng để ta sống cuộc sống tự do, trẻ trung và đầy ngẫu hứng!
Vespa đã và sẽ luôn gắn bó với thế hệ trẻ, những tâm hồn tò mò về thế giới và khao khát được bứt phá khỏi những giới hạn quanh mình. Những người yêu xe sẵn sàng dành thời gian tùy chỉnh, trang trí cho chiếc xe của mình nhằm thể hiện bản sắc cá nhân. Suốt 75 năm qua, với thiết kế độc bản chưa bao giờ lỗi thời, Vespa đã luôn đồng hành với những xu hướng và phong trào đương đại; song hành với văn hóa, nghệ thuật, tình yêu; và là biểu tượng nổi bật nhất của đất nước Ý tươi đẹp.
Fashionnet thực hiện. Hình ảnh và tư liệu từ Piaggio Việt Nam cung cấp
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.