Yayoi Kusama: Hoạ sĩ "điên" và chuyến hành trình nghệ thuật mang tên "Cuộc đời"
Art_Painting “Tôi sẽ tiếp tục làm nghệ thuật cho đến khi niềm đam mê còn giúp tôi đi tiếp. Và tôi tạo ra nghệ thuật để chữa trị cho nhân loại" - Yayoi Kusama
"Yayoi Kusama là hoạ sỹ nổi tiếng của Nhật Bản với các tác phẩm chấm bi. Mức độ lan toả của bà được thể hiện qua số lượng kỉ lục những người đến tham quan các buổi triễn lãm chấm bi. Buổi triển lãm Yayoi Kusama: Infinite Obsessions (Ám ảnh bất tận) năm 2013 đã thu hút hơn 2 triệu lượt người tham quan khi tổ chức tại nhiều địa điểm ở Nam Mỹ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến xem triển lãm này."
Tuổi thơ nổi loạn
Khi lên 10, Kusama dần nhận ra sự khác biệt của bản thân - khi bà bắt đầu trò chuyện với hoa lá. Bà còn cảm nhận được các họa tiết trên quần áo thực sự bước ra khỏi lớp vải vóc và hòa nhập vào thế giới thực. Những ảo giác này quá đỗi chân thực, giống như chúng thực sự tồn tại trong nhãn quan của Kusama; và bà bắt đầu vẽ lại chúng, như một cách để tự điều trị căn bệnh của mình và đó cũng là cách giúp bà kiểm soát được những xúc cảm tiêu cực đang không ngừng dày vò tâm trí. Đáng tiếc thay, phần lớn các bức tranh do bà vẽ ra đã bị mẹ bà xé nát. Người thân cũng khuyên Yayoi nên chuyển thiên hướng nghệ thuật vào việc sưu tập tranh thay vì tạo ra chúng, song không gì làm lay chuyển được đam mê sáng tác của bà.
Yayoi Kusama trong Orez Gallery trong Hague, Netherlands (1965) trong Kusama – Infinity, đạo diễn bởi Heather Lenz.
Tuổi thơ của Kusama còn gắn liền với một góc tăm tối trong nhà máy, nơi bà được gởi đến làm công nhân trong xưởng may quần áo phục vụ cho thế chiến thứ 2. Những hồi ức ám ảnh về chiến tranh luôn tồn tại trong tiềm thức của Kusama, về tiếng còi tập trung sơ tán, tiếng bom nổ hòa lẫn tiếng máy bay chiến đấu lao vút trên đầu; và giống với vi đạo diễn quá cố Isao Takahata của studio Ghilbi, những kí ức tàn khốc ấy luôn đi theo bà đến suốt cuộc đời. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc bà lựa chọn chiến tranh làm chủ đề trong những tác phẩm sau này.
Không thể phủ nhận rằng Kusama là một trong những người tiên phong của lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, bà đã từng chắp tay cho 8 quyển tiểu thuyết, từng mở 1 tập báo người lớn, xuất bản một số tập thơ, sản xuất phim và thậm chí là thiết kế một chiếc xe buýt. Có lẽ sẽ không quá bất ngờ nếu sau này bà quyết định dấn thân vào lĩnh vực thời trang vốn luôn luôn chào đón bộ não thiên tài của bà.
Một điểm đặc trưng ở phong cách thu hút của Kusama chính là các tác phẩm của bà luôn thể hiện chính bản thân mình. Bà luôn có thể tự hào rằng trong mỗi kiệt tác của mình luôn có một phong cách rất “riêng” mà không ai so sánh được.
“Tôi không muốn chữa trị các vấn đề về tâm thần của mình, thay vào đó tôi muốn sử dụng chúng như một động lực tạo ra nghệ thuật của mình. Nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ ảo giác mà chỉ tôi có thể nhìn thấy… Tất cả các tác phẩm của tôi bằng phấn màu đều là sản phẩm của chứng loạn thần kinh ám ảnh và do đó có mối liên hệ chặt chẽ với căn bệnh của tôi” - Yayoi Kusama.
Yayoi Kusama ở New York (1968)
Giấc mơ Mỹ và những năm tháng sống trọn với nghệ thuật
Kusama đã khẳng định gốc gác quê hương của mình ngay từ những ngày bắt đầu ở Mỹ qua phong cách ăn mặc của bà. Trong bộ sưu tập hình ảnh Walking Piece vào năm 1966, Yayoi Kusama sải bước 1 cách tự tin và lộng lẫy trong chiếc áo kimono hoa truyền thống của Nhật - loại trang phục truyền thống này đã thể hiện sự lạ lẫm, bỡ ngỡ trong 1 thành phố mà bà miêu tả là “thành phố người ngoài hành tinh” khi ấy.
Bà được Georgia O’Keefe, một nữ họa sĩ nổi tiếng khác dìu dắt trong những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ. Chỉ sau đó 18 tháng, bà đã có buổi triển lãm đầu tiên diễn ra tại Brata Gallery và gây được tiếng vang lớn; các tác phẩm của bà thậm chí được so sánh với Pollock (một hoạ sỹ người Mỹ nổi tiếng theo đuổi chủ nghĩa trừu tượng sống động). Và giới mộ điệu bắt đầu chú ý đến bà, một người nghệ sĩ tài năng đến từ nước Nhật xa xôi.
Không thể đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của Kusama đối với nghệ thuật Mỹ thời hậu chiến. Andy Warhol - một trong những người đã từng khen ngợi tác phẩm của Kusama, ông phủ lên các bức tường trong phòng trưng bày của mình theo một khuôn mẫu lặp đi lặp lại, giống như cách Kusama đã làm trong buổi trình diễn Aggregation: 1000 Boats Show.
Những mảnh ghép trong cuộc đời bà hoàng Yayoi Kusama
Khi nhìn lại những tác phẩm của Yayoi Kusama, người xem không thể không ngạc nhiên vì tính phong phú của chúng. Yayoi Kusama vẽ, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt, điện ảnh, thậm chí là dấn thân vào thiết kế thời trang… Vào thời điểm đó, kết hợp các dạng nghệ thuật với nhau chưa được phổ biến như bây giờ. Đồng thời, bà còn kết hợp nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như: minimalism (tối giản), surrealism (siêu thực), hội họa Art Brut, pop - art và abstract expressionism (ấn tượng trừu tượng), tình dục và những góc tối trong cảm xúc của con người. Kusama nói rằng các ý tưởng đến với bà nhiều và liên tục đến mức bà bị tê liệt vì không biết phải làm gì với chúng. Bên cạnh đó, bà luôn gửi gắm những thông điệp ẩn về phong trào nữ quyền, bài xích chiến tranh và hướng tới hòa bình trong mỗi tác phẩm của mình.
Kusama năm 1963, tạo dáng với tác phẩm “Aggregation: One Thousand Boats Show” tại triển lãm New York’s Gertrude Stein.
Yayoi Kusama cùng tác phẩm Infinity Net tại triển lãm Stephen Radich, New York, năm 1961.
Vào cuối những năm 1960s, Kusama đã tự tay dựng nên thương hiệu cho chính mình. Bà đã tạo ra những thiết kế điên rồ nhất - từ risqué cho đến avant-garde- bà không ngần ngại để hở những phần nhạy cảm của người mặc như ngực, mông bằng những đường cắt và sắp đặt tinh tế. Khá giống với bây giờ nhỉ? Nhưng thật ra những sản phẩm táo bạo ngày nay thành công là nhờ vào sự tiên phong của Kusama ngày ấy.
Mặc dù thương hiệu này đã ngừng hoạt động sau khi bà phải nhập viện trị liệu tâm lý, Kusama vẫn tiếp tục thiết kế quần áo cho chính bản thân mình, sử dụng họa tiết từ chính những tác phẩm của bà.
Không bao giờ là quá “lố”
Nếu như có 1 điều mà chúng ta có thể học được từ các thương hiệu thành công như Gucci, Vetements hay Off - White - đó là thị trường luôn luôn ưu chuộng những thiết kế gây ấn tượng và độc đáo, phá vỡ mọi quy củ. Tuy nhiên, có thể nói Kusama mới chính là người đã tìm ra được bí quyết thành công đó.
Kusama ăn mặc hệt như những tác phẩm của bà vậy: nổi bật, một chút hỗn loạn và chắc chắn là không thể đoán được bà sẽ mặc gì tiếp theo. Hôm nay có thể bà sẽ tự tin diện một bộ đồ xuyên thấu và ngay ngày hôm sau lại là một bộ đồ da bó sát màu đỏ sáng rực.
Cho tới ngày nay, phong cách ăn mặc độc đáo của bà vẫn không thay đổi ngay cả ở độ tuổi 88. “Phong cách Kusama” ngày nay không thể không thiếu bộ tóc giả tông màu huỳnh quang rực rỡ.
Cái bắt tay “ngẫu hứng” với ông hoàng thời trang đương đại
Sau khi hợp tác với một số nghệ sĩ như là Stephen Sprouse, Takashi Murakami và Richard Prince, Louis Vuitton tiếp tục chuỗi ngày thành công của mình với bộ sưu tập mới có dấu ấn rõ nét của bà Kusama. Ra mắt vào mùa hè năm 2012, sự hợp tác này, cho tới ngày nay, vẫn là một trong những màn hợp tác lớn nhất và nổi bật nhất trong số những lần nghệ sĩ kết hợp với các thương hiệu thời trang.
Những mẫu quần áo, phụ kiện may sẵn với chất liệu chính bằng da cùng với họa tiết đốm đặc trưng của bà Kusama được trưng bày khắp tất cả các cửa hàng Louis Vuitton, đồng thời đưa sự thiên tài của bà gần hơn với công chúng.
Chặng cuối trong chuyến hành trình dài của cuộc đời
Giờ đây đã bước sang tuổi 89, thế nhưng Yayoi Kusama vẫn miệt mài cống hiến. Đứng trước tác phẩm của bà, người ta luôn bị choáng ngợp trong vòng xoáy hỗn loạn của màu sắc căn bản, với những bố cục phức tạp trong không gian kì dị và bà khiến thế giới phát cuồng vì những chấm bi sặc sỡ của mình.
Bà vẫn luôn đắm say với nghệ thuật dù đã đi một chuyến hành trình thật dài của cuộc đời.
Lucas Samaras, Room No. 2 (hay còn được biết đến nhiều với cái tên Mirrored Room), 1966.
The Souls of Millions of Light Years Away (những linh hồn cách ta triệu năm ánh sáng), hay thường gọi là cái phòng gương vô cực, một tác phẩm sắp đặt đa phương tiện của Yayoi, được trưng bày tại Pilkington, một trong những địa điểm tổ chức Liverpool Biennial 2008, lễ hội nghệ thuật quốc tế đương đại lớn nhất Vương quốc Anh. Có thể nói đây là tác phẩm siêu thực nhất nhì Trái Đất này.
Yayoi Kusama đã giành được nhiều giải thưởng cho nghệ thuật của mình, bao gồm giải Asahi (năm 2001), giải Ordre des Arts et des Lettres của Pháp (năm 2003) và giải thưởng Praemium Imperiale lần thứ 18 cho hội họa (năm 2006)
"Trái đất của chúng ta chỉ là một chấm polka trong số một triệu ngôi sao trong vũ trụ. Chấm bi là một cách hiểu sự vô tận. Khi thiên nhiên và cơ thể của chúng ta xoá nhoà bằng các chấm bi, chúng ta trở thành một phần của sự thống nhất của môi trường chung” - Yayoi Kusama
Nguồn Tổng hợp - Bài Chip Phan
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.