Toàn cảnh về trường phái Lập thể (Cubism)
Art_Painting Xuất hiện lần đầu tiên vào hơn 100 năm trước, trường phái Lập thể (Cubism) đến ngày hôm nay vẫn được coi là một trường phái nổi tiếng và thú vị nhất của thế giới hội họa hiện đại. Cubism gắn liền với những nghệ sĩ biểu tượng như Pablo Picasso, người đã mở ra một chương mới trong lịch sử hội họa với cách nhìn mới lạ của bản thân đối với những sự vật hàng ngày trong cuộc sống.
Đặc trưng của trường phái Lập thể là những mảnh hình rời rạc và cách sắp xếp hỗn loạn. Cubism quay lưng với hội họa có hình cổ điển và bước vào thế giới trừu tượng toàn diện. Những đặc điểm trên - cùng với quá trình phát triển thú vị và những ảnh hưởng lâu dài nó để lại - đã đưa Cubism thành một trong những trường phái biểu tượng nhất của thế kỉ XX.
TRƯỜNG PHÁI LẬP THỂ LÀ GÌ?
Pablo Picasso, "Girl with a Mandolin," 1910
Chủ nghĩa Lập thể là một trường phái nghệ thuật thị giác có sức ảnh hưởng rất lớn của thế kỷ XX, được sáng lập bởi Pablo Picasso và Georges Braque tại Paris từ 1907 đến 1920. Phong cách Lập thể nhấn mạnh vào hình phẳng 2D, loại bỏ những kỹ thuật biểu hiện truyền thống về phối cảnh và bác bỏ lý thuyết nghệ thuật bấy lâu vốn đề cao sự bắt chước tự nhiên. Những họa sĩ phái Lập thể không bị ràng buộc vào việc sao chép hình dáng, cấu trúc bề mặt, màu sắc hay không gian mà thay vào đó, họ giới thiệu đến người xem một dạng thức mới của hiện thực qua các tác phẩm miêu tả đối tượng bị phân chia thành nhiều mảng với nhiều diện từ nhiều góc độ được biểu hiện cùng một lúc.
LỊCH SỬ
Georges Braque, "Landscape at La Ciotat," 1907
Vào đầu thế kỉ XIX, trường phái Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism) và Dã thú (Fauvism) - những trường phái lấy cảm hứng từ những thử nghiệm của các nghệ sĩ Ấn tượng đối với tranh vẽ - gần như thống trị nghệ thuật châu Âu. Họa sĩ, nhà điêu khắc, in ấn và soạn bản thảo người Pháp, Georges Braque (1882-1963) cũng cống hiến cho trường phái Dã thú với bức tranh vẽ màu sắc khắc họa phong cảnh cách điệu.
Georges Braque, "Man with a guitar," 1911
Năm 1907, Braque gặp Pablo Picasso (1881-1973). Vào thời điểm này, Picasso đang trong “Thời kì ảnh hưởng châu Phi,” - các tác phẩm của ông chủ yếu lấy cảm hứng từ những tác phẩm điêu khắc và mặt nạ của châu Phi. Cũng như những bức tranh Hậu Ấn tượng của Braque, các tác phẩm của Picasso lúc ấy cũng đang thử nghiệm với những khối hình học (đôi khi là màu sắc), nhưng nhìn chung vẫn có hình tượng rõ ràng.
Pablo Picasso, "Gertrude Stein," 1905-1906
Sau khi họ gặp nhau, Braque và Picasso bắt đầu làm việc với nhau, dần dần tách rời khỏi phong cách trước đây của mình và cùng nhau mở đầu trường phái mới: Cubism. Sự ra đời chính thức của nó, theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, được đánh dấu bằng sự ra đời của tác phẩm “Những cô gái Avignon” (1907). Trường phái hội họa này đạt đến cao trào những năm 1909-1912 và gần như kết thúc cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất.
ĐẶC ĐIỂM VÀ PHONG CÁCH
Georges Braque, "Bottle of Rum," 1914
Chủ nghĩa Lập thể xuất hiện khi giới họa sĩ muốn tìm kiếm một phương pháp thể hiện thế giới tự nhiên với hình thức mới mẻ, giúp họ phản ánh những điều vượt lên trên vẻ ngoài thông thường của vật chất. Các tác phẩm Lập thể vì thế đã từ bỏ hết các khái niệm truyền thống về hình khối và không gian phối cảnh. Các họa sĩ lập thể thể hiện đối tượng dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong cùng một thời điểm. Không hề giống với mắt nhìn thông thường của chúng ta, chỉ nhìn thấy sự vật ở một góc độ duy nhất ngay tại thời điểm ta nhìn thấy chúng. Hình thức của đối tượng cũng vì thế bị phá vỡ thành những diện, mảng và hình mang tính kỷ hà. Có thể nói, những họa sĩ phái Lập thể nhìn sự vật một cách song song về mặt không gian và thời gian.
Pablo Picasso, "Bowl of Fruit, Violin and Bottle," 1914
Quá trình phát triển của chủ nghĩa Lập thể có thể được chia thành 3 giai đoạn: Tiền Lập thể (1907-1909), chủ nghĩa Lập thể Phân tích (1909-1912) và chủ nghĩa Lập thể Tổng hợp (1912-1914). Hầu hết các họa sĩ theo trường phái Lập thể đều đã từng sáng tác theo cả hai phong cách Phân tích và Tổng hợp.
TIỀN LẬP THỂ
Pablo Picasso, "Les Demoiselles d'Avignon," 1907
Trước khi chính thức được công nhận, cả Picasso và Braque đều đã ứng dụng những đặc trưng của trường phái này vào những tác phẩm của mình. Sự chuyển giao đầy thú vị sang Cubism hiện lên rõ rệt trong hai tác phẩm: ‘Les Demoiselles d'Avignon’ (1907) và ’Viaduct at L'Estaque’ (1908).
Có thể nói ‘Les Demoiselles d'Avignon’ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Picasso trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi châu Phi. Ra mắt vào năm 1907, nó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Nguyên thủy (Primitivism) và Cubism, bằng chứng là những khuôn mặt được tạo hình như mặt nạ và cơ thể người phụ nữ được tách rời thành những khối hình học.
Georges Braque, "Vladuct at L'Estaque," 1907
‘Viaduct at L'Estaque’ cho thấy nỗ lực của Braque trong việc tìm một góc nhìn mới và phá hủy các vật thể, biến chúng thành những khối hình học - những đặc trưng của trường phái Lập thể.
LẬP THỂ PHÂN TÍCH
Georges Braque, "Vladuct at L'Estaque," 1907
Đây là giai đoạn chính thức đầu tiên của trường phái lập thể, được gọi là chủ nghĩa Lập thể Phân tích (1908-1912). Sở dĩ có tên gọi như thế là bởi sự mổ xẻ cấu trúc đối tượng theo nhiều góc độ, dẫn đến sự phức tạp về hình. Đối tượng trong tranh bị chia thành nhiều mảng nhỏ rối rắm, khá trừu tượng. Những mảng hình nhỏ sẽ được đặt dày đặc tại trung tâm sau đó tản ra nhiều phía, hướng về các cạnh. Nói một cách đơn giản, Lập thể Phân tích tiếp cận đối tượng như một nhiếp ảnh gia với hàng loạt những bức ảnh chụp từ nhiều góc độ khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Những hình ảnh này sau đó sẽ được cắt ra và xếp lại một cách ngẫu nhiên, chồng chéo trên cùng một mặt phẳng. Thêm một điểm đặc trưng khác của chủ phong cách này chính là bảng màu hết sức đơn giản, đến mức hầu như đơn sắc. Do đó người xem không bị phân tâm khi nhìn vào phom dáng của cấu trúc và mật độ ảnh ở trung tâm khung hình.
Georges Braque, "Still Life with Metronome," 1909
Trong giai đoạn sáng tác này, các họa sĩ hầu như dùng bảng màu giống nhau, thiên về các màu vàng và màu nâu xám. Những đặc điểm đó nói lên thời gian này đang là lúc Picasso, Braque cùng đồng nghiệp của mình hoàn thiện kỹ thuật và cơ sở lý luận của hội họa Lập thể. Picasso còn áp dụng nền tảng của Lập thể Phân tích vào những tác phẩm điêu khắc của ông, ra mắt những bức tượng nhấn mạnh vào những góc nhìn khác biệt của Cubism. Nhiều nghệ sĩ khác cũng bắt đầu hứng thú với trường phái mới lạ này, bao gồm họa sĩ người Tây Ban Nha Juan Gris (1887-1927), người sau này trở thành một họa sĩ Lập thể nổi tiếng trong giai đoạn Lập thể tổng hợp.
Pablo Picasso, "Head of a Woman," 1909-10
LẬP THỂ TỔNG HỢP
Juan Gris, "Portrait of a Picasso," 1912
Phát triển theo hướng đối lập, Lập thể Tổng hợp đi ngược lại nguyên tắc bố cục của Lập thể Phân tích. Thay vì phá vỡ đối tượng thành những mảng nhỏ rồi lắp ghép lại, hình ảnh theo phong cách này được xây dựng từ những thành tố và hình dáng mới. Các đặc điểm chính của Lập thể Tổng hợp được tóm gọn như sau: Đường nét và hình dáng đơn giản; Hòa sắc rực rỡ với nhiều màu cơ bản như đỏ, vàng, cam, lam nhất là ở tranh của Juan Gris và Fernand Leger (1881-1955)
Juan Gris, "Still Life with Bordeuaux Bottle," 1919
Kỹ thuật dán giấy được Braque phát kiến năm 1913 được sử dụng cùng lúc với sơn dầu. Các họa sĩ học tập và sáng tác bằng kỹ thuật trên với các hình khối đơn giản. Như vậy, thay vì nhìn vào một cái chai để phân tích hình dáng và cấu tạo để tạo ra một hình dáng tương tự từ trí tưởng tượng của mình thì chỉ việc thực hiện bằng những mẫu giấy cut-out hoặc viền lại nét.
Georges Braque, "Rum and a Guitar," 1918
Cấu trúc bề mặt cũng rất được quan tâm khi các họa sĩ có thể tận dụng nguyên liệu giấy cùng lúc với mặt sơn. Một bề mặt nhẵn có thể xuất hiện bên cạnh các mảnh giấy báo hoặc giấy in hoa văn, thậm chí có cả nhiều nét cọ chấm thô đầy khắp khung hình.
Pablo Picasso, "Head," 1913-14
NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRƯỜNG PHÁI LẬP THỂ
Với sự nổi tiếng và ảnh hưởng mạnh mẽ của hai trường phái trước đó là Hậu Ấn tượng và Dã thú, không quá bất ngờ khi cả hai đều mang một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên trường phái lập thể
HẬU ẤN TƯỢNG
Paul Cézanne, "Mont Sainte-Victorie," 1904-1906
Trường phái lập thể có những ảnh hưởng nghệ thuật nhất định từ những họa sĩ Hậu Ấn tượng - trong đó có Paul Cézanne.
Những ảnh hưởng đó bao gồm màu sắc, khối hình học, và quan trọng nhất là một góc nhìn méo mó. “Những quy tắc cứng nhắc về góc nhìn từ lâu áp đặt lên nghệ thuật là một sai lầm nghiêm trọng mà mất tận bốn thế kỉ để sửa lại,” Braque giải thích vào năm 1957. “Cézanne, sau ông là Picasso và bản thân tôi, đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi quan điểm sai lệch này. Góc nhìn theo khoa học đã ép vật thể trong tranh phải biến mất trong mắt người xem, thay vì đưa nó đến với họ, như mục đích ban đầu của tranh.”
DÃ THÚ
Henri Matisse, "Portrait of Madame Matisse," 1905
Braque từng cống hiến rất nhiều cho trường phái Dã thú, và mối quan hệ giữa Picasso và nghệ sĩ Matisse cũng góp phần tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa này đến Cubism. Matisse là một nghệ sĩ nổi tiếng với việc sử dụng những khối màu và các họa tiết lặp lại để tạo nên phong cảnh. “Chưa một ai xem tranh Matisse kĩ hơn tôi; và cũng không ai chiêm ngưỡng tranh tôi cẩn thận như anh ấy.” Picasso hồi tưởng hồi những năm 1960.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỪ TRƯỜNG PHÁI LẬP THỂ
Marcel Duchamp (nghệ sĩ theo chủ nghĩa Dada), "Nude descending a Staircase No.2," 1912
Cũng như những trường phái nghệ thuật hiện đại khác, Cubism cũng đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ - cũng như góp phần ra đời các chủ nghĩa nghệ thuật khác sau này.
Trường phái Vị lai (Futurist) lấy cảm hứng từ sự sinh động trong cách sắp xếp của Cubism, trong khi chủ nghĩa Siêu thực (Surrealist) tiếp thu nghệ thuật cắt dán. Tương tự như vậy, ý tưởng phá hủy vật thể thành những mảnh rời đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ liên quan đến phong trào Dada, De Stijl, Bauhaus, và Trừu tượng Biểu hiện.
Ngoài những trường phái nghệ thuật hiện đại, Cubism còn ảnh hưởng đến các loại hình nghệ thuật đương đại. Có thể kể đến như là những hình xăm Cubism lấy cảm hứng từ chân dung Picasso, graffiti, hay những tác phẩm tranh vẽ tự do khác thừa hưởng phong cách và góc nhìn không bao giờ lỗi thời của trường phái Lập thể.
Nguồn Tổng hợp từ My Modern Met + Designs.vn - Bài PD - Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
Pro Creative Class I Khóa học SÁNG TẠO, 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Writing, Storytelling, Art, Design, Creativity. Học viết, thiết kế, tìm hiểu nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Hotline: 0934068088 Email: Creative.proclass@gmail.com . Office: Công ty TNHH MTV Việt Thị . Address: 30, đường C18, phường 12, quận Tân Bình – HCM.
Creative Class PRO I Trường đại học 6 ngày với những buổi học và bài giảng sẽ tạo ra những gợn sóng xung đột trong tâm trí và trái tim bạn, làn sóng cảm hứng bất tận, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Pro Creative Class sẽ như một cuốn sách hướng dẫn hành trình của bạn. Đây là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của tinh thần.