Tìm hiểu về Màu sắc, Âm nhạc & Cảm xúc
Art I Design_Study Tại sao, những bản nhạc tiết tấu nhanh, sôi động, nốt cao lại “nghe” giận dữ, trong khi những bài chậm, trầm lắng, nốt thấp thì “nghe” thư giãn ?
Hãy tưởng tượng bạn đang thiết kế cho poster album mới của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink. Hãy chọn ra 2 hoặc 3 màu trong bảng màu dưới đây mà bạn nghĩ phù hợp với loại âm nhạc của họ nhất.
Liệu bạn cũng sẽ sử dụng những màu sắc đó cho một album nhạc metal như Metallica? Khả năng cao là không.
Mối liên hệ giữa âm nhạc và màu sắc là một lĩnh vực tương đối mới mẻ và đầy tiềm năng. Nhưng không thể phủ nhận rằng chúng có tồn tại, âm nhạc và màu sắc ảnh hưởng đến tiềm thức và cảm xúc của bạn theo cách tương đồng với nhau.
Trong một nghiên cứu nhỏ, 30 người được nghe 4 bài nhạc và họ phải nêu những màu trong bảng màu trên mà họ nghĩ là phù hợp với bài nhạc mình đang nghe nhất. Tạm gọi 4 bài là A,B,C,D. Bạn có thể nghe thử 4 đoạn nhạc tại đây. Kết quả thu được như hình:
Đối với đoạn nhạc A, đoạn giao hưởng mang giai điệu vui vui và mạnh mẽ, đa số chọn những màu tươi sáng, rực rỡ và chủ yếu là các gam màu vàng. B cũng là giao hưởng nhưng mang giai điệu buồn bã và yếu đuối, màu sắc họ chọn cũng là những gam màu buồn (sẫm màu hơn, nghiêng về màu xám và xanh dương). C là một bài rock đầy nổi loạn từ thập niên 90, và sự giận dữ đó dường như đã khiến họ chọn các gam màu trông 'giận dữ' nhất (tông màu tối, rực rỡ, nghiêng về màu đỏ). Và cuối cùng, những màu câm, tông lạnh, chủ yếu là tông xám và xanh chiếm đa số lựa chọn đối với bài D, một đoạn nhạc mang tiết tấu chậm rãi, âm giai thứ, và tiếng đàn piano trầm lắng.
Có thể những yếu tố nhạc lý như tiết tấu, cao độ, âm lượng... đã ảnh hưởng đến cách họ lựa chọn màu sắc. Nhưng cũng có thể chính những hiệu ứng cảm xúc mà họ trải nghiệm đã dẫn họ đến những lựa chọn đó. A vui vẻ và mạnh mẽ, B buồn bã và yếu đuối, C giận dữ và mạnh mẽ, D bình thản và đôi chút buồn. Và nếu màu sắc thật sự khơi gợi những hiệu ứng cảm xúc, những người tham gia thí nghiệm có lẽ đã chọn những màu phù hợp với cảm xúc mà họ đã trải nghiệm trong lúc nghe nhất.
Hãy thử nhìn lại bảng màu và chọn ra những màu mà bạn nghĩ là vui nhất, buồn nhất, giận dữ nhất và bình thản nhất. Chúng tôi cũng đã cho những người tham gia thí nghiệm tự đánh giá mức độ vui, buồn, giận dữ và bình thản của 37 màu trong bảng. Kết quả thu được rất thú vị, bảng A chứa những màu được đánh giá 'vui' nhất, B chứa màu 'buồn' nhất, C là những màu 'giận dữ' nhất, và D chứa các màu 'bình thản' nhất. Thí nghiệm này cho thấy rằng những người tham gia đã chọn những màu sắc mà họ nghĩ rằng thể hiện cảm xúc tương tự với các hiệu ứng cảm xúc mà những đoạn nhạc mang lại cho họ.
Sau đó, chúng tôi cho những người tham gia thí nghiệm xem những biểu hiện cảm xúc khuôn mặt khác nhau, và yêu cầu họ chọn ra những màu họ thấy 'phù hợp' nhất với mỗi khuôn mặt. Và chúng tôi phát hiện ra rằng, cách họ chọn màu cho từng biểu hiện cảm xúc có điểm tương đồng đáng kinh ngạc với thang điểm đánh giá mức độ vui, buồn, giận dữ và bình thản của 37 màu trong bảng mà họ đã thực hiện trước đó. Những kết quả này càng làm rõ thêm mối liên hệ giữa cảm xúc và màu sắc, âm nhạc.
Những thí nghiệm tương tự như vậy cũng đã được triển khai tại Mexico, và nó thu được kết quả tương tự như kết quả ban đầu tại Mĩ. Điều này gợi ý rằng mối liên hệ giữa màu sắc và âm nhạc là tương tự nhau đối với những nền văn hóa khác nhau. Sau đây là vòng tròn màu sắc thể hiện những cảm xúc mà mỗi gam màu khơi gợi lên:
MÀU SẮC VÀ ĐỘ TUỔI
Không có màu sắc không phù hợp! Tuy nhiên, với mỗi nhóm tuổi sẽ ưu thích một số màu nhất định hơn. Tuy rằng lĩnh vực tâm lí học màu sắc vẫn còn mới và chưa đủ thông tin, nhưng cũng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những màu sắc nhất định sẽ tạo cảm giác tích cực cho nhóm khách hàng mục tiêu của bạn. Sau đây là những ví dụ tiêu biểu
Nhi đồng: Hình ảnh có độ tương phản màu sắc cao
Thiếu niên: Gam màu sáng hơn của những màu cơ bản và màu thứ cấp.
Trẻ vị thành niên: Ở độ tuổi này, trẻ có xu hướng thích thú và muốn thử nghiệm với những màu sắc phức tạp.
Thanh niên: Tương tự như lứa tuổi teen. Xu hướng thử nghiệm màu sắc này ngừng lại ở độ tuổi khoảng tầm 25.
Trung niên: Độ tuổi này không còn hứng thú với việc thử nghiệm màu sắc. Họ ưu chuộng những gam màu sẫm, an toàn hơn.
Người già: Những gam màu sẫm của xanh dương, xanh lá, hồng và tím. Ưu chuộng những màu lặng.
Điều tương tự cũng xảy ra với màu sắc. Phần lớn chúng ta cho rằng âm nhạc thị trường hiện tại không còn hay như trước. Nhưng sự thật phũ phàng rằng chúng ta đang già đi, và những âm thanh sôi động (màu sắc rực rỡ) mà ta từng yêu thích thời niên thiếu giờ đây không còn phù hợp với ta sau khi tới tuổi trưởng thành.
HỘI CHỨNG SYNESTHESIA (cảm giác kèm)
Bạn có khả năng nhìn thấy màu sắc khi nghe một âm thanh nhất định không? Nếu không thì rất có thể bạn nằm trong số 92,8% dân số không có cảm giác kèm (synesthesia) (Hội chứng cảm nhận hai giác quan cùng một lúc). Có nhiều biến thể của hội chứng cảm giác kèm, nhưng một trong những loại phổ biến nhất là ‘Chromesthesia’ (cảm giác kèm âm thanh - màu sắc), giúp bạn có khả năng nhìn thấy màu sắc khi nghe âm thanh. Những hình ảnh mà bạn thấy được gọi là photism (ảo giác ánh sáng), và thường nhìn giống như một màn trình diễn pháo hoa có màu sắc và gam độ thay đổi theo cung bậc âm thanh. Mỗi loại âm thanh đều có thể gợi lên những hình ảnh này, nhưng những nốt nhạc nhất định sẽ chỉ làm hiện lên những ảo giác ánh sáng tương ứng. Tương tự như vậy, những màu sắc nhất định sẽ đại diện cho những cao độ tương ứng.
Trên thực tế, đã có những nghệ sĩ nổi tiếng trải nghiệm triệu chứng này, trong đó bao gồm Vincent Van Gogh, Wassily Kandinsky, David Hockney, Leonard Bernstein và Duke Ellington. Kandinsky từng viết lại trải nghiệm của ông khi nghe vở opera Lohengrin của Richard Wagner: "Tôi thấy tất cả màu sắc trong linh hồn, ngay trong mắt tôi. Những đường kẻ hỗn loạn, gần như điên rồ được vẽ nên ngay trước mặt tôi."
Một ví dụ trích từ phim The Soloist (2009) cho thấy 'màn biểu diễn ánh sáng' phức tạp trong trí óc những người mắc hội chứng kèm. Trong trường hợp này, nhân vật chính, một nghệ sĩ đường phố, đang nghe bản giao hưởng Third Symphony của Beethoven.
Một giả thuyết cho rằng synesthesia là do sự kết nối trực tiếp giữa hai khu vực cảm giác trong bộ não, hay cảm xúc không đóng vai trò gì trong việc ra những hình ảnh mà một người mắc chứng synesthesia thấy. Nhưng cũng có có giả thuyết khác khẳng định rằng synesthesia có mối liên hệ với khu vực sản xuất những phản hồi cảm xúc trong bộ não, cũng đồng nghĩa rằng cảm xúc đóng vai trò quan trọng.
Vậy, giả thuyết nào đúng?
Để tìm ra câu trả lời, một thử nghiệm được triển khai gồm 11 người mắc chứng synesthesia và 11 người không mắc chứng đó. Tất cả bọn họ sẽ được nghe nhạc, và những người mắc synesthesia sẽ phải chọn những màu mà họ thấy ‘giống với màu mà họ đang thấy nhất’, còn những người khác sẽ chọn những màu họ thấy ‘phù hợp nhất’.
Bên trái là những lựa chọn của họ khi nghe nhạc cổ điển tiết tấu nhanh âm giai trưởng (tương tự như bài A bên trên), còn bên phải là nhạc cổ điển mang tiết tấu chậm hơn âm giai thứ (như bài B).
Những màu sắc mà những người mắc chứng synesthesia (Bảng B) đã trải nghiệm cũng gần giống với lựa chọn của những người còn lại (Bảng A), đối với cùng loại nhạc.
Nhưng điều quan trọng là liệu họ có trải nghiệm cùng một hiệu ứng cảm xúc không. Kết quả thu được được trình bày trên bảng C.
Điều thú vị ở đây rằng, hiệu ứng cảm xúc đối với người mắc chứng synesthesia cũng mạnh mẽ không kém những người còn lại ở một vài trường hợp (khi họ phải chọn giữa vui/buồn, năng động/ bị động và mạnh mẽ/yếu đuối), nhưng lại yếu hơn trong những trường hợp còn lại (trầm lắng/ sôi động và giận dữ/ không giận dữ)
Việc những người mắc chứng synesthesia cũng trải nghiệm những hiệu ứng cảm xúc cũng thể hiện rằng synesthesia, một phần nào đó, cũng liên quan đến khu vực sản xuất phản hồi cảm xúc trong bộ não.
NHÂN HÓA ÂM NHẠC
Vậy tại sao, những bản nhạc tiết tấu nhanh, sôi động, nốt cao lại “nghe” giận dữ, trong khi những bài chậm, trầm lắng, nốt thấp thì “nghe” thư giãn?
Chúng tôi vẫn chưa biết câu trả lời, nhưng có một khái niệm thú vị đáng xem xét thêm mà chúng tôi gọi là “nhân hóa âm nhạc” - âm thanh được mô tả bằng những từ chỉ cảm xúc của con người.
Lấy ví dụ, những bài nhạc tiết tấu nhanh, sôi động và nốt cao nghe có vẻ ‘giận dữ’ bởi vì con người có xu hướng di chuyển và nói chuyện nhanh hơn, cũng như nâng tông giọng lên khi họ đang giận dữ. Và con người cũng làm những điều đối lập khi họ đang bình tĩnh. Tuy nhiên, tại sao một bài nhạc sử dụng âm giai trưởng lại nghe vui vẻ hơn một bài sử dụng âm giai thứ, điều này vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Các nghệ sĩ và nhà thiết kế đồ họa có thể dùng những thông tin này để họ tùy chỉnh hệ thống ánh sáng cho những buổi diễn hay thiết kế bìa album cho các ban nhạc - để cho trải nghiệm ‘nghe’ nhạc có chiều sâu và thu hút hơn, khi mà khách hàng không chỉ nghe mà còn ‘thấy’ và ‘cảm nhận’.
Có lẽ điều quan trọng nhất mà ta thấy được từ mối quan hệ giữa màu sắc và âm nhạc này chính là vai trò trung tâm của cảm xúc trong đời sống tinh thần của chúng ta. Màu sắc và âm nhạc không có nhiều điểm chung về tính chất giác quan. Ta tiếp nhận âm nhạc qua thính giác, và nó có những tính chất là nhịp độ, cao độ, âm sắc và giai điệu. Còn màu sắc được tiếp nhận qua thị giác và có các tính chất về độ sáng, độ sinh động và sắc độ. Tuy nhiên, cả màu sắc và âm nhạc đều khơi gợi cảm xúc.
Màu sắc cũng có hình thức nhân hóa riêng. Mối liên hệ giữa màu đỏ và sự nổi giận có lẽ là vì máu của chúng ta có màu đỏ, và điều đó khiến cho khuôn mặt giận dữ có màu đỏ hơn khuôn mặt bình thản. Sự giận dữ cũng thường tạo ra bạo lực, điều dẫn đến sự đổ máu. Mối liên hệ giữa màu vàng sáng với niềm vui và màu xanh dương đậm hay xám đến nỗi buồn thì không được rõ ràng lắm, nhưng có thể là chúng bắt nguồn từ cách con người phản ứng với thời tiết. Con người nhìn chung thường vui vẻ hơn vào những ngày nắng với ánh sáng vàng rực rỡ, ấm áp, và buồn hơn vào những ngày bầu trời tăm tối, xám xịt, hay xanh sẫm.
Cảm xúc giúp chúng ta kết nối với rất nhiều điều trong cuộc sống mà ta có lẽ không để ý. Những phản hồi cảm xúc có nhiềm vụ lọc các thông tin tiếp nhận được từ các giác quan để sau đó đưa ra những hành vi nhất định phù hợp. Niềm vui thường dẫn đến sự tiếp cận và tương tác qua lại; nỗi buồn dẫn đến sự lùi bước và bị động; sự giận dữ dẫn đến những hành vi hung hãn và bạo lực; nỗi sợ dẫn đến sự run rẩy và chạy trốn.
Bộ não con người là một động cơ đa chức năng cực kì mạnh mẽ, đặc biệt là khi hệ thống và xác định mối liên hệ giữa các giác quan hoàn toàn tách biệt với nhau. Cảm xúc gần như gắn liền với tất cả mọi điều mà ta trải nghiệm, kể cả khi những trải nghiệm đó xuất phát từ những thông tin khác nhau được xử lí bởi các khu vực khác nhau trong bộ não. Tôi tin rằng khi mà cách con người phản hồi với thông tin tiếp nhận từ cách giác quan được nghiên cứu toàn diện hơn trong tương lai, thì tầm quan trọng của cảm xúc trong việc tạo ra những trải nghiệm ý nghĩa cũng sẽ được làm rõ hơn bao giờ hết.
Nguồn Tổng hợp - Bài PD