Những vết nứt là nơi ánh sáng chiếu vào
Art Wabi Sabi chính là nghệ thuật tôn vinh sự không hoàn hảo của sự vật trong triết lý và quan điểm sống của người Nhật. Với họ, mọi sự vật chỉ là thoáng qua, vô thường và không hoàn hảo. Nhưng chính từ sự không hoàn hảo, họ tạo nên những giá trị bất biến với thời gian.
Để hiểu Wabi Sabi là gì, trước hơn hết chúng ta cần biết nghĩa thực của nó. Trong tiếng Nhật, “Wabi” có nghĩa là vẻ đẹp mộc mạc bất đối xứng và không cân bằng, còn “Sabi” dùng để mô tả nét đẹp vô thường và trường tồn theo năm tháng. Có nguồn gốc từ ba dấu hiệu tồn tại trong giáo lý nhà Phật là vô thường – đau khổ – không bản ngã, Wabi Sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét mà tìm ra và tôn vinh tính tích cực bên trong chúng. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, chấp nhận bản chất vô thường của nó, từ đó cuộc sống trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Theo như triết lý Wabi-Sabi thì trên đời chẳng có thứ gì là hoàn hảo hay tồn tại vĩnh viễn, một chiếc bình vỡ cũng có vẻ đẹp riêng, một nếp nhăn cũng là cả câu chuyện nên đừng cố tìm tới sự hoàn mỹ vì nó không tồn tại. Trong khi Phương Tây luôn tìm kiếm sự cầu toàn thì Nhật Bản lại đề cao vẻ đẹp của sự thoáng qua, không quá hoàn hảo, được gói gọn giản đơn trong thuật ngữ Wabi Sabi. Wabi-Sabi là một phong cách sống giúp chúng ta tìm ra những thứ không hoàn hảo, khiếm khuyết trong cuộc sống, chấp nhận chúng để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Wabi-Sabi tập trung vào vẻ đẹp từ những thứ khiếm khuyết, một thứ tưởng chừng vô dụng, xấu xí lại có vẻ đẹp tiềm ẩn đến bất ngờ. Để giải nghĩa Wabi-Sabi là điều rất phức tạp bởi nó không để dịch được trực tiếp ra một ngôn ngữ khác. Thế nhưng, tác giả Leonard Koren, tác giả của cuốn sách về Wabi-Sabi cho rằng Wabi-Sabi là vẻ đẹp của 3 yếu tố không hoàn thiện, không vĩnh viễn và không hoàn tất. Nó hướng chúng ta tới suy nghĩ rằng chẳng có gì hoàn thiện 100%, chẳng có gì tồn tại mãi mãi và quan trọng nhất là chẳng có gì thứ hoàn hảo. Một vật phẩm Wabi Sabi được cho là đẹp khi có độ tuổi càng cao, càng mộc mạc, vỡ vụn và mang đậm tính cá nhân.
Dù cho mọi thứ có tệ hại tới mức nào, ta vẫn luôn nhìn được nét đẹp bên trong nó và dù cho mọi thứ có hoàn hảo ra sao, bên trong nó vẫn tồn tại những khuyết điểm chết người. Lấy ví dụ minh họa thì có nhiều người có nếp nhăn ở khóe mắt, trông thì xấu thậm tệ nhưng nó lại là kết quả của khoảng thời gian người ấy cười rất nhiều, hạnh phúc rất nhiều và đó chính là tác giả của những nếp nhăn kia. Trong cuộc sống bộn bề hiện tại, ai cũng đi tìm thứ hoàn hảo, thứ tuyệt vời, một thứ gì đó ta có thể tự hào mỗi khi nghĩ tới. Thế nhưng, theo triết lý Wabi-Sabi, thứ này không hề tồn tại vì đằng sau vẻ hào nhoáng bao giờ cũng là một sự thật đau lòng. Ví dụ như bạn cố gắng làm tốt công việc trên văn phòng, mọi thứ tuyệt vời khiến đồng nghiệp ngưỡng mộ, bạn sẽ chẳng có thời gian dành cho gia đình và sẽ không hiểu được sự hạnh phúc gia đình ra sao.
Nếu biết áp dụng Wabi-Sabi, nhìn mọi thứ không hoàn thiện, biết chấp nhận sự thật này ta sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và có cái nhìn rất khác về cuộc sống. Tác giả của cuốn Wabi-Sabi, Leonard Koren nói: "Hãy quên đi những thứ hoàn mỹ mà bạn vẫn thường mơ tưởng, một chiếc bình đẹp nhất cũng có vết nứt, vết nứt có thể đưa ánh sáng lọt vào. Quan điểm của Wabi-Sabi không ép bạn phải chấp nhận hay sống chung với những thứ không hoàn thiện, Wabi-Sabi nói về những thứ không hoàn thiện vì nó là sự thật, nó luôn ở đó và bạn hãy tập làm quen dần với nó đi".
Wabi-Sabi có thể giúp ích gì cho mỗi người?
Hiểu rằng trên đời mọi thứ đều không hoàn hảo
Bước đầu tiên để áp dụng Wabi-Sabi chính là bạn phải làm cho bản thân hiểu trên đời không có thứ gì hoàn hảo, hãy dành thời gian mỗi ngày tìm ra khiếm khuyết, khuyết điểm trong những thứ bạn tưởng chừng tuyệt vời nhất và tìm ra thứ hạnh phúc, tươi đẹp trong những thứ đen đủi, không tốt của bản thân.Một khi bạn nhìn ra mấu chốt của vấn đề, Wabi-Sabi sẽ bắt đầu giúp ích được cho bạn. Mọi thứ đều không hoàn hảo, chỉ thế thôi.
Hãy áp dụng Wabi-Sabi và tìm ra vẻ đẹp sau những sự bất hạnh đó, dành cho mình thời gian để biết trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp sinh ra từ bất hạnh này. Chân lý của Wabi-Sabi chính là đề cao vẻ đẹp của những thứ độc đáo, từ một vết nứt trên chiếc bình đắt tiền hay một đầu việc bạn làm chẳng ra đâu vào đâu.
Tôn trọng bản thân và tôn trọng những gì mình có
Nhớ về ví dụ nếp nhăn bên trên chứ? Đừng lo nếu nó làm khuôn mặt bạn kém hấp dẫn, hãy nhớ rằng nó là kết quả của khoảng thời gian dài hạnh phúc mà bạn có được, nó chính là vẻ đẹp của sự hạnh phúc chứ không phải khiếm khuyết trên cơ thể.
WABI SABI VÀ NGHI THỨC TRÀ ĐẠO TRUYỀN THỐNG
Năm 1199, nhà sư người Nhật Eisai trở về từ Trung Quốc với ý định dựng nên ngôi đền Phật giáo Thiền Tông đầu tiên tại đất nước của mình. Khi trở về, Eisai mang theo một túi trà xanh và giới thiệu với mọi người về cách thức pha trà – được cho là phong cách trà đạo sớm nhất ở Nhật với cái tên “Tencha”. Về sau, loại trà này được dùng trong các nghi lễ tôn giáo ở các tu viện Phật Giáo, nhất là trong thời gian thiền định, khi các nhà sư dùng nó như biện pháp khơi dậy sự tỉnh táo. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nghệ thuật trà đạo đã còn được sử dụng trong nhiều dịp khác nhau như các cuộc buổi gặp gỡ của giới thượng lưu. Nhiều quý tộc, thương nhân giàu có đã tổ chức các buổi tiệc trà nhằm giới thiệu vật dụng và loại trà đắt tiền mà họ nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 1488 tại Kyoto, nhà sư Murata Juko hết sức bất bình trước sự sai lệch này, ông muốn định nghĩa lại về nghệ thuật uống trà. Ông đã biên soạn tài liệu Kokoro no fumi (Lá thư của trái tim) với nội dung viết về một buổi lễ trà dựa trên tư tưởng của triết lý Wabi Sabi. Bên cạnh phong cách uống trà thư thái, ông khuyến khích mọi người sử dụng vật dụng bằng đá mòn hoặc men được tạo ra từ những nghệ nhân Nhật Bản.
Bằng nỗ lực và niềm đam mê, Murata Juko không những đã mang “trà đạo đúng” về lại với quê nhà, ông còn lan rộng nó đến tất cả các tầng lớp trong xã hội. Tinh thần ấy cũng được tiếp nối và gìn giữ tới tận hôm nay qua các chương trình dạy về trà đạo tại nhiều ngôi trường lớn theo truyền thống của Sen no Rikyu – “bậc thầy trà đạo”. Tại các lớp học này, RiKyu dạy và hướng dẫn cách kết hợp phong cách Wabi Sabi theo một hình thức mới của lễ trà. Ông tập trung vào các dụng cụ đơn giản, bình nấu trà cùng các yếu tố liên quan. Một trong những nét mới đáng chú ý là bát đựng trà được làm theo thiết kế gốm Raku – hiện thân của tinh thần Wabi Sabi.
Wabi Saki và gốm Raku Yaki
Raku trong tiếng Nhật có nghĩa là thoải mái, nhẹ nhàng, là một dòng gốm cổ Nhật từ những năm 1550. Raku thường được dùng trong các nghi thức về trà đạo truyền thống. Gốm Raku Yaki được làm theo cách thức thủ công ngày xưa, được nặn bằng tay hoàn toàn thay vì có sự hỗ trợ của bàn xoay gốm. Nói về sản phẩm bát đựng trà theo tinh thần Wabi Sabi, sau các công đoạn định hình, sản phẩm sẽ qua quá trình nun gốm ở nhiệt độ thấp (tầm 1.000 độ) trong khoảng 50 phút, sản phẩm được lấy ra khỏi lò một cách đột ngột và được đặt vào thùng có chứa vật liệu cháy như mùn cưa, lá khô… để sản phẩm có thể nguội nhanh sau khi mở lò. Phương pháp này dẫn đến kết quả gốm tuy nhanh thành hình nhưng lại thiếu lớp tráng men. Để tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm, các nghệ nhân có thể dùng các kỹ thuật như chống sáp, men nứt, men đồng hoặc sơn màu đen mờ. Trong một số trường hợp, người thợ làm gốm còn gắn thêm những sợi lông ngựa trên sản phẩm của mình và đưa vào lò, để tạo ra những họa tiết bất qui tắc trên đồ gốm.
Wabi Sabi và phong cách kiến trúc Nhật Bản
Không chỉ đáng chú ý ở lĩnh vực gốm sứ, tinh thần Wabi Sabi còn nổi bật trong kiến trúc nội thất với tư tưởng chủ đạo là tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất vốn có của mọi vật. Kiến trúc Wabi Sabi là sự mộc mạc, gần gũi, dễ chịu được kết hợp từ các yếu tố kiểu dáng, kết cấu không gian, chất liệu và màu sắc.
Với nguyên tắc chú trọng sự tối giản, các thiết kế Wabi Sabi mang đường nét đơn giản, hạn chế tối đa việc uốn, nắn, có thể thay đổi theo mục đích của người dùng miễn sao thể hiện đầy đủ công năng của sản phẩm. Về không gian, ánh sáng, Wabi Sabi chú trọng tạo nhiều khoảng trống, nhưng mỗi khoảng trống đều mang “ý đồ” riêng của tác giả. Tất cả đều được tính toán cẩn thận để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng như để gió có thể tràn vào mọi ngóc ngách, nhằm tạo không gian kiến trúc thoáng đoãng, dễ chịu. Gỗ, đá, vải vóc, kim loại thô là những chất liệu được ưa chuộng trong các thiết kế mang phong cách Wabi Sabi. Bên cạnh đó, Wabi Sabi thường bỏ qua công đoạn gia công nhằm tránh làm mất đi nét đẹp tự nhiên của các chất liệu này. Về màu sắc, các thiết kế mang tinh thần bất toàn thường sử dụng các tông màu mang nét trầm tĩnh, sâu lắng và nhẹ nhàng có trong các chất liệu như nâu, vàng nhạt, xám, trắng. Dù không có màu sắc nào nổi trội, nhưng chúng tạo nên một tổng thể hài hòa và thanh thoát cho các không gian kiến trúc.
Vẻ đẹp lý tưởng theo quan niệm của người Hy Lạp cổ, nền móng chủ yếu của quan điểm về thẩm mỹ của phương Tây, đề cao sự hoàn hảo cân xứng và không tì vết. Triết lý wabi sabi đề cao vẻ đẹp của bản chất. Những vết nứt trên tách trà cũ được nhìn nhận là tài sản thay vì là khiếm khuyết. Theo lời tác giả Robyn Griggs Lawrence của quyển sách Simply Imperfect, “Wabi-sabi là một cách nhìn khác, một tư duy khác. Đó là thật sự chấp nhận rằng ta có thể tìm thấy cái đẹp trong bản chất của mọi thứ.”
Nhưng wabi-sabi không chỉ là một cách nhìn, mà còn là “một lối sống biết trân trọng và chấp nhận sự phức tạp đồng thời đề cao sự đơn giản,” như Richard Powell đã viết trong quyển Wabi-sabi Simple.
Nguồn Medium.com và Internet - Bài Chip Phan
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.