New Zealand huyền ảo & những điều kỳ diệu
Travel Khu làng huyền ảo nhất khi trời chiều buông xuống, nắng chiếu xiên qua thời gian chạm vào những đồ vật lánh lánh. Xa xa là quang cảnh kỳ diệu, hồ nước lọt giữa đường đất uốn lượn theo bố trí của mỗi khu nhà, sự uyển chuyển và nhịp nhàng của quanh cảnh và vật, núi, đồi và cây cổ thụ, nơi cánh rừng khuất sau những rặng cây và lối đi khi dời khỏi ngôi làng.
Nơi đầu tiên tôi đến là khu trang trại nhà Alecxandre, được đoàn làm phim The Hobbit "Chúa tể của những chiếc nhẫn" chọn để thực hiện những cảnh quay và tái hiện ngôi làng nhỏ của các chú lùn, với những ngôi nhà xây nửa nổi, nửa chìm trong lòng đất, từ đó một câu chuyện cổ tích bắt đầu cho chuyến đi New Zealand.
Nhắm mắt và hình dung khu rừng và những cây thông vĩ đại, đứng dưới những tán lá, nhìn những cành thông vươn ra nhiều phía nhưng vẫn ôm lấy thân cây to lớn, mới thấy mình đúng đã lạc vào xứ thần tiên. Những đàn cừu thong thả nhai cỏ trên triền đồi mênh mang, vắt từ dải này tới dải khác, nắng hút cả tầm mắt, màu nắng nhẹ nhàng bải hoải cả buổi chiều muộn, nơi những chú bò cũng lững thững thả đồi theo tiếng gọi của chủ nhân. Một lối mòn dành cho xe ngựa kéo để đi vào khu nhà của Hobbit, vẫn gạch đá và đường đất, cảm giác như Gandalf vừa đánh xe qua đây. Hít thở mùi cỏ, sương còn đọng trên những tán cây, cành hoa và lối cỏ trang trí trước mỗi ngôi nhà. Tôi thấy mình giống như Alice in Wonderland, nhỏ bé và hồi hộp, được khám phá khu làng, mỗi luống cây trồng lấy trái như Bí, củ dền, trái lê, táo... Những dụng cụ "làm ăn" của các chú lùn, dây phơi quần áo còn phất phơ trước gió. Mọi thứ đều xinh xinh, và hình ảnh các chú lùn sinh sống nơi đây tái hiện thật sống động, thần kỳ. Khu làng huyền ảo nhất khi trời chiều buông xuống, nắng chiếu xiên qua thời gian chạm vào những đồ vật lánh lánh. Xa xa là quang cảnh kỳ diệu, hồ nước lọt giữa đường đất uốn lượn theo bố trí của mỗi khu nhà, sự uyển chuyển và nhịp nhàng của quanh cảnh và vật, núi, đồi và cây cổ thụ, nơi cánh rừng khuất sau những rặng cây và lối đi khi dời khỏi ngôi làng. Chúng tôi ăn trưa ở nhà chung, sau hồ nước, thử loại bia gừng nổi tiếng xứ này, đầu miệng nếm một mùi vị thanh ấm và nhẹ nhàng.
Chiều tối thì lên xe tới Rotorua, thành phố nhỏ bé nằm trên miệng núi lửa, những ngôi nhà thấp và đường phố sạch sẽ tinh tươm, và câu chuyện về người Maori khoẻ mạnh thần kỳ, tự tin bảo vệ nòi giống và phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần đặt đồ ăn sống dưới lòng đất 1m là thức ăn được nấu chín, và núi lửa Geyser còn phun cao hơn 3m khi chúng tôi tới nơi. Cái gì đẹp có lẽ không dễ dàng gìn giữ, nên ngọn núi lửa này được bảo vệ nghiêm ngặt, từ khu vực check in tới nơi Geyser đang đùa giỡn, thiên nhiên và nham thạch quanh đó như một miền đất hoang lạ, chưa có người đặt chân tới. Màu nắng và màu suối xanh ngắt kỳ ảo và diệu vợi, lạc vào làn khói toả ra từ 3m phun cao của núi lửa. Chính phủ đã theo dõi hoạt động và đảm bảo sự an toàn cho du khách, núi lửa phun 1 lần gần như nhấn chìm thành phố vào năm 1886, sau đó thì hiền hoà chung sống với thiên nhiên tươi đẹp và muông thú của Rotorua cho tới nay.
Kiwi là giống chim quí và cũng là biểu tượng đất nước. Có một khu bảo tồn loài chim này và những cây dương xỉ lá bạc, mọi sự gìn giữ đều rất cẩn thận, che chở và sống còn để chúng tồn tại thuần chủng.
Bữa tối được chuẩn bị là thức ăn được nấu chín dưới lòng đất, cùng với thực phẩm rất tươi từ hệ mặt trời này: như thịt cừu thịt bò và nấm, cùng cơn đói dù dịu dàng thì cũng đủ nhấn chìm nỗi sợ hãi về việc ăn nhiều trong bữa tối. Trước đó tôi hồ hởi được gặp người Maori, cao thước 8-9, rắn rỏi và vạm vỡ nhưng hiền lành, và lại còn giữ được thể chất và tinh thần như huyền thoại: lạnh lùng nhưng nồng ấm và ít nói. Họ biểu diễn điệu múa chào khách thật đặc biệt: sự khảng khái của cư dân sống trên núi lửa hét và lè lưỡi thật dài, trợn đôi mắt có vẻ hung dữ, nhưng lại múa hát cùng nhịp điệu cực kỳ cuốn hút, cơ thể nở nang của cả nam và nữ trong trang phục được làm từ lá cây tước thành sợi, kết và nhuộm theo màu sắc truyền thống, rất đẹp và nhuốm màu huyền thoại, nhất là khi kết thúc tiếng Kèn vang lên, từ tù trưởng. Tục chạm mũi nhau để biểu thị mối liên kết, bạn bè hay vợ chồng, thâm giao hay quen sơ ở số lần chạm. Tối muộn sau khi nằm dài bên cạnh miệng núi lửa dưới những vì sao, khói vẫn âm ỉ lan toả, cơ thể được bao bọc bởi khí ấm từ dưới lòng đất, một trải nghiệm khó quên vào tối mùa đông 5 độ C. Và bạn sẽ còn sốc hơn nếu tắm khoáng vào lúc 9h tối ở Polynesian Spa. New Zealand nổi tiếng với Spa và các dịch vụ điều trị sức khoẻ từ khoáng và bùn. Nếu như Việt Nam tạo cảm giác sạch sẽ và an toàn như ở đây, chúng ta cũng sẽ thu bội tiền với dịch vụ kiểu này. Và một buổi đêm ngon giấc nồng sau khi cả cơ thể được ngâm trong nước khoáng nóng 40-60 độ C, sau đó xối lại nước lạnh rồi về ngủ.
Bay tới Wellington từ Rotorua lại thêm được một trải nghiệm thú vị cùng hãng hàng không Air New Zealand: phi công điêu luyện đã tiếp đất cực nhẹ nhàng, dù trời đầy mây và gió thổi mạnh. Wellington là thành phố của những cơn gió vì vậy mà chỉ có số ít cơ trưởng được lái máy bay tới đây, phải bài bản và có kinh nghiệm, mới có cơ hội này. Thủ đô với những nhà trắng xếp hàng dài, nhấp nhô bên cạnh vịnh biển xanh và đẹp. Ngọn sóng ánh lên màu nắng biển, hải âu chao lên lượn xuống đầy bầu trời.
Thành phố đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt, vì vậy mà gió đã thổi mạnh vào lúc máy bay hạ cánh. Nên vẻ u hoài của nó và sự đón tiếp nồng hậu của các chủ nhân của những món ngon vùng miền được chọn để giới thiệu đã xoa dịu nỗi buồn nhè nhẹ về thời tiết.
Hạ cánh xuống Wellington hơi có chút căng thẳng do trời gió to, nhưng phi công Air New Zealand đã tiếp đất nhẹ ru, sau đó là 1 ngày lang thang khắp thành phố, thử mứt, trái cây, hoa tươi, bánh, phô mai từ Moore Wilson's, cafe từ Havana Coffee Works, chocolate từ Wellington Chocolate Factory, Kem Gelissimo Gelato, uống bia tươi tự nấu (craft beer), và thử thịt trừu, hải sản… xem triển lãm của nghệ sĩ đương đại Francis Upritchard: Jealous Saboteurs: trưng bày ở City Gallery Wellington - Comtemporary of Art. Một liên hoan phim quốc tế diễn ra ngay sau thời gian tôi dời nơi đây và những hoạt động thường ngày của thành phố khiến nó sôi động trở lại trong hành trình của cả đoàn khám phá New Zealand từ Việt Nam.
Sự sáng tạo của người dân Wellington nói riêng và New Zealand nói chung đã biến thói quen ăn uống thành nghệ thuật ẩm thực. Người New Zealand quá yêu và tự hào về sản vật, con người và đất nước của họ, từ câu chuyện thể thao đến những truyền thuyết về cư dân lập nghiệp, về trồng trọt và nghệ thuật giải trí. Nhà nước bảo hộ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt ưu tiên khi sử dụng nguyên liệu và nhân công địa phương, như trái cây làm các loại mứt, vang từ những cánh đồng nho, café từ hạt trồng từ đất mẹ, len được làm từ lông trừu, dầu oliu và các sản phẩm homemade, theo mô hình kinh doanh nhỏ để đảm bảo chất lượng. Vì vậy kinh tế phát triển và con người họ hạnh phúc khi sống ở đất nước của mình. "Love Local Brand" là thái độ sống chứ không phải là thói quen nữa.
Riêng với Wellington, thành phố hoàn toàn xứng đáng với vị trí hạng hai trên danh sách những thành phố có giá trị cuộc sống tốt nhất thế giới năm 2016, chỉ sau thủ đô Canberra của Úc. Đó là theo Quality of Life Index giữa năm 2016 của numbeo.com.
Tôi đã đến một đất nước đẹp tuyệt vời và mỗi khi nhắc đến New Zealand tôi được truyền cảm hứng rất nhiều để làm việc nhiều hơn cho đất nước thân yêu của mình.
Bài và ảnh HuongColor