Air New Zealand bay thẳng từ Việt Nam tới đất nước ở tận cùng cực nam Địa cầu
Travel Vào lúc 20 giờ một ngày trung tuần tháng 7, một máy bay phản lực Boeing 767-300ER với hình ảnh nhành lá dương xỉ bạc nơi cánh đuôi đứng lướt nhanh trên đường băng Tân Sơn Nhất rồi tung mình lên cao trong bầu trời đêm. Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá New Zealand.
New Zealand hoàn toàn xa cách thế giới còn lại nhưng lại có lực hút mạnh nhờ có dư thừa những vật phẩm chất lượng cao từ thiên nhiên và những tác phẩm nghệ thuật có đóng góp lớn cho doanh thu của Hollywood.
Chiếc B767-300ER có gắn sharklet cong vút ở đầu hai cánh lớn kể trên là của Air New Zealand, hãng bay chính của New Zealand mà người Việt trước đây quen gọi là Tân Tây Lan. Kể từ đầu tháng 6.2016, Air New Zealand sử dụng máy bay này ở tuyến bay non-stop kết nối Auckland với TP. Hồ Chí Minh. Máy bay có thiết kế 24 ghế hạng thương gia và 206 ghế hạng phổ thông.
Công bằng mà nói, đây là kiểu máy bay thân rộng, hai lối đi thuộc loại “cổ” nhưng thuộc dòng 767 của nhà sản xuất Boeing từng có thời huy hoàng, giữ vai trò máy bay tầm xa hàng đầu của nhiều hãng hàng không quốc tế, trong đó có cả Vietnam Airlines (thuê các chiếc 767-200ER khai thác những đường bay đến Úc, Pháp, Đức... vào thời kỳ trước khi mua được B777-200ER).
Và nếu phải bay trực tiếp ở chặng bay kéo dài khoảng 11 tiếng giữa Việt Nam và New Zealand mà ngồi ghế hạng thương gia của chiếc 767-300ER “cũ” cũng vẫn sướng hơn ngồi ghế phổ thông. Số 24 ghế hạng C trong cabin phía đầu mũi được thiết kế theo từng cặp đôi, mỗi hàng ba cặp. Đây chưa phải là loại ghế có thể bấm nút trải thành giường dài 180 cm, phẳng 180 độ so với mặt sàn và màn hình cá nhân cũng còn khá khiêm tốn nếu so với những ghế-giường trên các chiếc B777-300ER và B787-9 của Air New Zealand hiện nay. Nhưng đó cũng là những ghế bọc da mềm, rộng rãi. Hàng triệu lượt hành khách cũng đã từng yên vị, hưởng nhàn ở các chuyến bay xa trên những chiếc ghế như thế này.
Nhưng điểm son của Air New Zealand, một hãng hàng không 4 sao theo bảng chấm điểm của Skytrax, là ở khâu phục vụ, thái độ phục vụ và sản phẩm được phục vụ trong chuyến bay. Ngay sau khi máy bay đạt độ cao và vận tốc phi hành, hai nữ tiếp viên xinh đẹp trong bộ đồng phục màu hồng tím với những họa tiết gợi nhớ hình tượng khắc chạm của thổ dân Maori, những cư dân đầu tiên của New Zealand, đến chào hỏi từng hành khách thật niềm nở, ghi nhận các yêu cầu về thức uống khai vị trước khi dùng bữa tối chính.
Champagne luôn là thức uống khai vị lý tưởng cho chuyến bay xa trong màn đêm. Chúng tôi chọn trước nhất một ly vang trắng sủi tăm Deutz Marlborough Brut (hợp tác của nhà Champagne Deutz, Pháp với nho Pinot Noir của New Zealand) và sau đó là một ly Charles Heidsieck Brut Reserve, một nhãn champagne thực thụ của Pháp. Phải khen rằng hãng đã khéo chọn kiểu ly để phục vụ champagne và vang trắng sủi tăm. Đó là kiểu ly thon, không quá cao lêu khêu như các kiểu ly flute thường dùng để uống champagne khi ở trên mặt đất bình thường, phần đế tiếp cận vững vàng với mặt bàn. Kiểu lý này có vẻ “bay an toàn” hơn.
Một điều thú vị khi bay liên lục địa với Air New Zealand là hành khách được dịp thưởng thức đủ các loại vang trắng, vang đỏ hảo hạng của New Zealand. Vì thế ly vang trắng làm với giống nho Sauvignon Blanc thu hoạch ở vùng Marlborough phía đầu trên của đảo Nam (New Zealand gồm hai đảo lớn, gọi là đảo Bắc và đảo Nam) dùng với món cá baramundi áp chảo thật hài hòa. Vang trắng làm với nho Chardonnay thì rất hợp với món gà quết mật ong rán theo kiểu Việt Nam. Còn món bò phi-lê nướng kết hợp thật lý tưởng với chai vang đỏ làm với nho Pinot Noir. Thực đơn có ghi rõ rằng mỗi năm, Air New Zealand phục vụ hành khách bay khoảng 650.000 chai vang sản xuất tại New Zealand.
Món ăn chính, theo yêu cầu trước đó của hành khách, được nữ tiếp viên hâm nóng và mang đến cho từng người. Như thế hay hơn - vì thức ăn đến với khách còn rất thơm nóng - cách thức bày lên xe đẩy đủ loại món chính rồi để từng khách chọn.
Ghế không trải thành giường, màn hình cá nhân còn khiêm tốn nhưng hệ thống giải trí trong chuyến bay của chiếc B767-300ER của Air New Zealand thuộc loại hiện đại, nhanh lẹ chuyển dịch sau cảm ứng từ cái ấn đầu ngón tay. Và cũng có đủ loại phim để mãn nhãn trong chuyến bay đêm đối với những ai khó ngủ khi bay. Nhờ vậy, hành trình bay 11 tiếng trên không nhanh chóng trôi qua (nhờ cố ngủ được khoảng hơn 4 tiếng), chúng tôi đến sân bay quốc tế Auckland lúc 13 giờ 30 trưa ngày hôm sau, theo giờ địa phương.
Hồi đầu tháng 6.2016, ở lễ khai trương đường bay mới kết nối Việt Nam với New Zealand, ông Cam Wallace, Giám đốc Bán hàng và Thương mại của hãng từng xác nhận với chúng tôi rằng Air New Zealand chỉ còn lại hai chiếc 767 và sẽ cho giải thể khỏi đội máy bay của hãng vào cuối năm nay. Sang năm mới 2017, đường bay Auckland -TP. Hồ Chí Minh sẽ được phục vụ bởi máy bay tân tiến B787-9.
Từ nay đến ngày 29.10.2016, đường bay mới này giúp hành khách đi lại giữa Việt Nam - New Zealand được nhanh lẹ, thoải mái hơn so với những hành trình lâu nay khá phức tạp, kéo dài vì phải trung chuyển tại Singapore và tại Sydney, Melbourne hoặc Hồng Kông với các hãng Singapore Airlines, Qantas Airways, Cathay Pacific. Ngoài ra, đường bay trực tiếp Auckland-TP.HCM cũng thuận lợi cho hành khách từ New Zealand bay nối chuyến tiếp đến Paris, Frankfurt, London, Moscow...Air New Zealand được khen là hãng hàng không bay đúng giờ, đạt mức an toàn cao và rất sáng tạo. Thí dụ điển hình là những thước phim nhắn nhủ hành khách tuân thủ các quy định an toàn trong chuyến bay được thực hiện theo các chủ đề nổi tiếng, chẳng hạn như các phim Hobbits, Men in Black... và từ ngày 21.7.2016 là phim nhái theo các phim ảnh Hollywood.
Hãng hàng không chào đời cách nay 76 năm này đã không chỉ nhiều năm liền dẫn đầu danh sách những thương hiệu được tin cậy, yêu mến nhất tại đất nước New Zealand mà còn đạt nhiều vinh dự lớn khác ở tầm mức quốc tế. Hồi tháng 12.2015, Air New Zealand lần thứ ba liên tiếp được airlineratings.com, một website chuyên nghiên cứu, đánh giá về mức độ an toàn và sản phẩm hàng không, vinh danh là Hãng hàng không của Năm. Ngoài ra, một giải danh giá khác là Giải Lữ hành Thế giới 2015 (World Travel Awards) - được xem như giải Oscar của ngành vận chuyển hàng không thế giới - Hãng Hàng không khu vực châu Úc - châu Á xuất sắc nhất cũng thuộc về Air New Zealand.
Bài và ảnh P.Nguyễn Dũng