Hiện trạng du lịch bền vững tại Maldives
Travel Maldives không hổ danh là thiên đường biển cùng cảnh vật đẹp lung linh và những loài sinh vật biển rực rỡ sắc màu. Với ngành công nghiệp du lịch phát triển mạnh mẽ như vậy, họ đã bảo tồn rạn san hô nổi tiếng của mình và những món quà mà thiên nhiên ban tặng như thế nào?
Du lịch là một khái niệm xa lạ đối với Maldives cho tới tận những năm 1970, nhưng kể từ năm 2007, hơn tám triệu khách tham quan đã đến thăm Maldives và ngành du lịch chiếm 28% GDP.
Để giúp giảm thiểu thiệt hại môi trường từ hơn một thập kỷ đẩy mạnh ngành công nghiệp du lịch, rất nhiều trong số 100 khu nghỉ dưỡng khách sạn đang có những nước đi đúng đắn để đảo quốc xinh đẹp này trở nên bền vững hơn, giảm rác thải nhựa và bảo tồn hệ sinh thái biển. Các vị khách tham quan cũng được yêu cầu làm điều tương tự, để các hòn đảo và các rạn san hô xung quanh có thể được bảo tồn hàng thế kỷ sau.
Tái chế nhựa, tái sử dụng thủy tinh
Nhựa là một trong những mối hiểm họa lớn nhất đối với môi trường, những mảng nhựa trôi bập bềnh trên biển làm tắc nghẽn các bãi biển hoặc chúng có thể xâm nhập vào dạ dày các loại cá, chim và động vật có vú dưới dạng những tinh thể nhựa li ti.
Để giảm tải lượng rác thải nhựa, một số khu nghỉ dưỡng trên đảo có các khu vực tái chế riêng. Ví dụ, Furaveri Island Resort & Spa có một nhà máy đóng chai nước tại chỗ, đã hoạt động hơn hai năm qua. Với trữ lượng ấn tượng: 360 tấn, các nhà máy trên có trách nhiệm tái sử dụng các chai thủy tinh, và sau đó chuyển đi để phục vụ trong các nhà hàng và phòng khách của khách sạn. Bước tiếp theo là sản xuất ra những mẫu chai thủy tinh cỡ nhỏ để khách mang theo trong những chuyến du ngoạn thay cho các chai nước bằng nhựa thông thường.
Nhà máy đóng chai thủy tinh tại Furaveri
Conrad Maldives Maldives Rangali cũng tìm được lối đi của riêng họ: từ mùa hè 2019, họ đã hợp tác với mạng lưới môi trường Parley for the Oceans bằng cách gửi chất thải nhựa của họ để tổ chức trên sử dụng làm túi tote. Sau đó, những chiếc túi này được bán lại cho khách, và số tiền thu được sẽ được dùng để hỗ trợ cho dự án loại bỏ rác thải nhựa ở đại dương của tổ chức Parley Global Clean Up Network
Không dừng lại ở đó, Conrad Maldives còn cam kết sẽ cấm tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào tháng 1 năm 2020.
Bảo tồn hệ sinh thái san hô
Trong năm 2015 và 2016, các rạn san hô ở Maldives đã phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp từ hiện tượng tẩy trắng san hô: nhiệt độ nước biển tăng lên khiến các polyp san hô phải trục xuất tảo sống bên trong các mô của chúng. Điều này khiến san hô chuyển sang màu trắng, và nhiều trong số chúng bắt đầu chết đói sau khi tẩy trắng và cuối cùng là chết.
Nhiều sinh vật biển phụ thuộc vào san hô để kiếm thức ăn và sinh sống, do đó tình trạng này có thể gây tác hại khủng khiếp tới hệ sinh thái biển.
Các bạn trẻ đang gắn san hô sống vào khung
Hơn 60% san hô ở Maldives đã bị phá hủy bởi hiện tượng tẩy trắng, nhưng vẫn còn đó hi vọng phục hồi những rạn san hô này. Rất nhiều dự án bảo tồn san hô ở Maldives đang làm hết sức để khôi phục lại món quà thiên nhiên của đảo quốc.
Conrad Maldives đã đầu tư vào một dự án bảo tồn san hô dài hạn bằng cách đặt hàng chục khung san hô (được hình thành bằng cách buộc các mảng san hô sống vào khung kim loại) trong đại dương. Trong vòng bốn đến năm năm, san hô sẽ tái sinh, sinh sản và lan sang các rạn san hô khác, tạo ra hệ sinh thái mới có lợi cho tất cả các sinh vật biển.
Giải cứu các loài sinh vật biển
Maldives đã có những quy định đánh bắt rất nghiêm ngặt để duy trì nguồn cá và bảo tồn các rạn san hô - thực tế việc đánh bắt rạn san hô bị nghiêm cấm trong các khu bảo tồn biển.
Tuy nhiên, điều tương tự lại không xảy ra ở một số quốc gia láng giềng giáp Ấn Độ Dương. Kết quả là lưới đánh cá của họ, hay “lưới ma”, bị dòng nước mạnh cuốn vào Maldives, bẫy tất cả các loại sinh vật biển bao gồm cá heo, rùa xanh và đồi mồi - chủng loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Các trung tâm cứu hộ rùa đã xuất hiện khắp Maldives trong những năm gần đây, và hồi tháng 2 năm 2017, Dự án Oliver Ridley đã mở một Trung tâm cứu hộ rùa biển hợp tác với Coco Collection ở Baa Atoll. Đây là trung tâm cứu hộ rùa biển được trang bị đầy đủ đầu tiên ở Maldives với phòng thí nghiệm, khu chụp x-quang, phòng siêu âm và các cơ sở phẫu thuật hiện đại nhất, cũng như một bác sĩ thú y rùa toàn thời gian sinh sống tại đó. Trung tâm cứu hộ trên có khả năng chứa tối đa tám ‘bệnh nhân’ rùa một lúc.
Chúng ta có thể làm gì?
Tại Coco Bodu Hithi Resort, khách có thể nhận nuôi một chú rùa và hỗ trợ Dự án Oliver Ridley. Chúng tôi đã may mắn được trải nghiệm cảm giác lặn biển dọc theo rạn san hô và gặp Monty, một chú rùa may mắn đã được cưu mang tại đây. Chính cảm giác tự thân hòa mình với những sinh vật xinh đẹp nơi đây mới giúp ta hiểu rõ được sự quan trọng của nền du lịch bền vững.
Trải nghiệm cảm giác bơi kế bên loài đồi mồi chỉ có tại Maldives
Song song việc đóng góp cho các chương trình cộng đồng như Dự án Oliver Ridley, hãy thử hòa mình vào văn hóa địa phương và tìm hiểu về lối sống của họ. Làm quen với người dân nơi đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình yêu của họ với quê hương và tình trạng cấp bách của cả rạn san hô và thiên đường biển Maldives.
Nhiều hòn đảo, bao gồm Furaveri, Coco Bodu Hithi và Conrad Maldives còn cung cấp các chuyến du ngoạn địa phương nơi bạn có cơ hội gặp gỡ, làm quen với những gia đình địa phương trong khi tham quan.
Nguồn The Travel Magazine - Bài PD
FASHIONNET là một ngôi nhà lạc quan, sống động nhưng tràn đầy cảm xúc, với sự ấm áp, thân tình. Fashionnet, nơi chiếu những bộ phim tuyệt vời, những buổi gặp gỡ yêu thương củanhững người yêu nghệ thuật, champagne, trà và lụa. FASHIONNET là thời trang, làm đẹp, nhiếp ảnh, hội họa là một nguồn vui sống tích cực và sinh động, vì phụ nữ hạnh phúc thì thế giới mới tốt đẹp. Fashionnet tại 7 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phưòng Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 093 406 8088