288
04 Tháng 08 11:31 am

Cai Guo-Qiang - Nghệ sĩ pháo hoa vươn tới bầu trời

 Nghệ sĩ đương đại Cai Guo-Qiang là người đầu tiên đưa thuốc nổ vào thế giới nghệ thuật đương đại. Các tác phẩm tranh thuốc súng quy mô lớn, hay những buổi trình diễn pháo hoa hoành tráng của ông đã vượt khỏi các ranh giới về văn hóa, đặt dấu ấn của văn hóa Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung vào lịch sử nghệ thuật hiện đại.

 
Các tác phẩm ấn tượng nhất của ông có thể kể đến là buổi trình diễn khai mạc Olympic Beijing 2008; chiếc thang thuốc nổ cao 500m bắt thẳng lên bầu trời; và hàng loạt những bức tranh thuốc súng độc đáo, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nghệ thuật. Các tác phẩm của ông được trưng bày ở nhiều bảo tàng, trong đó buổi triển lãm tại Bảo tàng Guggenheim ở New York đã thu hút lượng khách tham quan kỉ lục lúc bấy giờ.
 
Đảo lộn ý tưởng thế nào là nghệ thuật
 
Chân dung Cai Guo-Qiang
 
Cai Guo-Qiang sinh năm 1957 tại Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bố ông là một nhà viết thư pháp và là một họa sĩ truyền thống nổi tiếng tại địa phương, làm việc ở một tiệm sách.  Điều này giúp ông sớm được tiếp cận văn học phương Tây cũng như các hình thức nghệ thuật Trung Quốc cổ điển, đặc biệt là thư pháp.
Tranh thuốc súng 'Chaos in Nature', 2012
 
Vào quãng thời gian niên thiếu, Cai đã chứng kiến cũng như bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những tác động xã hội sâu sắc do cuộc Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976). “Đó là thời kỳ kiến thiết, man rợ, tàn bạo trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Không ai thoát được nó mà lành lặn.” Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung nhận định. Bố của Cai Guo-Quiang, người luôn dành hết số tiền lương của mình để mua sách về tích trữ, đã bị ép buộc phải đốt hết gia tài kiến thức quý báu đó. “Cả nhà đốt sách suốt ba ngày đêm,” Cai hồi tưởng. Tuy nhiên, điều đó không làm dập tắt đi niềm đam mê với nghệ thuật của Cai sau này.
 
Illusion II: Explosion Project, Berlin, 2006
 
“Khi còn trẻ, tôi rất nhút nhát và cẩn trọng. Tác phẩm của tôi chịu ảnh hưởng thái quá từ bố tôi, tuân theo mẫu thức truyền thống tương tự. Tôi đã tìm một nguồn năng lượng để ngắt đoạn dòng nghệ thuật ấy.” Đó cũng là khi Cai bén duyên với chất liệu sau này trở thành đặc trưng nghệ thuật của ông, thứ đã tạo sự ‘bùng nổ’ trên thị trường nghệ thuật đương đại quốc tế, và đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao: thuốc nổ.
 
“Thuốc nổ rất khó kiểm soát, vì vậy mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với nó như mối quan hệ hẹn hò vậy: vô cùng khó đoán”
 
Thuốc nổ là một thứ không quá lạ lẫm ở quê hương của Cai. Trung Quốc cũng chính là nơi vật liệu này lần đầu tiên được điều chế ra, và sau này thường xuyên được sử dụng trong những dịp kỉ niệm. “Hồi trẻ, tôi rất sợ tiếng nổ và pháo hoa. Điều này cũng thúc đẩy tôi khám phá bản chất của nó.” 
 
Fallen Blossom
 
Ban đầu Cai thử nghiệm với việc dùng thuốc súng đặt lên tranh rồi kích nổ, khiến chúng bắt lửa và tạo nên những vệt đen ngẫu biến. “Khi ta cho thuốc súng lên sơn dầu rồi cho nó nổ tung, đó đúng nghĩa là hủy hoại chính tác phẩm của mình. “Đó là khi bạn cho nổ điều mà bạn được dạy cả đời là nghệ thuật, rồi gọi chính khoảnh khắc đó là nghệ thuật. Ý tưởng thế nào là nghệ thuật đã bị đảo lộn như thế đấy.” Jennifer Wen Ma, giám đốc sáng tạo trước đây của Cai Studio chia sẻ.
 
“Trải nghiệm với thuốc súng giúp tôi được tự do.”
 
Cai cũng từng theo học thiết kế sân khấu tại Học viện Hý kịch Thượng Hải từ năm 1981 đến 1985. Khoảng thời gian này cung cấp cho ông những hiểu biết sâu sắc hơn về nghệ thuật sân khấu cũng như tầm quan trọng của sắp đặt không gian, sự tương tác, và tinh thần đồng đội.
 
 
Năm 1986, mặc dù thị trường văn hóa nghệ thuật Trung Quốc đang hoạt động sôi nổi hơn bao giờ hết, nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Cai đã quyết định rời đất nước để đến Nhật Bản. “Tôi cảm thấy nghệ thuật của tôi thuần khiết hơn sau khi tới Nhật. Sự nhạy cảm với nguyên liệu và điều khiển tạo hình. “ Cai cho biết. Đây cũng là khoảng thời gian Cai tái nghiên cứu chủ nghĩa duy vật, sự tinh khiết của nguyên liệu, ý nghĩa của nó, giảm thời gian luyện tập, để có thể tìm thấy được cái cốt lõi. 
 
Từ thuốc nổ đến những triết lý nhân sinh quan
 
“Trước hết, tôi tập trung vào thuốc súng, xây dựng những cuộc hội thoại với nó, và rồi qua các tác phẩm của mình, tôi có thể tìm thấy những mối liên hệ mới.”
 
Nhìn chung, các tác phẩm của Cai đều lấy cảm hứng từ triết học phương Đông và đặt những vấn đề xã hội đương đại làm nền tảng cho ý tưởng của mình. Bản chất các tác phẩm của ông cũng thể hiện sự vô thường: bùng nổ rực rỡ, nhưng cũng nhanh chóng biến mất sau vài giây ngắn ngủi. “Trong các dự án, tôi luôn theo đuổi sự không chắc chắn hay những nhân tố không ổn định, những ‘kẻ gây rối’ có thể tạo nên các yếu tố bất ngờ mà tôi không thể tiên đoán trước,” ông chia sẻ. Cai là người đầu tiên đưa thuốc súng vào thế giới nghệ thuật đương đại, biến đổi nỗi sợ hãi, căng thẳng thành một vẻ đẹp thuần khiết; thách thức những giới hạn, tiềm năng của nghệ thuật.
 
 
‘Sự không chắc chắn’ cũng chính là thứ đã thúc đẩy Cai đi tìm những phương pháp, kỹ thuật mới để luôn phát triển nghệ thuật của mình. Ví dụ, đối với những bức tranh thuốc súng, ông thường mời những tình nguyện viên từ những bối cảnh khác nhau cùng hợp tác sản xuất tác phẩm với mình. Ông gọi quá trình này là ‘sản xuất mở’ (open production), khi mà “… nền văn hóa, bối cảnh của nhiều cá nhân giao thoa với nhau, kết nối với tôi và tác phẩm… tạo nên một tầng lớp ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc, mới mẻ.”
 
Tác phẩm sắp đặt 'Encouter with the Unknown' (2021)
 
Vòng tròn luân hồi của sự sống và cái chết là một mô-típ thường thấy trong các tác phẩm của Cai, đó là những lúc ông khám phá các mối liên hệ với những nguồn năng lực vô hình. Được truyền cảm hứng bởi văn hóa truyền thống Trung Hoa như Đạo giáo, Phật giáo, phong thủy, thuốc đông y, khí công, Nho giáo và hội họa shan shui (một phong cách hội họa truyền thống của Trung Quốc trong phong cảnh thiên nhiên được vẽ bằng mực tàu), các tác phẩm của Cai như những nỗ lực giao tiếp với vũ trụ, thế giới và tổ tiên của ông.
 
“Nghệ thuật có thể là một đường hầm không - thời gian, kết nối tôi tới vũ trụ.”
 
Các tác phẩm gắn liền với những địa danh nhất định là cách Cai tương tác với truyền thống, lịch sử, hình thành nên một cuộc hội thoại giữa người xem và vũ trụ rộng lớn xung quanh họ. Các tác phẩm ‘bùng nổ’ là những nguồn năng lượng mạnh mẽ đến mức chúng ta phóng ta khỏi không gian hai chiều để kết nối với xã hội và thiên nhiên.
 
'Bản thiết kế' cho dự án Project to Extend the Great Wall of China by 10,000 Meters
 
Năm 1990, Cai bắt đầu Dự án Projects for Extraterrestrials (Dành cho Người ngoài Trái Đất), gồm một loạt tác phẩm ứng dụng pháo hoa cỡ lớn để tạo nên một quãng đường thuốc súng cháy rực băng qua địa hình và bề mặt các công trình. Dự án này được triển khai ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới, nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến tác phẩm thứ 10: Project to Extend the Great Wall of China by 10,000 Meters (Dự án nối dài Vạn lý Trường thành thêm 10,000 mét). Năm 1993, đoạn dây dài 10,000 mét, được tạo từ xấp xỉ 600kg thuốc súng nối từ phần đuôi phía Tây của Vạn lý trường thành được kích nổ. Chúng cháy liên tục trong vòng 15 phút, tạo nên một đường nét như thể một con rồng uốn lượn trên bề mặt sa mạc Gobi, một sự ẩn dụ tinh tế cho di sản thần thoại và vương giả của Trung Hoa. Loạt dự án này là cách mà Cai cố gắng thỏa mãn nhu cầu tìm ra một góc nhìn mới mẻ, thoát khỏi thế tục, một góc nhìn mà trong đó năng lượng thuần khiết thay thế cho những mâu thuẫn nhân gian, và thuốc súng, thứ “nhiên liệu” cho những mâu thuẫn đó, trở thành một hệ thống mang lại vẻ đẹp và niềm vui.
 
Sự bùng nổ ở phương Tây
 
“Triển lãm đó (tại Massachussets) là màn trình diễn lớn thực sự đầu tiên của Cai. Tôi vẫn nhớ rằng khoảnh khắc tôi chứng kiến nó, thấy được sự kết hợp giữa không gian, quy mô, và sự cách tân, tôi cũng đã thấy rõ đẳng cấp của Cai.” Thomas Krens, Quỹ Guggenheim.
 
Năm 1995, Cai và gia đình chuyển hẳn tới New York với mục tiêu ‘ép buộc bản thân đi tìm những góc nhìn mới’. Đây cũng là khi tên tuổi của ông bắt đầu đi lên nhanh chóng, đạt được nhiều giải thưởng khác nhau. Năm 2004, Cai Guo-Qiang đã khai trương buổi triển lãm sắp đặt Inopportune: Stage One và Inoppoturne: Stage Two tại Viện Bảo tàng Đương đại Massachusetts (MASS MoCA).  Sau này chúng tiếp tục được tái tạo ở Bảo tàng Guggenheim tại New York vào năm 2008 và đã thu hút lượng khách xem kỉ lục.
 
 
“Những hình ảnh kích thích chúng ta suy tưởng về thế giới bất ổn xung quanh mình. Inoppoturne đã tạo ra một không gian mang tính sân khấu xen lẫn tâm lý học, không gian này phản ánh những song đề hay những thứ đối chọi nhau đang ảnh hưởng đến chúng ta, như là khủng bố và những mâu thuẫn về tôn giáo, văn hóa; bạo lực và cái đẹp; ý nghĩa của sự anh hùng.”
- Viện Bảo tàng Đương đại Massachusset mô tả triển lãm sắp đặt của Cai Guo-Qiang
 
Giới nghệ thuật đương đại phương Tây bị thu hút bởi cách mà Cai Guo-Qiang biến vật liệu thuốc nổ thành đặc trưng nổi bật của chính mình, cũng như cách mà ông kết hợp nghệ thuật thuần túy với sự giải trí, thoát ly thực tại. Nhà phê bình nghệ thuật Ben Davis nhận định ông là “… ví dụ cho đỉnh cao của đỉnh cao. Một kiểu nghệ sĩ rất đặc thù. Ta có thể liên tưởng đến những Damien Hirst, Takashi Murakami, Olafur Eliasson…”
 
Màn trình diễn "City of Flowers in the Sky" tại Florence, Ý
 
Cai cũng chưa bao giờ giới hạn bản thân với thuốc nổ. Ngoài việc luôn tìm hiểu, ứng dụng những loại thuốc súng thân thiện với môi trường, ông cũng đã thực hiện nhiều tác phẩm sắp đặt với nhiều chủ đề khác nhau như: động vật, môi trường,.. Ông chia sẻ rằng sở dĩ ông có thể sáng tạo với đa dạng chủ đề như thế là vì các triết lý phương Đông hình thành nên con người ông đã hài hòa với những ý tưởng mới lạ từ các nền văn hóa khác, tạo thành một hệ tư tưởng độc quyền trong Cai, từ đó giúp ông sáng tạo một cách linh hoạt, không có giới hạn.  Tuy nhiên, mối quan tâm sâu sắc của ông với vũ trụ vẫn là một trong những yếu tố cốt lõi trong các tác phẩm từ khi ông đến Nhật Bản vào những năm 80 cho đến tận hôm nay.
 
Trái tim hướng về tổ quốc
 
Pháo hoa hình bước chân do Cai Guo-Qiang thiết kế. Xem toàn bộ lễ khai mạc Olympic Bejing 2008 tại đây
 
Một trong những thành tựu ấn tượng nhất của Cai Guo-Qiang phải kể đến buổi trình diễn pháo bông khai mạc Thế vận hội Olympic Bejing diễn ra năm 2008. Sự kiện này được quảng bá như tiệc ra mắt của Trung Quốc với thế giới, phô diễn thanh thế đậm tính chính trị, gắn kết văn hóa và chính trị theo cách chủ định. Mặc dù không thể phủ nhận mặt trái tối tăm này, nhưng tác phẩm của Cai hướng về lý tưởng tốt đẹp hơn.
 
“Tôi có mục tiêu cho lễ khai mạc, khiến nó hiện đại, quốc tế và nghệ thuật hơn… Nếu làm tốt việc này tôi sẽ giúp được đất nước và con người. Không chỉ giúp họ cảm thấy quan trọng và tự hào mà còn cởi mở hơn.”
 
Màn pháo hoa tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc 
 
Nhà phê bình Ben Davis nhận định: “Đây là sự kiện chính trị mà ta phải nhắc tới khi bàn về cách nghệ thuật tương tác với sự kiện ở quy mô tầm cỡ thế này. Không thể phủ nhận, một phần vai trò của anh ấy trong sự kiện này là tuyên truyền.” 
 
Thực tế, những dự án hợp tác này tạo ra không ít ràng buộc quanh quá trình sáng tạo của Cai cũng như giới nghệ sĩ đương đại Trung Quốc. Nhà làm phim Zhang Yimou (Trương Nghệ Mưu) chia sẻ: “ Nghệ thuật cần được tự do, mà các dự án này đi kèm yêu cầu chính trị, mà chẳng ai làm gì được… (đây là điều) mà những nghệ sĩ phương Tây sẽ không thể nào hiểu được.”

“Tôi đã đặt mình vào tình thế khó khăn. Nhưng là nghệ sĩ, có khi ta thay đổi hệ thống bằng cách làm việc trong nó?” - Cai Guo-Qiang chia sẻ.

Đỉnh cao, và sau đó nữa

Màn trình diễn pháo hoa "Birth of Tragedy" cho thương hiệu Hennessy

Những thách thức, ràng buộc từ bên ngoài sẽ luôn đè lên người nghệ sĩ, ép buộc họ phải oằn mình chống chịu và hệ quả là các tác phẩm của họ có thể sẽ bị rẽ hướng, không còn giữ được mục tiêu tiếp cận ban đầu. Không chỉ vậy, khi người nghệ sĩ đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, thật khó để họ có thể bước tiếp nữa trong hành trình sáng tạo của mình. Như cách Liu Xiaodong, một nghệ sĩ Trung Quốc nhận định: 

“Với bất kỳ nghệ sĩ nào, một khi họ đạt tới trình độ nhất định ở độ tuổi nhất định, khi họ nổi tiếng… Họ đều gặp vấn đề này. Họ phải giáp mặt với mục đích ban đầu của mình. Họ cũng gặp phải nhiều câu hỏi và ngờ vực. Nghệ sĩ càng thành công thì tình thế đó càng nguy hiểm.”

Để đáp lại vấn đề đó, Cai Guo-Qiang đã quay trở lại với bản thân, với gia đình mình thông qua dự án Sky Ladder: Một thang thuốc nổ rộng 5m, dài 500m bắt thẳng lên bầu trời. Đây là một dự án vô cùng kì công, kéo dài suốt 21 năm và đã thất bại 3 lần trước đó do các vấn đề liên quan đến kĩ thuật hay thời tiết. Nhưng đối với Cai, “không có thất bại hay thành công trong nghệ thuật”, ông đã luôn bị ám ảnh bởi việc thực hiện nó, thực hiện ‘giấc mơ tuổi thơ’ của mình.

 

Poster bộ phim tài liệu về Cai Guo-Qiang trên Netflix

Cuối cùng, vào năm 2015, dự án Sky Ladder đã thành công ngay tại quê hương Tuyền Châu của ông. Tác phẩm được tạo thành dây kim loại và aluminum lấp đầy thuốc nổ, được nâng lên trời nhờ bóng thám không. Đây cũng là một món quà ý nghĩa dành cho người bà khi ấy 100 tuổi của Cai, người đại diện cho tuổi thơ và quê hương của người nghệ sĩ, cũng như cho cả gia đình ông. “Khác với những lần thử trước đó, thời điểm kích nổ diễn ra vào lúc bình minh, tạo nên hình ảnh chiếc thang bùng cháy vươn thẳng tới mặt trời, thổi bùng lên niềm hy vọng. Đối với tôi, đây không chỉ là sự trở về, mà còn là khởi đầu của một hành trình hoàn toàn mới.”

 

Sky Ladder

Hiện nay, ở tuổi 63, ông vẫn đang làm việc tại New York với 15 trợ lý tại một studio ở vùng East Village của Manhattan. Các tác phẩm gần đây nhất của ông thường chú trọng vào những vấn đề đang tồn đọng trong xã hội, thúc ép ta phản ánh cũng như truyền năng lượng để ta đối diện chúng. Các vấn đề ấy có thể liên quan đến xã hội, môi trường, nạn dịch… Bản chất thuốc súng cũng là khoáng sản được hình thành trong lòng đất qua hàng triệu năm, và cách nó được gọi trong tiếng Trung, ‘Huo Yao’, nếu dịch sát nghĩa sẽ là ‘thần dược lửa’. “Thuốc súng là một sáng tạo bất ngờ trong quá trình đi tìm loại thuốc trường sinh. Mục tiêu ban đầu của nó không phải là để sử dụng như vũ khí, vì thế pháo hoa giờ đây có thể coi là những ‘liều thuốc’ cho tinh thần, hồi phục và nâng đỡ chúng ta trong bối cảnh đại dịch bất ổn.”

“Nạn dịch đã đặt ra nhiều vấn đề khó khăn và ép buộc chúng ta phải thu mình, soi chiếu lại bản thân. Chúng ta giờ đây đang bước vào một chương mới trong biên niên kỷ dài dẵng của nhân loại. Như Nietzsche đã khẳng định trong ‘The Birth of Tragedy’ (Bi kịch ra đời) rằng linh hồn con người sau khi thừa nhận những đau đớn của cuộc sống vẫn sẽ trân trọng và tận hưởng nó. Suy cho cùng, nhân loại là một phần của thiên nhiên, và trong cuộc sống, mùa xuân rực rỡ sẽ luôn nối tiếp mùa đông giá buốt.”

Bài dịch tổng hợp - Phúc Hồ - thuộc bản quyền của Fashionnet.vn, vui lòng ghi rõ nguồn khi muốn đăng tải. 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Điều gì tạo nên thành công của Takashi Murakami?

Điều gì tạo nên thành công của Takashi Murakami?

Abstract Design Chúng ta luôn muốn ngắm nhìn những điều mới lạ nhất. Đó là bởi vì chúng ta muốn nhìn thấy tương lai, dù chỉ trong giây lát. Ngay cả khi không hoàn toàn hiểu những gì mình đã chứng kiến, chúng ta vẫn cảm động về nó. Đấy là nghệ thuật. —Takashi Murakami


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us