Art that Changed the World I Thời kỳ Thượng Phục hưng
Pro_Creative Nếu phối cảnh tuyến tính khoa học là trọng tâm của nghệ thuật Phục hưng thời kỳ đầu, thì “phối cảnh khí quyển” (aerial perspective) đã trở thành một đặc trưng của thời kỳ Thượng Phục hưng. Được sự bảo trợ từ các Giáo hoàng, thời kỳ này đã xuất hiện những thành tựu được cho là đỉnh cao của sự hoàn hảo trong nghệ thuật.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
PHẦN 2C: THỜI KỲ THƯỢNG PHỤC HƯNG
1500 - 1530: Cột mốc đánh dấu sự hoàn mỹ trong nghệ thuật
Sistine Madonna ,Raphael, 1513–14, Bảo tàng Gemäldegalerie, Dresden, Đức
Bức tranh nổi tiếng này có thể coi là một biểu tượng cho sự vĩ đại và tinh tế của hội họa thời kỳ Thượng Phục hưng. Được đặt vẽ bởi Giáo hoàng Julius II, tranh khắc họa Đức mẹ Đồng trinh và Hài nhi bên cạnh hai vị thánh, Sixtus và Barbara. Nhiều họa sĩ đã khắc họa chủ đề này, nhưng bức tranh của Raphael được cho là đã đạt tới sự hoàn mỹ về vẻ đẹp của Đức mẹ. Không dựa vào nguyên mẫu nào, Raphael đã tạo nên sự hài hòa hoàn hảo từ dáng vẻ, biểu cảm, phục trang, màu sắc cộng với bố cục tinh tế buộc người xem phải hướng cái nhìn chuyển động từ dưới lên và cúi đầu trước Đức mẹ.
Hội họa Phục hưng Ý dần đạt đến đỉnh cao vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XVI. Không thể không kể đến ba ‘người khổng lồ’ của nghệ thuật Ý đã thống trị giai đoạn này - Leonardo (1452 - 1519), Michelangelo (1475 - 1564), và Raphael (1483 - 1520). Trong quyển “Lives of the Artists” của nhà viết tiểu sử Giorgio Vasari ra mắt năm 1568, giai đoạn này đã xuất hiện những đỉnh cao của nghệ thuật. Các tác phẩm như Sistine Madonna của Raphael đã đạt vẻ đẹp vượt thời đại để trở thành bất tử.
Đa số các tác phẩm quan trọng của thời kỳ này là bích họa, nhưng các nghệ sĩ cũng đã khai thác những đặc tính của vật liệu sơn dầu để tạo hiệu ứng mềm mại, tinh tế đặc trưng của thời Thượng phục hưng. Các nghệ sĩ được đánh giá cao vì tính cá nhân và sức tưởng tượng mạnh mẽ cũng như khả năng khắc họa nhân vật trong các tư thế phức tạp (một ví dụ phổ biến là xoắn người) được lấy cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc cổ đại, đồng thời giữ vẻ đẹp khuôn mẫu lý tưởng.
BỐI CẢNH
SỰ ỦY NHIỆM TỪ ĐỨC GIÁO HOÀNG
Mặc dù Florence là cái nôi của thời kỳ tiền Phục Hưng, nhưng thành phố Rome của Đức Giáo hoàng là nơi gắn liền với nhiều kiệt tác của giai đoạn Thượng Phục hưng. Vào cuối thế kỷ XV, sự yên bình của Florence đã bị phá vỡ bởi cuộc xâm lược từ vua Charles VIII của Pháp và sự sụp đổ của gia tộc Medici. Vị thế trung tâm phát triển nghệ thuật của Florence đã bị lung lay, và Rome trở thành trung tâm mới. Với các di sản Cơ đốc giáo của nó, Rome thu hút các nghệ sĩ, kiến trúc sư và học giả khắp châu Âu. Đặc trưng nổi bật của nghệ sĩ giai đoạn này là họ có chung quan điểm nhân văn học, coi con người là “thước đo của vạn vật”.
Transfiguration, Raphael, 1516 - 20, Bảo tàng Vatican, Thành Vatican
Không như Florence hay Venice, Rome không phải trung tâm ngân hàng, sản xuất hay giao thương -nó cần giáo hoàng để thu hút những người hành hương đến thành phố và tạo ra của cải. Theo lời của Giáo hoàng Martin V, Rome đã trở thành một nơi “đổ nát và hoang vu” sau khi giáo hội dời về Avignon năm 1309. Nhưng vào thế kỷ XV, sau khi trở thành trung tâm thường niên của giáo hội một lần nữa, thành phố bắt đầu thịnh vượng trở lại. Các vị giáo hoàng lên ngôi tại Rome đã góp phần đưa nó trở lại vị thế huy hoàng như thời cổ đại.
Khu vực xung quanh Thành Vatican và nhà thờ St.Peter là trung tâm của quá trình tái phát triển. Năm 1475, Giáo hoàng Sixtus IV ra lệnh xây dựng lại một nhà nguyện cũ để làm nơi tổ chức nghi lễ - đó là Nhà nguyện Sistine. Các nhà thờ mới mọc lên khắp Rome, và việc nhượng bộ thuế đối với tài sản đã dẫn đến một loạt công trình xây dựng, và cả những cung điện xa hoa hay các biệt thự lộng lẫy như Villa Farnesina. Điều này dẫn đến vô số cơ hội và của cải cho những nghệ sĩ, người chịu trách nhiệm trang trí các công trình mới.
Tempietto tại nhà thờ S.Pietro (1502 - 1510), Montorio, Rome, Ý. Được truyền cảm hứng bởi những đền thờ La Mã, các Tempietto (đền thờ nhỏ) do Bramante tạo ra là biểu tượng cho sự hài hòa và cân bằng lý tưởng, cổ điển của giai đoạn Thượng Phục hưng.
Các công trình xây dựng đã khai quật được những di tích La Mã cổ đại, chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc nổi tiếng Laocoön và Apollo Belvedere. Các tác phẩm nghệ thuật cổ đại này được ngưỡng mộ bởi những nghệ sĩ thời Thượng Phục hưng và cả những người không hoạt động nghệ thuật, trong đó có Giáo hoàng Julius II, người phát hiện loạt tác phẩm điêu khắc của Belvedere. Trong số các vị giáo hoàng, Julius II đóng vai trò quan trọng nhất dẫn đến những thành tựu của thời kỳ Thượng Phục hưng.
Ông đã chi trả cho nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó có bức bích họa của Michelangelo tại nhà nguyện Sistine, dãy tranh bích họa của Raphael (Raphael’s Stanze) và dự án tái xây dựng nhà thờ St.Peter. Nhưng mọi thứ lại xoay chiều vào ngày 6 tháng 5, 1527, khi lực lượng đế quốc của Hoàng đế La mã Thần thánh Charles V tiến vào Rome. Được thúc đẩy một phần bởi sự phân biệt phe phái trong tôn giáo, họ đã cưỡng hiếp, tra tấn và tàn sát hàng ngàn cư dân tại đây. Giai đoạn hoàng kim của thời Thượng Phục Hưng đã đi tới kết thúc một cách đột ngột, đẫm máu.
PHỐI CẢNH KHÍ QUYỂN VÀ NHỮNG ĐƯỜNG NÉT TINH TẾ
Nếu các nghệ sĩ thời kỳ đầu của Phục Hưng hướng đến việc khắc họa thiên nhiên một cách rõ ràng, có trật tự thì hội họa thời kỳ Thượng Phục hưng cho thấy một góc nhìn tỉ mỉ, tinh tế và lý tưởng hóa hơn đối với nàng thơ thiên nhiên. Các đường nét chủ nghĩa tự nhiên cứng nhắc được làm mềm mại đi, thay vào đó là sự nhẹ nhàng và hài hòa thể hiện qua cách chuyển tiếp màu sắc và phom dáng. Leonardo đã khơi mào cho sự thay đổi này với kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu mang tên sfumato (làm mờ, xuất phát từ danh từ fumo nghĩa là khói) giúp ông làm mờ các cạnh và đường viền.
The Virgin and Child with Saint Anne, Leonardo da Vinci, 1503, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Nếu phối cảnh tuyến tính khoa học là trọng tâm của nghệ thuật Phục hưng thời kỳ đầu, thì “phối cảnh khí quyển” (aerial perspective) đã trở thành một đặc trưng của thời kỳ Thượng Phục hưng. Hiện tượng khí quyển khi các vật thể ở xa mờ dần và ngả về màu xanh đã được các nghệ sĩ bắt chước từ lâu, nhưng Leonardo là người nghĩ ra cụm từ “phối cảnh khí quyển” và cách ứng dụng nó trong hội họa một cách nhất quán và đầy đủ nhất.
Portrait of a Man in Red chalk, Leonardo da Vinci, 1512, Bảo tàng Hoàng gia Turin, Ý. Đây được cho là tranh chân dung tự họa của Leonardo/
Leonardo da Vinci (1452 - 1519) là một thiên tài sáng tạo phức tạp và linh hoạt, Leonardo da Vinci là một trong những nhân vật kiệt xuất của thời kỳ Phục Hưng Ý và của mọi thời đại. Xuất thân là con trai ngoài giá thú của một công chứng viên và một nữ nông dân, ông đã theo học nhà điêu khắc, họa sĩ Andrea del Verrocchio tại Florence, sau đó định cư ở Milan năm 1482. Các bản vẽ và sổ tay của ông cho thấy sự tò mò của ông không chỉ dừng lại nghệ thuật mà còn tìm hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực khác như giải phẫu học (ông đã từng giải phẫu hơn 30 xác chết), kỹ sư (ông từng thiết kế máy bay, xe thiết giáp, và hệ thống kênh đào), toán học, quang học, thực vật học và âm nhạc. Ông đã nghiên cứu mọi khía cạnh của ánh sáng và màu sắc. Hội họa chỉ là một trong số những sở thích của ông, mặc dù ông là một trong những nghệ sĩ vĩ đại và có sức ảnh hưởng nhất đương thời và có một vài bức vẽ hoàn thiện. Leonardo làm việc chủ yếu tại Florence hoặc Milan, nhưng ông đã dành những năm tháng cuối đời tại Pháp với tư cách là một vị khách danh dự của vua Francis I.
ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
La Scapigliata, 1506 - 8 (chưa hoàn thiện), Bảo tàng Galleria Nazionale di Parma, Parma, Ý
Khả năng tạo hình nhân vật điêu luyện cùng với kỹ thuật vẽ ánh sáng và bóng râm bắt nguồn từ những nghiên cứu khoa học của chính Leonardo. Tuy nhiên các tác phẩm trước đó từ những nghệ sĩ khu vực phía Bắc nước Ý cũng giúp đặt ra tiền đề cho những thành tựu nghệ thuật quan trọng thời kỳ Thượng Phục hưng, như ‘phối cảnh khí quyển’ hay độ chi tiết, tinh tế đáng kinh ngạc trong nhiều tác phẩm.
Head of a Woman, 1475, Bảo tàng Anh quốc, London, Vương quốc Anh. Tác phẩm này là minh chứng cho thấy niềm hứng thú của Verrocchio đối với các hình khối ba chiều
Sự tinh tế, duyên dáng là trọng tâm trong phong cách thời kỳ Thượng Phục hưng. Bức tranh này được vẽ bởi thầy của Leonardo, nhà điêu khắc, họa sĩ Andrea del Verrochio. Hình ảnh Đức mẹ và các thiên thần của Leonardo sau này cũng mang nhiều nét tương đồng với thầy mình.
Scenes from the Passion of Christ, Hans Memling, 1470, Bảo tàng Sabauda, Turin, Ý. Memling thường vẽ cảnh nền phía xa ngả sang màu xanh để tạo chiều sâu.
“Phối cảnh khí quyển” vốn đã được nghiên cứu và quan sát từ thời La Mã cổ đại. Nhiều nghệ sĩ đã bắt chước lại hiệu ứng này, trong đó họa sĩ Hà Lan Hans Memling (1430 - 1494)
Tranh phác họa thực vật học, Leonardo da Vinci, cuối thế kỷ 15
Kĩ năng vẽ thế giới thiên nhiên đã tiến hóa trong thời kỳ Phục hưng. Botticeli đưa kỹ thuật trang trí thảm ‘Flemish tapestries’ và hơn 500 loài thực vật khác nhau vào bức Primavera, trong khi tác phẩm của Leonardo thể hiện niềm đam mê của ông đối với thực vật học.
ĐIỂM NGOẶT
The Virgin of the Rocks
Leonardo da Vinci,1483, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Kiệt tác của Leonardo ứng dụng bố cục kim tự tháp, sau này đã trở thành nguyên mẫu cho nhiều họa sĩ Thượng Phục hưng. Bức tranh khắc họa cảnh Đức mẹ Đồng trinh với Thánh John và một thiên thần đặt trong bối cảnh như thể một hang động hoang vu, đằng sau là địa hình đất đá kỳ lạ và bầu khí quyển xanh mờ nhạt phía xa xăm (lớp sơn bóng đã bị tối đi theo thời gian, đánh mất màu sắc ban đầu), tất cả tạo nên một bức màn bí ẩn, huyền ảo phủ lên tranh.
Khác với sự rõ ràng và chính xác trong hội họa đầu thế kỷ 16, các chủ thể trong tranh Leonardo như đang bước ra từ bóng đen huyễn hoặc, với dáng vẻ mềm mại, tinh tế nhờ những đường viền được làm mờ đi bởi kỹ thuật sfumato. Khác hẳn với bất kỳ chủ thể trong tranh nào từng được vẽ trước đó, vị thiên thần dường như đang nhìn xuyên qua bề mặt bức tranh, xóa nhòa đi ranh giới giữa tranh vẽ và đời sống con người.
LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN THÔNG QUA CÁC TÁC PHẨM
Thời kỳ Thượng Phục hưng được cho là kéo dài từ khoảng năm 1500 đến 1530. Tuy nhiên, các bước tiến để chuyển tiếp sang phong cách Thượng Phục hưng có thể được thấy trong các tác phẩm của Leonardo trước năm 1500 vài thập kỷ. Bức Virgin of the Rocks đột phá của ông được hoàn thành năm 1483 - cũng là năm Raphael sinh ra. Mặc dù Leonardo làm việc chủ yếu tại Florence và Milan, nhưng chính tại Rome, Michelangelo và Raphael đã tạo ra những tác phẩm mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ vào thập niên đầu của thế kỷ XVI cũng như đánh dấu nơi nghệ thuật Thượng Phục hưng phát triển nhất.
The Damned Consigned to Hell, Luca Signorelli, 1500–03, Nhà thờ Orvieto, Ý
1500 - 1503: Đây là một bức trong loạt tranh bích họa dựa trên Ngày tận thế trong kinh thánh, khung cảnh ấn tượng này thể hiện khả năng khắc họa mẫu nam khỏa thân trong các tư thế phức tạp, mạnh mẽ của Signorelli. Theo Vasari, Michelangelo ngưỡng mộ những tác phẩm của Signorelli.
Mona Lisa, Leonardo da Vinci, 1503–06, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Bức chân dung vẽ người phụ nữ Florentine phong cách đương thời, với bối cảnh đồi núi huyền bí phía sau có thể coi là tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới ngày nay. Vẻ đẹp vượt thời đại của nó một phần đến từ sự bí ẩn trong nụ cười, được Leonardo tạo ra bằng cách ứng dụng kỹ thuật sfumato để làm mờ đường viền xung quanh vùng môi và mắt.
Sistine Chapel Ceiling, Michelangelo, 1508–12, Apostolic Palace, Vatican
1508 - 1512: Bức vẽ trên trần Nhà nguyện Sistine được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật. Michelangelo đã hoàn thiện tác phẩm mà hầu như không cần sự trợ giúp, trợ lý cũng như từ chối bất kỳ ai tham gia vào quá trình làm việc của ông. Các bức tranh vẽ nhà tiên tri báo trước sự ra đời của Chúa Giê-su nằm vây quanh loạt tranh trung tâm vẽ các sự kiện từ Sự sáng tạo cho đến Chiếc thuyền Noah.
Nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, và nhà thơ Michelangelo Buonarroti (1475 - 1564) là một trong những nghệ sĩ vĩ đại và có sức ảnh hưởng nhất thời kỳ Phục hưng. Các tác phẩm của ông đáng kinh ngạc đến mức những nghệ sĩ đương thời vinh danh ông với cái tên “Michelangelo thần thánh.” Ông từng học việc cho họa sĩ Domenico Ghirlandaio trước khi tập trung lĩnh vực điêu khắc. Ông đã phát triển phong cách anh hùng dựa trên khả năng biểu hiện qua cơ thể khỏa thân của nam. Phần lớn thời gian trong sự nghiệp kéo dài 70 năm của ông được dành ra tại Florence và Rome, nơi các tác phẩm cuối cùng của Michelangelo đã truyền cảm hứng cho trường phái Kiểu cách (Mannerism).
The Annunciation With Six Saints, Fra Bartolommeo, 1515, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
1515: Được ảnh huởng mạnh mẽ bởi Leonardo, Bartolomeo là họa sĩ thời kỳ Thượng Phục hưng hàng đầu tại Florence sau khi Leonardo, Michelangel, và Raphael rời khỏi thành phố. Đặc trưng trong phong cách sáng tạo của Bartolomeo là chúng luôn sở hữu bố cục hài hòa, cân bằng, như trong bức này.
Portrait of Baldassare Castiglione Raphael c.1515 Louvre, Paris, Pháp
1515: Các bức chân dung của Raphael có sức ảnh hưởng rất lớn kể cả vào thời hiện đại. Chúng được ngưỡng mộ bởi kỹ thuật vẽ điêu luyện, bố cục táo bạo và cách thể hiện tinh tế tính cách của chủ thể. Nhân vật trong tranh, Castiglione là bạn của Raphael, tác giả quyển The Courtier (1528), một bản luận thuyết minh họa cách cư xử lý tưởng, đúng mực trong triều đình.
Họa sĩ, nhà diễn họa kiến trúc và kiến trúc sư Raphael (Raffaello Santi) là một thiên tài kiệt xuất thời Thượng Phục hưng: Ông đã hấp thụ tinh hoa của Leonardo và Michelangelo để kết hợp lại và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, tinh tế khó ai sánh bằng. Những ảnh hưởng đầu tiên của ông là từ phong cách nghệ thuật tinh tế của Perugino, nhưng ông dần phát triển phong cách đặc trưng sâu sắc hơn từ những ảnh hưởng sau này từ Leonardo và Michelangelo. Với tài năng thiên bẩm và sự duyên dáng trong cá tính, ông đã sớm đạt được thành công và danh vọng. Ông làm việc tại Rome từ năm 25 tuổi cho đến khi qua đời ở tuổi 37.
Madonna of the Harpies, Andrea del Sarto, 1517, Bảo tàng Uffizi, Florence, Ý
1517: Được ảnh hưởng bởi Leonardo, Raphael, và Fra Bartolomeo, Andrea phát triển một phong cách nhất quán, hài hòa mà Vasari từng miêu tả là “hoàn hảo.” Đây là một trong những bức họa nổi tiếng nhất của ông. Màu sắc tinh tế ban đầu của tranh được phục hồi vào những năm 1980.
The Raising of Lazarus, Sebastiano del Piombo, 1517–19, Bảo tàng Quốc gia,, London, Vương quốc Anh
1517 - 19: Bàn thờ ấn tượng của Sebastiano được tài trợ để cạnh tranh trực tiếp với kiệt tác cuối cùng, chưa hoàn thiện của Raphael, The Transguration. Sebastiano sinh ra tại Venetia và là bằng hữu với Michelangelo, người có thể đã giúp thực hiện một số bản vẽ sơ bộ.
Melissa, Dosso Dossi, 1520, Bảo tàng Galleria Borghese, Rome, Ý
1520: Làm việc trong cung điện gia tộc Este tại thành phố Ferrara, Dosso (tên thật là Giovanni di Luterti) vẽ tranh chủ đề thần thoại, tôn giáo và cả chân dung. Khả năng phối cảnh khí quyển phần nền của ông được thể hiện rõ rệt trong tác phẩm đáng giá này.
Jupiter and Io, Correggio,1530, Bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, Áo
1530: Đây là bức nổi tiếng nhất trong loạt tranh thần thoại của Correggio khắc họa mối tình của Jupiter, được chi trả bởi Federico II Gonzaga. Nó khắc họa cảnh tiên nữ Io bị quyến rũ bởi vị thần Hy Lạp Jupiter, người đã biến thành một đám mây để ôm chầm lấy cô ấy. Đầu cô ngã ra đằng sau, khuất phục trước hành động của vị thần, người chỉ để lộ cánh tay và khuôn mặt mờ nhạt trong đám mây. Correggio đã ứng dụng kĩ thuật làm mờ tương đồng với kỹ thuật sfumato của Leonardo ở những phần da thịt và đường nét khuôn mặt của Io.
Nghệ sĩ miền bắc nước Ý Correggio (Antonio Allegri da) được biết đến với những bức bích họa ma thuật trên các mái vòm của nhà thờ S.Giovanni Evangelista và các giáo đường tại Parma. Ngoài ra những bức vẽ chủ đề thần thoại với đường nét mềm mại, nhẹ nhàng cũng đã tạo tiền đề cho trường phái Rococo. Corregio không quá nổi tiếng khi còn sống, nhưng vào thế kỷ 17 và 18, danh tiếng ông vang xa và thậm chí được tôn kính gần bằng Raphael.
KIỆT TÁC
The School of Athens
Raphael, 1510–12, Stanza della Segnatura, Thành Vatican
Không lâu sau khi tới Rome vào năm 1508, Raphael được Giáo hoàng Julius II đặt để trang trí dãy phòng trong cung điện Vatican (Apostolic Palace). Trong cùng thời điểm Michelangelo thực hiện kiệt tác Trần mái vòm nhà nguyện Sistine gần đó, Raphael bắt đầu vẽ bức bích họa trong Stanza della Segnatura (Stanze trong tiếng Ý là ‘phòng’ - phòng Segnatura là nơi ký kết các giấy tờ giáo hội). Căn phòng này cũng được cho là dùng làm thư viện cá nhân của Đức Giáo hoàng: Chủ đề trang trí cũng liên quan đến các ý niệm trong Cơ đốc giáo và những nghiên cứu cổ điển.
Những tấm huy chương được vẽ trên trần nhà mô tả bốn ngành học đã hình thành nên sự huy hoàng của giáo dục thời kỳ Phục hưng: Triết học, Thần học, Thơ ca và Luật học. Bên dưới mỗi huy chương là một bức bích họa mô tả ngành học. Bên dưới “Thần học”, Raphael vẽ bức Disputa, cảnh các nhà thần học Cơ đốc giáo thảo luận về sự mầu nhiệm của Bí tích Thánh thể (Sacrament). Ở bức tường đối diện, bên dưới “Triết học,” Raphael đã vẽ bức bích họa nổi tiếng nhất của ông - sau này được biết đến với cái tên The School of Athens - trong đó ông đã tập hợp những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế giới cổ đại vào một khung cảnh.
Trong đó, Raphael đã tạo nên một bố cục hoàn mỹ về độ rõ ràng, hài hòa và cân bằng. Kiến trúc trong tranh được thiết kế theo lối cổ điển, có thể là lấy cảm hứng từ thiết kế nhà thờ St.Peter của Bramante. Ở giữa tranh, Plato và Aristotle đang thảo luận các ý tưởng triết học, bao quanh là những nhà triết học cổ đại và các nhà khoa học đang thảo luận và trao đổi kiến thức với nhau. Được tập hợp thành những nhóm sinh động, tư thế của nhân vật cũng được sắp xếp để tạo nên một trật tự hài hòa xuyên suốt bố cục tranh. Bằng cách tận dụng thiết kế kiến trúc mái vòm và kỹ thuật phối cảnh, Raphael dẫn mắt người xem lùi sâu vào trong tranh cũng như dẫn về cặp đôi ở trung tâm bức bích họa.
Raphael cũng lồng ghép hình ảnh những nghệ sĩ đương thời vào. Plato được vẽ dựa trên Leonardo, trong khi Euclid, người đang cúi xuống để chứng minh một khái niệm toán học đã được xác định là Bramante. Ở phần tiền cảnh, nhân vật Heraclitus đang chìm vào suy tư có thể là chân dung của Michelangelo. Raphael cũng tự đưa bản thân mình vào phía góc trái ngoài cùng bức tranh.
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.