Art that Changed the World I Nghệ thuật Kitô giáo Sơ khai và Byzantine
Art_Painting Các bức tranh vẽ biểu tượng thần học của nghệ thuật Kitô giáo sơ khai và Byzantine thường bị hạn chế trong khuôn mẫu, ít điều kiện cho họa sĩ sáng tạo. Được ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác bao gồm các nước phương Đông, Ai Cập, nền nghệ thuật thời đại này có sự đa dạng tùy thuộc vào nơi tạo ra tác phẩm.
Nghệ thuật không ngừng phát triển. Từ khi những người nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên tường để trang trí hang động của mình thời tiền sử, các họa sĩ đã và luôn nghiên cứu để tìm ra những phương thức mới khắc họa thế giới xung quanh mình. Đôi khi lại có những cá thể thiên tài - như Giotto, Leonardo, Picasso - mở ra một chương mới trong biên niên sử nghệ thuật, hay một nhóm họa sĩ chung tư tưởng cùng nhau mở đầu một trường phái, một phong trào nghệ thuật.
Art that Changed the World là tổng hợp sự phát triển của những phong trào nghệ thuật nổi bật nhất. Chúng đều bắt đầu với một ‘điểm ngoặt’ - một bức tranh định hình hay đánh dấu những đặc điểm chung của phong trào - và được ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau: một loại chất liệu vẽ mới, những sự kiện lịch sử, hay một cá thể thách thức những suy nghĩ thông thường. Cách mạng Pháp đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trường phái Lãng mạn và Tân cổ điển; sự ra đời của in ấn mở đầu cho loạt tác phẩm thời Phục Hưng; và sự phát triển của ngành đường sắt cũng gián tiếp thay đổi hướng đi của trường phái Ấn tượng.
Tốc độ thay đổi của nghệ thuật cũng khác biệt theo thời gian. Các tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại gần như tương tự nhau xuyên suốt hàng thế kỉ, trong khi vào những năm trước khi xảy ra Thế chiến thứ nhất, vô vàn tác phẩm nghệ thuật độc đáo ra đời. Tập sách tranh này sẽ đưa người xem qua một hành trình phát triển của nghệ thuật từ những bức tranh vẽ hang động đầu tiên cho đến tận ngày hôm nay.
CHƯƠNG 1: CỔ ĐẠI VÀ TRUNG CỔ
PHẦN 1D: NGHỆ THUẬT KITÔ GIÁO SƠ KHAI VÀ BYZANTINE
Năm 330, hoàng đế La Mã Constantine Đại đế đã chuyển thủ đô về phía Đông. Quyết định này đã dẫn tới nhiều thay đổi quan trọng, không chỉ về mặt chính trị mà còn về sự phát triển của tôn giáo và nghệ thuật. Ở phương Tây, những họa sĩ Kitô giáo thường vẽ tranh tôn vinh đức tin của mình bằng cách đưa Kinh thánh vào đời thật, theo chủ nghĩa tự nhiên kết hợp với cảm xúc cá nhân và trí tưởng tượng tác giả. Còn ở phương Đông, phong cách vẽ khác biệt hoàn toàn: trang nghiêm và theo khuôn mẫu định sẵn, bởi vì họ coi đây là một cách để tương tác trực tiếp với vị Thánh của mình. Chính vì vậy, nghệ thuật Kitô giáo tại khu vực này có quy định rõ ràng, và người vẽ cũng không được khuyến khích để vẽ tranh gần gũi với hiện thực hay thể hiện sự độc đáo, cảm xúc riêng của bản thân. Thay vào đó họ phải sao chép hình mẫu được cho là hoàn hảo nhất của nhân vật hay biểu tượng để giúp truyền bá tôn giáo của mình. Đây cũng là trường hợp của bức Đức mẹ Vladimir, biểu tượng linh thiêng nhất tại Nga, hình ảnh này được sao chép bởi nhiều nghệ sĩ khác nhau suốt hàng thế kỉ.
Đức mẹ Vladimir
Phiên bản gốc của biểu tượng này được vẽ tại Constantinople vào đầu thế kỉ 12th và được gởi đến Vladimir năm 1155. Bức tranh này là ví dụ tiêu biểu cho việc vẽ tranh theo khuôn mẫu thời Byzantine: Trong bức hình luôn phải có các yếu tố nhất định, ví dụ như đối với bức này: sự thương yêu trên khuôn mặt đứa trẻ, vẻ trìu mến pha lẫn sự buồn bã của Đức mẹ đồng trinh như thể biết trước về số phận đau thương của chúa Giê-su.
BỐI CẢNH
Thành phố Constantinople màu sắc trong quyển Weltchronik xuất bản năm 1943.
Nghệ thuật Kitô giáo thời sơ khai phát triển trong một thời đại còn nhiều hỗn loạn. Năm 324, Constantine thống nhất đế chế La Mã sau một khoảng thời gian dài nội chiến, nhưng ông nhận ra rằng Rome không còn phù hợp để làm thủ đô nữa. Thay vào đó, ông chọn thành phố Hy Lạp cổ, Byzantium, bởi vì vị trí thuận lợi hơn về mặt chiến lược của nó sẽ giúp ông quản lí vùng lãnh thổ rộng lớn của mình dễ dàng hơn. Ông mở rộng thành phố đó, đặt tên nó là Constantinople, và khuyến khích sự truyền bá của Kitô giáo. Lí do cho sự ủng hộ này không chỉ vì bản thân ông đã thay đổi đức tin, mà còn để tôn vinh, thừa nhận sự thành công của Kitô giáo trong khu vực. Các nhà thờ đã xuất hiện khắp nơi từ trước tại Ai Cập, Syria, Armenia, và Ethiopia, và văn hóa nghệ thuật nội địa tại các quốc gia này, kết hợp với những ảnh hưởng từ La Mã và thời kì Hy Lạp hóa, tạo nên nền tảng phát triển cho nghệ thuật triều đại Byzantine (Đông La Mã).
Bức 'Thánh Luke vẽ Đức mẹ đồng trinh,' vẽ vào đầu thế kỉ thứ XV. Truyền thống Đông Phương cho rằng biểu tượng thần học đầu tiên chính là hình Đức mẹ đồng trinh đang nâng niu Chúa hài đồng, vẽ bởi thánh Luke. Các nhà thờ tại Rome, Jerusalem, và Constantinople đều được cho là nơi lưu giữ những bức tranh vẽ của Luke.
Rome đã được lịch sử chứng minh sự yếu thế của mình đúng như Constantine đã từng nhận định. Thành phố đã bị quân ngoại xâm chiếm được vài lần chỉ trong thế kỉ V còn vị Hoàng đế cuối cùng bị phế chức vào năm 476. Các nhà thờ tại Rome may mắn không bị tổn hại quá nhiều nhưng sức ảnh hưởng của chúng vẫn bị giới hạn. Vào thời kì Byzantine Papacy (537 - 752), mỗi lần bổ nhiệm Đức Giáo hoàng tại Rome đều bắt buộc phải thông qua sự cho phép của hoàng đế Byzantine, trong khi những tác phẩm nghệ thuật Cơ đốc giáo chất lượng nhất của Ý thường được tạo ra tại Ravenna, thành phố thủ đô của một tỉnh trực thuộc đế chế Byzantine
.
Bức tranh 'Rebecca at the Well' trong Vienna Genesis, vẽ vào thế kỉ thứ VI. Phiên bản Sách Sáng thế độc đáo này có tất cả chữ viết được mạ bạc viết trên da bê nhuộm tím. Với chi phí đắt đỏ như vậy, các chuyên gia cho rằng tác phẩm này là một món quà tặng dành cho tầng lớp vương giả ở Constantinople.
Tuy nhiên, ở phía đông, các Nhà thờ cũng gặp vấn đề về sự đồng nhất và áp đảo sự phát triển của các dị giáo. Các Cộng đồng Đại kết - gồm các vị Giám mục hay các chức sắc hoặc chuyên gia thần học khác - đã đặt ra nhiều quy luật rõ ràng, nhưng sự chia rẽ vẫn tồn tại. Một trong những vấn đề nan giải nhất liên quan đến việc sử dụng biểu tượng: nhiều người cho rằng tập tục này mang tính thần tượng quá nhiều. Vào giai đoạn Iconoclastic (Thời kì Phá bỏ biểu tượng), chúng bị cấm tuyệt đối và hàng nghìn tác phẩm đã bị hủy diệt. Ngay cả sau khi lệnh cấm được thu hồi, nội dung và phong cách của những biểu tượng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, tính chính xác mặt thần học luôn được ưu tiên trước. Đế chế Byzantine kết thúc với sự sụp đổ của Constantinople vào năm 1453, nhưng nghệ thuật vẽ biểu tượng vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Nga và bán đảo Balkan.
MỞ ĐẦU
Chúa Giê-su và Abbot Mena, vẽ vào cuối thế kỉ thứ VI - đầu thế kỉ thứ VII. Đây là biểu tượng Coptic lâu đời nhất được biết đến hiện nay. Được khai quật từ tu viện Thánh Apollo ở Bawit, Ai Cập.
Ở phía Tây, những bức tranh Cơ đốc giáo sơ khai nhất được vẽ trên tường của các hầm mộ ở ngoại ô Rome. Do vẫn còn bị áp đặt bởi những quy luật hà khắc nên những hình ảnh thời này rất trang nghiêm, khuôn mẫu, hạn chế về sự sáng tạo.
Bức chân dung 'St. Peter', vẽ vào thế kỉ thứ VI-VII. Đây là một trong những biểu tượng thần học đầu tiên, thánh Peter được khắc họa như thể một người lãnh đạo. Bức vẽ tuân theo quy tắc là những biểu tượng trong hình tròn sẽ thể hiện quyền lực của chủ thể trong tranh. Trong trường hợp này: Đức chúa trời, Đức mẹ đồng trinh, và chúa Giê-su thời còn trẻ, chưa có râu.
Ở phía Đông, những biểu tượng thần học đầu tiên xoay quanh các vị thần hộ gia đình. Một trong những ví dụ còn tồn tại đến bây giờ là những bức vẽ biểu tượng chúa Kitô và Abbot Mena. Những bức chân dung từ Fayum - một tỉnh Ai Cập thuộc La Mã cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến nền nghệ thuật Byzantine nói chung. Một số nghệ sĩ vẽ biểu tượng được truyền cảm hứng: Những bức chân dung St.Peter từ tỉnh Sinai, được xử lý bằng sáp nóng - kĩ thuật ưu chuộng của những nghệ sĩ vùng Fayum.
ẢNH HƯỞNG NGHỆ THUẬT
Những trung tâm lớn nhất của Cơ đốc giáo thời kì sơ khai đều nằm ở phương Đông, bao gồm Constantinople, Antioch, Alexandria và Jerusalem. Mỗi thành phố đều có nền truyền thống nghệ thuật của riêng mình, góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật Byzantine
Bức 'Hoàng đế Justinian và đoàn tùy tùng của ông', tranh khảm, vẽ năm 547 , S. Vitale, Ravenna, Ý
Những nhà thờ Coptic - nhà thờ Cơ đốc giáo tại các tỉnh Ai Cập - mang đến một loại hình nghệ thuật Cơ đốc giáo sơ khai rất khác biệt nhờ sự kết hợp giữa văn hóa Ai Cập và Hy Lạp. Bạn có thể chiêm ngưỡng dạng nghệ thuật độc đáo này trên những bức tường nhà thờ Coptic và các bản vẽ tay.
Bức bích họa 'Đức mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng được hộ tống bởi các Tông đồ' , vẽ vào thế kỉ thứ VI. Bức bích họa này nằm ở Tu viện Thánh Apollo tại Bawit, Ai Cập.
Màu tím là biểu tượng cho sự sang trọng do có giá thành đắt đỏ và thường được sử dụng bởi những tầng lớp vương giả. Chính vì vậy, những nghệ sĩ phương Đông thường dùng màu tím cho quần áo của chúa Giê-su và Đức mẹ đồng trinh.
Bức 'Trừng phạt bằng thập tự giá.' vẽ vào thế kỉ thứ VII, trưng tại Tu viện Thánh Catherine, Sinai, Ai Cập
Các họa sĩ Kitô giáo đời đầu không miêu tả cảnh đóng đinh, bởi vì án phạt này chỉ dành cho những tên tội phạm, nô lệ và những người không phải người La Mã. Trong bức tranh, chúa Giê-su được vẽ đứng trên thập tự thay vì bị đóng đinh lên, mặc trên mình loại áo tunic phương Đông gọi là colobium. Cả ông và Đức mẹ đồng trinh đều mặc màu tím, màu biểu thị sự cao quý trong quyền lực.
Các lăng mộ La Mã cũng truyền cảm hứng tạo nên hình mẫu cho một số biểu tượng Byzantine. Ở phương Đông, Đức mẹ đồng trinh Mary thường được vẽ trong tư thế cầu nguyện Orans cùng với Chúa hài đồng.
Tư thế cầu nguyện Orans, vẽ vào thế kỉ thứ III. Đây là tư thế thờ phụng tại phương Đông: tay dang ra, lòng bàn tay hướng ra ngoài
Bức 'The Ascension', vẽ năm 586.
Phúc âm Rabbula là bản viết tay tiếng Syriac cổ đại nhất được biết đến hiện nay. Nó đã truyền ý tưởng cho rất nhiều biểu tượng của Cơ đốc giáo sơ khai. Nhà thờ chính thống Syriac, tọa lạc tại thành phố Antioch, cũng giữ vai trò quan trọng trong việc truyền bá đức tin.
Bức 'The Miracle of the Icon,' vẽ năm 1400-1450
Các biểu tượng đều được coi như một vật thể linh thiêng, nhưng chỉ có một số ít được quan niệm rằng mang sức mạnh phù hộ cho người sở hữu. Những người lính thời đó tin rằng các biểu tượng sẽ giúp đỡ họ trong chiến trận. Trong bức vẽ 'The Miracle of the Icon' khắc họa trận chiến công thành năm 1160, binh lính Novgorod sử dụng hình ảnh Đức mẹ đồng trinh để phù hộ họ chống lại quân Suzdali. Họ cầu nguyện và mang bức tranh ra chiến trường, với hi vọng rằng nó sẽ bảo vệ họ khỏi loạt mũi tên từ quân thù. Sau đó họ chuyển sang phản công, và những biểu tượng dẫn đầu loạt quân phản công bao gồm Thánh Boris và Thánh George.
ĐIỂM NGOẶT
Bức 'Virgin Enthroned with Two Saints'
Vẽ vào thế kỉ thứ VI, Tu viện thánh Catherine, Sinai, Ai Cập
Đây là bức vẽ biểu tượng thần học ấn tượng nhất được bảo tồn tại Sinai. Trong hình, Đức mẹ đồng trinh ngồi giữa, bên cạnh là Thánh Theodore và Thánh George. Đằng sau, hai thiên thần ngửa đầu ngạc nhiên khi bàn tay của Đức chúa trời vươn tới Đức mẹ. Bức vẽ mang sự nghiêm trang đặc trưng của nghệ thuật Byzantine còn kĩ thuật sử dụng sáp nóng giúp bức tranh như thể sáng rực lên.
KIỆT TÁC
Bức 'Old Testament Trinity'
Andrei Rublev, vẽ năm 1425 , Moscow, Nga
Đây là tác phẩm kiệt tác của nghệ sĩ vẽ biểu tượng vĩ đại nhất nước Nga. Nó khắc họa chủ đề mà ban đầu được phát triển bởi những nghệ sĩ Byzantine. Ở phương Tây, Chúa Ba Ngôi trong Cựu ước thường được khắc họa thành ba hình tượng hoàn toàn khác nhau bao gồm Đức Chúa trời, Chúa Giê-su và Thánh Linh (thường được vẽ dưới dạng bồ câu). Còn ở Đông phương, các họa sĩ vẽ ba hình tượng gần như giống nhau, còn bối cảnh dựa trên một tập trong sách Cựu Ước (Genesis 18:1 - 15). Trong đoạn Kinh thánh này, Tổ phụ Abraham được ghé thăm bởi ba người lạ. Các nhà thần học coi đây là lần đầu tiên Chúa ba ngôi xuất hiện trong Kinh thánh. Với lòng hiếu khách của mình, Abraham đón tiếp ba vị khách lạ mặt với bánh mì, thịt, phô mai và sữa. Để đáp lại, họ báo cho Abrham rằng vợ của anh, Sarah, sắp có một đứa con trai.
Phiên bản Chúa Ba ngôi của Rublev là một sự phát triển rõ rệt so với chủ đề nguyên bản. Ông bỏ đi hoàn toàn những yếu tố kể chuyện lê thê, và tập trung vào những chi tiết thần học hơn. Bàn ăn được thay bằng bàn thờ, và đồ ăn được thay thế bằng chén thánh chứa vật tế đại diện cho Tiệc thánh Eucharist. Ở phía trước là một ngăn kéo, nơi thường dùng để chứa những Thánh tích. Đằng sau mỗi nhân vật trong hình còn có những biểu tượng mang ý nghĩa riêng. Căn biệt thư là nơi Đức chúa trời sinh sống, đại diện cho mục tiêu trên đoạn đường đời. Ngọn núi đại diện cho sự thức tỉnh tâm linh mà những tín đồ phải nhắm đến; còn cây gỗ sồi là biểu tượng cho Cây sự sống và sự kiện Đóng đinh chúa Giê-su. Và cuối cùng, mặc dù những yếu tố thẩm mỹ không được coi trọng vào thời điểm đó, những nhân vật của Rublev rất tinh tế và màu sắc nổi bật hơn hẳn bất kì biểu tượng nào.
Andrei Rublev là họa sĩ vẽ biểu tượng vĩ đại và có sức ảnh hưởng nhất nước Nga, Rublev là bậc thầy của phong cách Byzantine trang nghiêm, nhưng ông biến nó trở nên mềm mại hơn, khiến các nhân vật của mình dịu dàng, nhẹ nhàng hơn nhưng không đánh mất sự nghiêm túc cần có. Có rất ít thông tin về cá nhân ông, ông được cho rằng từng là một nhà sư tại tu viện Trinity Lavra, gần Moscow, và năm 1405, ông là phụ tá của nghệ sĩ Theophanes the Greek tại Nhà thờ Truyền tin ở Kremlin. Bức vẽ Chúa Ba Ngôi cho đến nay vẫn được coi là kiệt tác vĩ đại nhất của Rublev. Danh tiếng của ông ngày càng vươn xa tại phương Tây nhờ vào tác phẩm phim tiểu sử đoạt giải của Andrei Tarkovsky năm 1966 và đến năm 1988, ông được phong thánh tại Nhà thờ Chính thống giáo Nga
Bài viết dịch từ cuốn sách Art that Changed the World - Bài dịch PD. Vui lòng ghi rõ nguồn từ Fashionnet.vn khi muốn sao chép.
________________________________________________
Art Design Center
vietnamcolor.vn - fashionnet.vn
Contact: 0903788646 - 0903975081
Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \
Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)
30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City
Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn.
HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.