Gucci Cruise 2019: Buổi tang lễ của chính những người xem
Collection Bộ sưu tập là một vở kịch bao gồm các nhân vật thú vị được Alessandro Michele gọi tên như: “Nàng goá phụ tham dự đám tang” hay “đám trẻ hoá trang thành các ngôi sao nhạc Rock”. Trong khung cảnh bia mộ thời Trung Cổ, 114 bộ thiết kế xuất hiện như một buổi tang lễ mà trong đó, khán giả chính là những người được tưởng niệm: "Chúng ta đều giống nhau, chúng ta đều sẽ chết và các bạn cũng vậy"
Giám đốc sáng tạo của Gucci, Allessandro Michele, chọn địa điểm tại một nghĩa trang Roman tại miền Nam nước Pháp có tên “Alyscamp” cho BST Gucci Cruise 2019. Một lần nữa, anh lại không làm người xem phải thất vọng khi tận dụng triệt để địa điểm lịch sử này, tạo nên một sự hoà quyện giữa cổ trang và hiện đại. Khói sương huyền ảo, những cây nến lung linh trên nền nhạc ma mị của Claudio Monteverdi, tất cả tạo nên không gian kì bí đến rợn người. “Alyscamp đậm chất Gothic, bộ sưu tập mang trong mình phong cách rock-and-roll, đâu đó là sự xuất hiện của những thanh niên đang tụ tập với nhau tại thời điểm những năm 1700 xưa cũ” – Alessandro Michele.
Một khu vườn được lót bằng đá sarcophagi của những người cai trị La Mã khi họ chiếm đóng thành phố này, cũng chính là khu vực thưởng ngoạn của Hoàng đế. Khi tiếng chuông vang lên, là lúc những ngọn lửa bùng cháy dọc theo đường đi, mọi thứ dường như trùng khớp đến lạ lùng, những con người hiện đại, những thiết kế vượt ngoài sức tưởng tượng trong không gian của quá khứ, hoài niệm, cái chết và cả một thế giới tưởng tượng sau khi bạn mất đi.
BST mang đến cho chúng ta cảm giác rùng rợn, một xu hướng phổ biến trong thế hệ những người đam mê cảm giác kinh dị và khoa học viễn tưởng. Gucci Cruise 2019 là một vở kịch bao gồm nhiều các nhân vật thú vị được Michele gọi tên như: “Nàng goá phụ tham dự đám tang” hay “đám trẻ hoá trang thành các ngôi sao nhạc Rock”. Trong khung cảnh bia mộ thời Trung Cổ, 114 bộ thiết kế được trình diễn như một buổi tang lễ.
Đối với Alessandro Michele, luôn có một sự kết nối hoàn hảo giữa việc hồi tưởng lại quá khứ và chủ nghĩa lãng mạn Gothic. Với bộ sưu tập này, “ngài” Michele đã sử dụng tối đa sự tôn thờ của mình cho nền văn hoá cũ, từ linh mục, goá phụ, quỷ dữ, thần linh cho tới chất punk ngông cuồng và rock-and-roll đã thấm sâu trong từng mạch máu của Alessandro.
Tập trung vào các chi tiết trên trang phục, nhà thiết kế đã tái sử dụng những phom dáng tồn kho, biến chúng thành bộ sưu tập vượt ngoài sức tưởng tượng cho cả hai dòng đối tượng nam và nữ, hay nói đúng hơn là gộp lại thành một. Anh đã đưa Gucci trở thành thương hiệu tiên phong trong thời trang phi giới tính với tuyên ngôn "Chúng ta đều giống nhau, chúng ta đều sẽ chết, các bạn cũng vậy". Đâu đó là chiếc áo choàng nhung được gắn bộ xương trên ngực, chiếc quần bó sát với biểu tượng Memento Mori (một câu nói Latin cổ mang ý nghĩa: tất cả mọi người rồi cũng sẽ chết), váy Toga, túi xách in biểu tượng cũ và cả những mẫu áo khoác đặc trưng của nhà Chanel từ những năm đầu tiên cho tới nay.
Sau ấn tượng mạnh mẽ của làn gió các nền văn hoá đa dạng trong BST Mùa Thu 2018, lần này Gucci tiếp tục kể câu chuyện “Đa phương” phần 2: Kiểu tóc cuộn lấy cảm hứng từ những bức tượng đá cuối đế chế La Mã, chiếc mũ lông dựa trên thiết kế cổ xưa của Frank Olive, chiếc vòng cổ choker mang mặt hình thánh giá, đôi giày in biểu tượng của ngôi mộ cổ Hy Lạp, mái tóc xoăn khổng lồ của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất nổi tiếng, tấm cổ áo thêu của Giáo Hoàng nằm trên vai áo choàng hay trang sức truyền thống của Nhật Bản từ vỏ trai. Mọi thứ giống như một nghi lễ hoành tráng, đầy u ám.
Kết cho hành trình đó là thiết kế váy cưới cho linh hồn của một cô dâu, lướt đi trong làn khói lửa bùng cháy. Trong chương trình hoà nhạc, huyền thoại Elton John xuất hiện cùng bản nhạc tuyệt vời và Alessandro Michele ngồi trên sân khấu, chăm chú, phiêu lãng như một kẻ hâm mộ đích thực, người vừa mới biến tất cả những giấc mơ của chính bản thân thành hiện thực.
Bài Chi Hoàng - Nguồn Internet