288
25 Tháng 11 5:41 pm

Chúng ta đang cần kem chống nắng hơn bao giờ hết

 Cũng như cách chiếc mặt nạ bảo vệ cơ thể khỏi virus, kem chống nắng có thể cứu sống bạn, theo nghĩa đen. Sau đây là tất cả những gì bạn cần biết về kem chống nắng và những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng do ánh nắng mặt trời gây lên da do biến đổi khí hậu.

Kem chống nắng xuất hiện từ lúc nào?

Mặc dù kem chống nắng chỉ mới ra đời cách đây ít hơn một thế kỉ, những phương pháp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời đã xuất hiện từ rất lâu. Ở nhiều nơi trên thế giới, một làn da sáng màu được coi là biểu tượng của quyền lực. Vì vậy, từ hàng ngàn năm trước, người Ai Cập cổ đại đã nghiền những vật liệu như hoa jasmine và gạo và đắp lên da để ngăn nó sẫm màu.

Không dừng lại ở đó, vào thế kỉ XVI, một số phụ nữ châu Âu mang mặt nạ - gọi là visard - bao gồm một lớp ngoài đen tuyền, các lớp bên trong là giấy được ép lại, còn lớp trong cùng được làm bằng lụa. Nó che phủ toàn bộ khuôn mặt, chỉ để lại những lỗ nhỏ ở mắt và miệng. Visard được coi là một phụ kiện thời trang xa xỉ của giới thượng lưu vào thời điểm nó nổi tiếng nhất, nhưng xu hướng này dần chìm vào dĩ vãng vào khoảng thế kỉ XVIII.

Visard

Năm 1927, mối liên hệ giữa ánh nắng mặt trời và một vài loại ung thư da được phát hiện. Tuy nhiên, tắm nắng vẫn thịnh hành và được đưa thành xu hướng bởi Coco Chanel, người biến làn da rám nắng sau kì nghỉ trở thành một biểu tượng của sự sang trọng.

Kem chống nắng đầu tiên được tạo ra bởi nhà sáng lập của L’Oréal, Eugène Schueller vào năm 1935 và được đặt tên là Ambre Solaire. Vào cuối thập niên 30, một sản phẩm tên Glacier Cream - một công thức hoàn thiện hơn được sáng chế ra bởi một sinh viên ngành hóa học, người bị cháy nắng trước đó (mãi đến năm 1946 Glacier Cream mới xuất hiện phổ biến trên thị trường). Cho đến thập niên 40, kem chống nắng vẫn chủ yếu được dùng để tắm nắng an toàn hơn, không phải để ngăn chặn hoàn toàn những ảnh hưởng từ tia UV.

Amber Solaire - Kem chống nắng đầu tiên trên thế giới

Các sản phẩm với chỉ số SPF cao chỉ mới thật sự xuất hiện trên thị trường vào những năm 2000. Và đến ngày hôm nay, sự quan trọng của kem chống nắng đã được biết đến rộng rãi nhờ vào những nghiên cứu khoa học chứng minh mối liên hệ giữa việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời với ung thư da. Một cơn cháy nắng trong tuổi trẻ hay tuổi dậy thì của một người có thể tăng nguy cơ mắc các chứng u ác tính lên gấp đôi trong suốt quãng đời của họ. Các nghiên cứu cho thấy rằng ánh nắng mặt trời chịu trách nhiệm khoảng 80 đến 90% những dấu hiệu rõ rệt của lão hóa da, hình thành nếp nhăn, vết thâm và làm da lỏng lẻo.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến da như thế nào?

Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da quan trọng hơn bao giờ hết. Tầng ozone dần cạn kiệt dẫn đến ngày càng nhiều tia nắng độc hại xuyên qua nó. Shyla Raghav, Phó chủ tịch lĩnh vực biến đổi khí hậu của tổ chức phi lợi nhuận Conservation International, chia sẻ rằng tầng ozone hoạt động như một loại kem chống nắng tự nhiên, đóng vai trò quan trọng hạn chế những ảnh hưởng xấu từ ánh nắng mặt trời.

Lớp ozone càng mỏng, mật độ tia cực tím mà con người phải hứng chịu càng cao (nói cách khác, lớp kem chống nắng tự nhiên mà chúng ta đang có hiện tại chắc chắn không hiệu quả như trước đây, vào thập niên 40 hay 50). Điều này có thể liên quan mật thiết đến số lượng ca ung thư da ngày càng tăng những năm gần đây, theo như Raghav.

Bởi vì lớp ozone mỏng hơn, da chúng ta cũng có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng cao hơn. Theo Caroline Robinson, một bác sĩ da liễu tại Chicago, chỉ cần một vài phút phơi da dưới ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến DNA của chúng ta (Tia UVB có thể xuyên từ lớp biểu bì vào các tế bào, và có thể làm gãy khúc sợi DNA). Mặc dù cơ chế hồi phục tế bào da hoạt động liên tục để khắc phục những tổn hại đến DNA, nhưng chúng cũng sẽ không bắt kịp những thương tổn gây ra bởi tia UVB nếu không được bảo vệ hàng ngày. Dần dần, những tế bào bị hỏng sẽ trở nên biến dị, thậm chí có thể dẫn đến ung thư.

Kem chống nắng vật lí và kem chống nắng hóa học

Có hai loại kem chống nắng: vật lí và hóa học. Kem chống nắng hóa học bảo vệ da khỏi tia UV bằng cách hấp thụ chúng với những nguyên liệu hóa học như octocrylene và avobenzone, biến chúng thành nhiệt và sau đó giải phóng nhiệt ra khỏi da. Kem chống nắng vật lí sử dụng những vật cản vật lí, như titanium dioxide và zinc oxide. Chúng tạo nên lớp rào cản trên da ngăn chặn tia UV. Nhiều người có thể lầm tưởng rằng kem chống nắng vật lí là sản phẩm từ “tự nhiên,” nhưng thực chất, “Cả kem chống nắng vật lí và hóa học đều được điều chế trong phòng thí nghiệm,” Robinson chia sẻ.

Kem chống nắng hóa học nhìn chung mỏng hơn và dễ hòa vào da hơn so với loại vật lí. Tuy nhiên, những nguyên liệu trong chúng có thể gây kích ứng da đối với một vài người sở hữu làn da nhạy cảm.

Kem chống nắng vật lí nằm yên trên da và ít bị hấp thụ hơn, cho nên chúng cũng sẽ ít khả năng gây kích ứng hơn, nhưng cũng có vài khuyết điểm. Nhiều người cảm giác rằng kemtr chống nắng vật lí dày hơn, dễ bị tẩy ra và có thể tạo thành những khối trắng trên da. Tuy nhiên, những công thức hiện đại đang dần khắc phục những nhược điểm này. “Kem chống nắng trước đây có lượng lớn hạt zinc bên trong,” Robinson cho biết. “Chính vì vậy chúng có thể bị vón cục lại, tạo cảm giác nặng nề và bóng loáng trên da.”

Ngày nay, những đột phá trong khoa học giúp cho những hạt nguyên liệu trong kem chống nắng nhỏ hơn, và cũng không còn tạo hiệu ứng bóng nhờn rõ rệt trên da như trước đây.

Kem chống nắng có an toàn không?

Vào tháng 2 năm 2019, khi Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA) tuyên bố rằng họ sẽ đánh giá lại mức độ an toàn của tất cả nguyên liệu có trong kem chống nắng hóa học, nhiều câu hỏi đã được dấy lên về sự an toàn thật sự của kem chống nắng.

Một nghiên cứu mới tiến hành bởi những nhà khoa học từ FDA xem xét 6 thành phần hoạt tính (avobenzone, oxybenzone, octocrylene, homosalate, octisalate, và octinoxate) thường thấy trong kem chống nắng đã phát hiện ra rằng chỉ sau một lần sử dụng, cả sáu thành phần này bị hấp thụ vào mạch máu. “Kem chống nắng đang chảy trong mạch máu của bạn!” nhiều báo đài khi đó giật tít về chủ đề này. Tuy nhiên, việc những thành phần hóa học xuất hiện trong máu (hay nước tiểu) không đồng nghĩa với việc nó sẽ gây hại cho cơ thể của bạn. Cần nhiều thông tin nghiên cứu nữa để xác định hiệu quả lâu dài của sự hấp thụ kem chống nắng. 

Các chuyên gia - trong đó bao gồm Robinson - vẫn khẳng định rằng khách hàng cần sử dụng kem chống nắng mỗi ngày. Vô vàn nghiên cứu đã chứng minh rằng ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư da. Quan niệm da tối màu hơn không cần sử dụng kem chống nắng hàng ngày cũng hoàn toàn sai sự thật. 

Đọc thêm: Kem chống nắng có thật sự bảo về làn da một cách hoàn hảo?

Các thuật ngữ trên kem chống nắng

Ngày nay, bao bìa kem chống nắng ngày càng phức tạp và nhiều thuật ngữ khác nhau. Để chọn ra loại kem chống nắng phù hợp với mình nhất, hãy hiểu rõ những từ khóa sau đây nhé!

Sau khi bạn đã quyết định chọn kem chống nắng vật lí hay hóa học, điều quan trọng tiếp theo là xác định chỉ số SPF (Sun protection factor), chỉ số này thể hiện mức độ chống tia UVB. Chỉ số SPF cao sẽ bảo vệ da khỏi bị cháy nắng tốt hơn.

Lưu ý: Số chỉ SPF chỉ thể hiện thời gian kem chống nắng bảo vệ da bạn khỏi bị cháy nắng sau khi sử dụng sản phẩm. Ví dụ, nếu da bạn bị cháy nắng sau 10 phút khi không được bảo vệ (thời gian trung bình), sau khi bạn sử dụng kem chống nắng SPF 30, trên lí thuyết, da của bạn sẽ được bảo vệ trong vòng 300 phút trước khi bị cháy nắng, tức gấp 30 lần.

Tuy nhiên, SPF không chỉ mức độ bảo vệ da khỏi tia UVA (tia đi xuyên qua da và phá hoại collagen, tia UVA là một trong những nguyên nhân chính gây lão hóa da), và điều này dẫn ta đến chỉ số quan trọng tiếp theo: PA.

PA được quy đổi từ PFA viết tắt Protection Factor of UVA. PFA được tính dựa trên liều lượng UVA tối thiểu để tạo ra nám da trong vòng 2-4 giờ sau khi phơi nắng. Hiện nay các loại kem chống nắng đều cung cấp chỉ số lọc tia UVA khá lâu trên da, khoảng 4-8h đối với loại PA++, 8-12h với loại PA+++, hay 16h với loại PA++++. Tuy nhiên đối với một số loại kem chống nắng, có thể không thấy ký hiệu chỉ số PA mà thay vào đó là ký hiệu viết tắt như UVA-UVB, UVA/UVB hay UVA1, UVA2. Hoặc là những ký hiệu riêng của một số thương hiệu, quốc gia.. Ví dụ như SPF 60-12 nghĩa là SPF 60 và PA+++.

Tuy nhiên, nếu trên bao bìa không có chỉ số SPF hay PA mà chỉ ghi BROAD-SPECTRUM, điều đó có nghĩa là loại kem chống nắng đó có khả năng bảo vệ bạn khỏi cả hai loại tia UVB và UVA.

Việc bảo vệ da khỏi tia UVA quan trọng (và phức tạp) hơn bạn nghĩ. Tia UVA gây ra hiện tượng mất cân bằng oxy hóa, có nghĩa là những phân tử oxygen trong da bị mất cân bằng và tạo ra các gốc tự do. Những gốc tự do này phá hủy collagen và elastin trong cơ thể, về lâu dài sẽ hình thành những nếp nhăn trên da mặt.

Chính vì vậy, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc sử dụng kem chống nắng broad-spectrum để bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB, mà Robinson còn khuyên ta thoa thêm một lớp sản phẩm chống oxi hóa trước khi thoa kem chống nắng để hấp thụ những gốc tự do và trung hòa chúng trước khi chúng kịp gây tổn hại cho da.

Cách chọn kem chống nắng phù hợp với loại da

Kem chống nắng cho da nhạy cảm:

Nếu sở hữu làn da nhạy cảm, bạn nên sử dụng các sản phẩm lành tính hơn và hạn chế sử dụng kem chống nắng hóa học . Thông thường các loại kem chống nắng vật lý thường rất ít khi chứa các thành phần gây kích ứng da, và đó sẽ là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.

Kem chống nắng cho da khô:

Đối với da khô, việc chọn kem chống nắng có chứa chất dưỡng ẩm cho da là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, da khô dễ bị lão hóa và nhăn nheo sau khi phơi nắng nên dù bạn có sử dụng kem chống nắng chứa chất dưỡng da thì vẫn nên thoa thêm kem dưỡng trước khi dùng kem chống nắng.

Kem chống nắng cho da dầu (da nhờn):

Da dầu mà phải chịu lớp kem dày bám trên mặt thì sẽ nhớp nháp khó chịu vô cùng, chưa kể nếu lớp kem vốn có màu trắng hơn da, chúng có thể bị hòa vào dầu rồi loang lổ không đều màu gây mất thẩm mĩ. Bạn nên chọn các loại kem chống nắng có chứa từ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) trên bao bì, hoặc các loại kem chống nắng dạng gel, nước hoặc dạng xịt để tránh gây bí da. Nếu bạn không có vấn đề về mụn hoặc da quá nhạy cảm thì kem chống nắng hóa học với kết cấu mỏng nhẹ và khả năng thấm hút nhanh là sự lựa chọn phù hợp với bạn.

Kem chống nắng cho da mụn:

Rất khó để chọn đúng được loại kem chống nắng thích hợp cho da mụn bởi loại da này luôn cần tránh tối đa sự viêm nhiễm và bít lỗ chân lông.

Bạn cần chọn kem chống nắng có viết trên nhãn là “Non-Comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông), tránh xa khỏi các loại kem chứa chất dẫn xuất, mùi hương, oxybenzone và cồn. Ngoài ra cũng không nên dùng những loại kem nhờn, bóng, dạng gel mà thay vào đó là kết cấu kem nhẹ và không chưa dầu. Với da mụn và dễ bị bít lỗ chân lông thì kem chống nắng vật lý (chứa zinc oxide và titanium oxide) là sự lựa chọn tốt hơn hẳn kem chống nắng hóa học.

Nguồn Tổng hợp - Bài PD

FASHIONNET là một ngôi nhà lạc quan, sống động, tràn đầy cảm xúc ấm áp, thân tình của những người yêu nghệ thuật, trà, lụa_ Silk Party và nhiều điều đẹp đẽ. FASHIONNET là thời trang, làm đẹp, nhiếp ảnh, hội họa, thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nơi bạn sẽ cảm nhận với một nguồn vui sống tích cực và sinh động. Hotline: 093 406 8088. Email: Huong.color@fashionnet.vn
6 xu hướng làm đẹp mới nhất từ Hàn Quốc

6 xu hướng làm đẹp mới nhất từ Hàn Quốc

Skin Thế giới làm đẹp Hàn Quốc luôn luôn cập nhật những bí quyết và nguyên liệu mới để chăm sóc da mặt trọn vẹn hơn và mang lại hiệu quả tốt nhất. Tờ Vogue Anh đã tìm đến Alicia Yoon, founder của chuỗi mĩ phẩm online K-Beauty Peach & Lily để tìm hiểu về những xu hướng làm đẹp mới nhất tại xứ sở Kim chi.

Chăm sóc da mặt: Phải biết cách kết hợp mỹ phẩm

Chăm sóc da mặt: Phải biết cách kết hợp mỹ phẩm

Skin Liệu quy trình chăm sóc da của bạn đã đúng thứ tự? Nhà sáng lập chuỗi mỹ phẩm Beauty Pie, Marcia Kilgore, sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này và đưa ra danh sách những dưỡng chất quan trọng nhất cho da.


VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

VietnamColor I ra mắt triển lãm nghệ thuật & thiết kế “ĐI & VỀ, ĐI”

Pro_Creative ĐI & VỀ, ĐI để vẽ nên màu của mình, chúng ta là Màu Việt Nam. Khi người nghệ sĩ chọn chất liệu, họ say mê bề mặt của giấy, toan, đất, vải, vóc, sơn hay bất kỳ kết cấu nào tạo ra cảm xúc để sáng tạo. Người thưởng ngoạn hít thở sâu, nhắm mắt, lắng nghe từ trực giác, mở mắt để thấu cảm màu sắc, hình, khối, vẻ quyến rũ từ chất liệu, tài năng của người nghệ sĩ, hòa nhịp làm nên câu chuyện sáng tạo. Khi bắt đầu chạm, sẽ hiểu rồi yêu, điều này vô cùng quý giá cho hành trình khám phá nghệ thuật ĐI & VỀ, ĐI của mỗi người.

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Subscription

Fashionnet

Follow us