288
07 Tháng 01 11:42 am

Chàm: Màu nhuộm trường tồn từ thiên nhiên

 Từ buổi sơ khai, những đồng bào thuộc các dân tộc thiểu số đã biết cách khai thác những sản vật trong thiên nhiên xung quanh, từ đó tạo nên một truyền thống văn hóa rất riêng từ vật dụng, trang phục, kiến trúc. Trong đó, màu chàm được xem là hơi thở, là biểu tượng cho bản sắc dân tộc ở vùng núi rừng cao nguyên.

CÂY CHÀM: SẢN VẬT ĐẤT TRỜI

Do cây chàm xuất hiện rất nhiều ở khu vực miền núi nên rất được ưu chuộng bởi nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Thái… Dù vậy, để làm ra một tấm vải chàm phải mất rất nhiều thời gian và công đoạn.Thuốc nhuộm màu chàm tự nhiên thu được từ chế biến lá và/hoặc thân cây chàm. Nó được ngâm trong nước và lên men nhằm chuyển hóa một glicozit có tự nhiên trong cây chàm là indican thành chất màu chàm (indigotin). Phần kết tủa từ dung dịch lá (thân) đã lên men được trộn lẫn với các bazơ mạnh như xút ăn da, vôi tôi rồi ép thành bánh, sấy khô và tán thành bột. Bột chàm sau đó được trộn lẫn với các chất khác nhau để tạo ra các sản phẩm có tông màu từ lam tới tía.

Đều là dựa trên những nguyên lý cơ bản trên, nhưng mỗi dân tộc và mỗi địa phương đều có cách chế biến thuốc nhuộm chàm khác nhau tùy theo bí quyết và kinh nghiệm đã được tích góp, truyền đạt từ xa xưa không nơi nào giống nhau cả. Không chỉ vậy tùy theo cách và số lần nhuộm mà màu chàm cũng thay đổi và cách mỗi dân tộc trang trí bộ áo chàm của mình cũng khác nhau. Từ đó tạo nên những bộ trang phục truyền thống đặc trưng cho mỗi dân tộc mà thông qua đó, họ có thể dễ dàng nhận ra nhau, hiểu được đời sống văn hóa và nguồn cội của nhau. Bởi vậy, trang phục luôn là một phần trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, bản sắc, truyền thống của cả cộng đồng.

MÀU CHÀM ĐỐI VỚI TỪNG DÂN TỘC

Người Nùng ở thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) và Người Nùng An (Cao Bằng)

Không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc khác, trang phục phụ nữ Nùng chỉ duy nhất một sắc chàm với những đường nét đơn giản nhưng rất hài hòa được làm từ vải thô nhuộm chàm và ít thêu thùa, trang trí. Do vậy, cách ăn mặc của người Nùng phần nào phản ánh nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của người Nùng. Dù ở đâu, nét đẹp văn hóa trong trang phục của người Nùng vẫn được gìn giữ và phát huy.

Chuyện con gái Nùng tự tay nhuộm chàm, may váy áo truyền thống đã trở nên quen thuộc. Thế nhưng nhuộm chàm là một công đoạn khó đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Chính vì thế mà phụ nữ người Nùng, ai có bàn tay đen màu chàm thì tự hào lắm, bởi chứng tỏ họ là người đảm đang, khéo léo.

Hầu hết nhà ở thôn Yểng đều trồng chàm, nhà nào có con gái thì trồng nhiều hơn. Cứ vào khoảng tháng hai, người lớn, trẻ nhỏ cùng nhau lên đồi làm đất, gieo hạt. Mọi người đều cẩn trọng chọn nơi đất ẩm, tơi xốp rồi rắc nhẹ nhàng từng hạt xuống luống nhỏ. Những lúc ấy người già trong bản lại chậm rãi kể về sự tích cây chàm như một lời nhắc nhở con cháu trân quý từng hạt giống trời ban.

 

Người nùng thôn Yểng

 

Chuyện xưa kể rằng, khi con người đã biết trồng bông dệt vải, làm bộ trang phục để mặc hàng ngày. Thế nhưng bộ áo quần váy vóc toàn màu trắng đơn điệu, mỗi lần đi vào rừng đều bị thú dữ phát hiện, đe dọa tính mạng. Trong khi đó ở trên nhà trời lại có nhiều loại vải vóc đẹp mà người nhà trời không thể mặc hết. Người Nùng tụ tập nhau lại bàn cách sai loài chim bay lên thiên đình tìm bí quyết. Khi chim lấy được hạt giống từ trên trời, người Nùng vui mừng khôn xiết, mang hạt đi gieo khắp nơi. Ngày qua ngày, những hạt tách vỏ mọc mầm lớn lên xanh mướt. Khi sờ vào nhựa cây chàm dính bẩn vào quần áo, tay chân của họ, tạo nên những vệt màu loang lổ kỳ lạ. Từ đó con người hình thành ý tưởng nhuộm màu sắc lên trang phục như là một cách để được sống hòa hợp thiên nhiên. 

Đối với người Nùng An tại khu vực Cao Bằng, đây còn là sắc màu của sự sống. Họ coi chàm là một sinh linh, cũng làm việc và cũng phải được nghỉ ngơi. Họ diễn đạt hình thái về chàm là sống hay chết, khỏe và yếu. Những ngày mùa đông, chàm còn được mặc váy hay quấn chăn để ủ ấm”. Hiếm có màu sắc nào gắn bó với tín ngưỡng, văn hóa và đời sống thường ngày của họ đến vậy.  

Lý giải một cách khoa học hơn về màu sắc của áo chàm truyền thống thì do người Nùng vốn sinh sống bằng canh tác nông nghiệp, đặc trưng là làm lúa nương, lứa nước nên việc nhuộm áo dệt từ bông trắng thành mầu chàm từ nước của cây chàm vừa đỡ được nhiều công giặt giũ vừa hài hòa với tự nhiên. Nhất là khi nước chàm ngấm vào áo sẽ làm cho vải bền mầu và lâu hỏng hơn.

 

Trang phục phụ nữ người Nùng

Đối với người Nùng (tại khu vực thôn Yểng), công đoạn ‘dựng thùng chàm’ sau khi thu hoạch chàm vô cùng quan trọng. Người dựng phải là phụ nữ lớn tuổi, và người nào làm chàm thì có người đó làm từ đầu đến cuối. Do cả năm chỉ có một lần dựng thùng chàm, cho nên phải chọn ngày đẹp, tráng ngày “trời phạt” (ngày giỗ ông, bà, bố, mẹ). Lá chàm được lấy về, rửa sạch sẽ rồi cho vào thùng gỗ ngâm với nước suối. Nước trong thùng được quấy lên đến khi sóng sánh màu xanh, chờ tinh bột lắng xuống thì gạn ra. Chỉ riêng bước khởi đầu này mà cũng phải mất hơn 1 tuần mới xong. 

 

Hỗn hợp này tiếp tục được hòa với vôi bột, tro bếp, rượu. Bà Thèn Thị Dẳm, thôn Kẹn cho biết, khi pha chế hỗn hợp chàm phải có tro bếp thì chàm mới giữ màu được lâu, không phai. Còn vôi và rượu sẽ giúp nước chàm chuyển được màu như ý muốn. Lúc này, có người có thể cho củ mài và cây ớt vào thùng chàm, ngoài lý do để cho chàm chín nhanh, ăn vải thì ớt còn có tác dụng đuổi vía xấu, tà ma xâm nhập.

 

Tiếp theo là đến nhuộm vải - bước cuối cùng này không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì và cần sự hỗ trợ nhịp nhàng. Ở công đoạn này người Nùng cùng nhau thực hiện, thường là các thành viên trong gia đình hoặc những người hàng xóm đứng quây quần bên nhau, vừa làm, vừa chuyện trò rôm rả. Những câu sli lại được cất lên tha thiết: “Áo chàm thấp thoáng ngập ngừng/Em đi trẩy hội tưng bừng núi non/Hương chàm dìu dịu tỏa thơm/Em đi chơi hội hương vương ngọt ngào”.

 

Phụ nữ Nùng An, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) phơi vải chàm

Trước khi nhuộm, vải cần nhúng qua nước lã cho ngấm đều sau đó mới cho vào thùng. Kinh nghiệm để cho nước chàm ngấm vào sợi, cần phải bóp mạnh, đều tay. Sau 30 phút, vải ăn màu thì vớt ra đập mạnh vắt khô rồi mang ra phơi. Ở bước phơi vải tuy đơn giản nhưng là khâu quan trọng trong quy trình nhuộm vải. Trong quá trình phơi phải thường xuyên lật vải cho khô đều thì màu mới đẹp, không bị vết.

Công đoạn ngâm, vắt, phơi cứ lặp đi lặp lại trong vòng 1 tuần. Người này phụ người kia, phối hợp nhau ăn ý thì mới tạo ra được thành phẩm ưng ý với sắc chàm đặc trưng. Với người Nùng tấm vải chàm không chỉ biểu tượng cho sắc màu núi rừng mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, sự san sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày.

Với cách thức hoàn toàn thủ công này, người Nùng nhuộm ra những tấm vải có màu chàm tươi xanh, giữ nguyên màu cho tới khi rách. Hơn nữa vải nhuộm chàm mặc rất mát và sạch sẽ, khi giặt chẳng cần đến xà phòng, chỉ vò qua đã sạch. Bà con thường dùng vải nhuộm chàm để may quần áo, làm khăn đội, may túi khoác vai, may chăn đệm… Sắc chàm còn là lớp nền hoàn hảo cho những họa tiết thêu hay áp dụng kĩ thuật batik (nhuộm bao vải bằng sáp ong), để cho ra đời những bộ trang phục truyền thống của người dân miền núi.

 

 

Trang phục phụ nữ Nùng đơn giản, không cầu kì, điểm xuyến bởi trang sức bạc

Về kiểu dáng, áo của phụ nữ Nùng được cắt ngắn ngang thắt lưng, may kiểu xẻ ngực, gồm 4 thân may thành 2 lớp vải, lớp ngoài chọn vải dày, cứng, lớp trong mỏng, mềm. Hai bên nẹp áo đơm các hạt bạc trắng nhỏ xíu tạo thành cánh hoa làm nền cho 12 chiếc cúc bạc. Chính từ những chiếc cúc này và kiểu dáng của thân áo, làm tôn thêm vẻ độc đáo của bộ trang phục phụ nữ Nùng. 

Váy phụ nữ Nùng may kiểu váy xòe, nếp xếp từ cạp váy xuống mắt cá chân. Váy được may bởi 2 lớp vải, lớp ngoài dày, cứng và lớp trong mỏng và mềm. Cạp được cắt ghép 12 màu vải khác nhau tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Hai bên đầu váy nối với nhau tạo thành hai dây vải dài dùng để thay cho dây thắt lưng hay dải rút, thắt cho váy giữ chặt vào eo lưng người phụ nữ. 

Trang phục của phụ nữ Nùng lấy màu chàm làm chủ đạo, ít hoa văn trang trí, nhưng những bộ trang sức đi kèm váy, áo mang theo nhiều hoa văn đặc sắc, biểu tượng cho cuộc sống người miền núi. Theo quan niệm của người Nùng, bạc mang lại bình an và may mắn, nên đồ trang sức này gắn với họ từ lâu đời. Những bộ trang sức đẹp và cầu kỳ nhất luôn là lễ vật trong đám cưới của người Nùng, đó là món sính lễ quan trọng để nhà trai thể hiện sự sung túc với nhà gái. 

Người Mông

 

Ngoài người Nùng An, người Mông cũng là một dân tộc thiểu số có kĩ thuật nhuộm và dệt vải chàm nổi bật được nhiều người biết đến.Cây chàm mà người Mông thường sử dụng là loại cây thân gỗ và không kén đất nên được trồng ở nhiều nơi như vườn gần nhà, trên nương, hay xung quanh hàng rào của mỗi gia đình. Công việc bắt đầu bằng việc ngâm toàn bộ cây chàm vào thùng gỗ lớn có chứa sẵn nước và đợi một thời gian cho chúng mục ruỗng hết, nhựa cây đã hòa quyệt vào với nước thì lọc lấy nước bỏ xơ. Tiếp đó người thợ cho vôi vào dung dịch chàm, khuấy đều tay đến khi chàm và vôi lắng xuống đáy thùng, dùng một tấm vải dày chắt bỏ nước thành phẩm thu được gọi là cao chàm.Cao chàm được cho ra đặc quánh, thường được để dành sử dụng quanh năm. Mỗi khi cần nhuộm chàm thì chỉ việc lấy ra một lượng cao chàm đủ dùng cho số vải lanh đã định, pha thêm chút rượu rồi cho vào thùng khuấy đều đến lúc sủi bọt là có thể dùng được.

Tiếp theo là công đoạn nhuộm chàm. Việc xe sợi, dệt vải, nhuộm chàm chủ yếu do người phụ nữ H’mông đảm nhiệm từ khâu: tước vỏ cây lanh, giã sợi, ngâm sợi cho đến vẽ sáp ong, nhuộm chàm, thêu tay và khâu.

 

Sợi cây lanh sau khi được dệt thành vải trên khung cửi được vẽ các họa tiết bằng sáp ong. Việc nhuộm vải bằng chàm sau đó mới bắt đầu. Khi ngâm chàm, sợi vải giãn ra và mềm hơn, vậy nhưng việc này lại khiến cho bề mặt vải không bằng phẳng. Tấm vải sau khi phơi khô sẽ được luộc để màu của sáp ong bay hơi hết, để lại những nét họa tiết vẽ tay trên màu chàm. Để vải phẳng và bóng, người H’Mông lăn vải trên đá và gỗ. Lớp gỗ chắc ở phía dưới được bôi một lớp màu chàm, sau đó đến lớp vải và đến lớp đá. Người vùng cao dùng chân lăn đá trên vải. Mặt vải bóng hơn nhờ lăn trên đá sẽ là mặt phải của áo, mặt vải lăn gỗ vẫn còn màu thâm chính là mặt trái của áo. Từ các tấm vải đó, người phụ nữ H’Mông sẽ khâu tay để làm nên trang phục.

 

 

Các em bé người Mông Đen (Sapa)

Nếu như người Nùng An (Cao Bằng) đánh giá một người con gái đủ tiêu chuẩn lấy chồng chưa qua màu sắc của tấm vải chàm, phải xanh đậm óng ánh thì người H’Mông (Lào Cai) đánh giá qua các chi tiết thêu cầu kì.

Trang phục của họ tập trung vào các họa tiết thêu ở cổ áo và hai bắp tay, lớp têu này chồng lên lướp thêu kia tinh xảo. Ngoài ra, yêu cầu phối màu đường thêu phải hòa hợp cân đối.

Tất cả những công đoạn đều làm thủ công và từ các vật liệu thiên nhiên enen bộ áo của người H;Mông mang giá trị độc bản. Nếu như ở một số vùng, họa tiết sáp ong được khắc sẵn trên gỗ để in cho tiệ  thì người H’Mông ở một số vùng như Lào Cai vẫn vẽ trực tiếp trên tấm vải, và như vậy các họa tiết không thể đồng đều hay có nhịp điệu. Ngược lại, nó đầy ngẫu hứng và có thể cùng là một người làm ra nhưng không chiếc áo nào giống chiếc nào. Điều đó cũng khiến chiếc áo thổ cẩm càng thêm độc đáo.

Mưa, nắng, gió, mồ hôi, thậm chỉ thỉnh thoảng là tuyết khiến cho sắc hàm phai ra. Màu chàm phai không bạc áo mà lại lồng vào màu thêu, những họa tiết xanh non ở cổ áo chuyển thành màu lá úa vàng. Thế nên màu áo chàm phản ánh cuộc sống lao động của người H’Mông. Người nào lao động nhiều, vất vả, màu chàm cổ áo phai nhanh hơn.

Người Cơ Tu

 

Trang phục người Cơ Tu

Vải dệt của người Cơ Tu khó có thể lẫn với bất kì dân tộc nào với sự độc đáo của nghệ thuật kết cườm trang trí…., khởi đầu là lấy hạt cây rừng, loạt hạt có tên gọi a đhong để trang trí trên vải dệt, rồi sau đó họ lại sử dụng hạt cườm bằng chì do chính mình làm ra một cách rất kỳ công để làm hoa văn trên vải dệt. Chì được lấy từ sông, từ suối quanh làng và được nấu chảy trong nồi đất rất thô sơ trước khi đổ ra những đá phẳng và tạo dáng để có những hạt chì xinh xắn ẩn vào màu đen tự nhiên của vải đầy quyến rũ…

Trang phục của người Cơ Tu vẫn tiếp tục cải tiến theo thời gian, giờ đây sợi bông dùng dệt vải đã ngày một ít đi, hạt cườm a đhong hay hạt chì cũng rất ít được thấy. Tuy nhiên, hoa văn họa tiết và sắc màu trong trang phục của người Cơ Tu vẫn hết sức đặc trưng và ngày càng đa dạng hơn. Từ chất liệu cườm, những cánh hoa ablơm (hoa tình yêu), hoa hình lá atút (hình chiếc chong chóng), hoa văn hình đàn ông Cơ Tu múa tung tung (múa nam), hay hoa văn bằng cườm hình thiếu nữ Cơ TU múa da dá (múa nữ), hoa văn hình hoa rừng (hơma tơbang)… được phụ nữ Cơ Tu trau chuốt trên từng đường dệt để tạo nên những đường nét và họa tiết hoa văn hết sức tinh tê, mỹ miều.

Và, dù bất kỳ giao đoạn nào, trang phục của người Cơ Tu cũng luôn phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu về vũ trụ, trời đát, vạn vật cũng như phong tục và tập quán của cộng đồng, của dân tộc mình. Dù là trang phục nam hay nữ thì người Cơ Tu cũng luôn coi trọng màu chàm đen - là màu của đất và màu đỏ - là màu của mặt trời. Với mỗi người Cơ Tu, đất và mặt trời luôn gắn bó và thật thiêng liêng. Trang phục của người Cơ Tu luôn thể hiện sự thiêng liêng đó.

Người Dao Tiền

Người Dao Tiền tại tỉnh Bắc Kạn sống rải rác ở các huyện Ba Bể, Ngân Sơn… là dân tộc có nền văn hoá đặc sắc riêng biệt Trang phục của người Dao Tiền cầu kì, tinh tế nhưng phù hợp với tập quán lao động sản xuất của mình. Khác với người Dao đỏ hoạ tiết trong trang phục chủ yếu là màu đỏ thì người Dao Tiền Bắc Kạn màu sắc chủ đạo trong trang phục là màu chàm và màu trắng rất tinh tế nhưng nhã nhặn, hài hoà.

 

Từ xưa tới nay, trang phục của người Dao Tiền trở nên đặc sắc một phần là nhờ nghệ thuật trang trí và kỹ thuật nhuộm chàm. Đây là hai yếu tố cơ bản để làm nên một bộ trang phục đẹp, ngoài ra, sự kết hợp hai màu sắc chủ đạo là màu chàm và màu trắng cũng góp phần tạo nên cá tính riêng mà không phải tộc người nào cũng có được.

Công đoạn làm vải như sau, cây bông sau khi mang về nhà thì đun qua nước sôi, ngâm vào nước lạnh rồi vớt ra đùm thành con. Dụng cụ chủ yếu giúp hoàn thành trang phục là chiếc khung dệt - vật cần thiết trong mỗi gia đình người Dao. Chỉ với hai thoi sợi chính, phụ nữ Dao Tiền dệt thành những mảnh vải vuông khoảng 30 đến 40 cm một chiều. Để tạo hoa văn trước tiên người ta dùng dụng cụ vẽ. Đó là chiếc bút gắn ngòi đồng nhưng cũng có khi chỉ là những chiếc que tre bẻ thành hình tam giác. Loại to để tỉa tót hoa lá, loại vừa chuyên vẽ hình vuông, hình tròn chim, ốc. Đặc biệt, trang phục của phụ nữ người Dao Tiền được làm rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian, họa tiết đặc trưng thêu trên áo là hình con chó cách điệu và bông hoa tám cánh. Người Dao Tiền quan niệm rằng mặc bộ trang phục truyền thống có thêu hình con chó cách điệu và hoa tám cánh khi đi rừng sẽ không bị hổ vồ và gặp nhiều may mắn

 

Sau khi nấu chảy sáp ong họ sẽ nhúng đầu bút vẽ hoa văn lên vải. Vẽ xong đem tấm vải đó đi nhuộm chàm, khi các công đoạn nhuộm chàm hoàn tất họ đem ngâm vào nước nóng để sáp tan ra. Những chỗ trước đây có vẽ sáp ong không nhuốm chàm nên chỉ để lại một màu xanh lơ hài hoà đẹp mắt. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao gồm: Áo, yếm, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức vàng bạc ... Duy nhất trong cộng đồng người Dao chỉ có người Dao Tiền là mặc váy. Người Dao Tiền rất tự hào về điều đó. Ngày nay, cũng giống như người anh em dân tộc Tày, một số bộ phận nhỏ dân tộc Dao cũng bắt đầu kết hợp trang phục dân tộc với quần áo hiện đại giống dân tộc Kinh để tiện hơn cho việc sinh hoạt, sản xuất thường nhật.

MÀU CHÀM TRÊN THẾ GIỚI

Lịch sử lâu đời

 

Mảnh vải nhuộm chàm 6.200 năm tuổi tại một ngôi đền ở Peru

Những nghiên cứu mới đây nhất trên thế giới cho thấy rằng, kĩ thuật nhuộm chàm đã có lịch sử hơn 6000 năm, bằng chứng là mảnh vải nhuộm màu chàm 6200 năm tuổi được tìm thấy tại Peru. Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người châu Mỹ biết nhuộm chàm ít nhất 2.500 năm trước trong khi người Ai Cập biết về nhuộm chàm ít nhất 4.400 năm trước.

Giống cây chàm – “True Indigo” đã được phát hiện từ rất sớm ở lưu vực sông Ấn (The Indus Valley Civilisation), còn gọi là Harappan – nền văn minh cổ đã từng đạt đến sự hưng thịnh đỉnh cao vào khoảng 3300 – 1300 năm trước Công Nguyên. Cùng với Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà (Mesopotamia), Harappan là một trong ba nền văn minh sớm nhất của thế giới. Các nhà khảo cổ đã khai quật ở khu vực thị trấn Rojdi (nay là Gujarat, Ấn Độ), phát hiện số hạt giống của ít nhất 4 loài cây chàm họ Indigofera khác nhau.

Ấn Độ là trung tâm lớn nhất của lĩnh vực chiết xuất và sản xuất thuốc nhuộm chàm, đồng thời là nơi cung cấp chàm đầu tiên và sớm nhất đến Châu Âu, thịnh vượng nhất vào thời Hy Lạp – La Mã (vào khoảng 300 BC – 400 AD). Hiện nay, có ít nhất 50 loài cây chàm sinh trưởng tại Ấn Độ. Ở vùng Tây Bắc nước Ấn, những người thợ đã biết chế biến thuốc nhuộm chàm thành bánh chàm từ nhiều thế kỷ nay. Từ đó thuốc nhuộm chàm được xuất khẩu qua các tuyến thương mại đến Châu Âu. Người Hy Lạp và La Mã khi mới tiếp xúc với những bánh nhuộm màu chàm, đã nhầm tưởng chúng có nguồn gốc từ khoáng sản. Thuốc nhuộm chàm lúc này được coi là vật phẩm xa xỉ, dùng tạo màu nước sơn, dược phẩm và mỹ phẩm.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những mảnh còn sót lại từ quần áo nhuộm chàm tại Mohenjo-Daro (nay thuộc tỉnh Sindt, Pakistan), xác định được niên đại từ 1750 trước Công Nguyên. Chất nhuộm chàm và vải vóc nhuộm chàm dùng để may trang phục đã có một lịch sử lâu dài tại Trung Quốc, ít nhất hơn 2000 năm từ thời Tần và Hán (221 – 220 trước Công Nguyên).

Vào cuối những năm 1200s, Marco Polo (một thương gia người Ý đi du lịch khắp thế giới) trở lại Châu Âu sau hành trình vòng quanh Châu Á, ghi chép lại sự giàu có và quy mô của Trung Quốc cũng như các quốc gia Châu Á khác qua quyển sách “The Travels of Marco Polo”, đồng thời tiết lộ sự thật về chàm, vốn không phải là một loại khoáng sản mà đã được chiết xuất từ thực vật. Thời kỳ này, chàm vẫn khá đắt đỏ ở Châu Âu do quá trình vận chuyển còn khó khăn và tốn kém chi phí trung gian thông qua các thương buôn. Chàm đã từng là một loại cây trồng phục vụ xuất khẩu là chủ yếu trong các chế độ nô lệ và thuộc địa. Là một mặt hàng thương mại có giá trị cao, nên thường được gọi là Blue Gold.

Đến cuối thế kỷ XV, Vasco da Gama –  nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha và là người Châu Âu đầu tiên phát hiện một con đường biển đến Ấn Độ. Điều này cho phép người Châu Âu thiết lập một hải trình thương mại đi qua các nước Ấn Độ, quần đảo Spice (Indonesia), Trung Quốc và Nhật Bản, từ đó  chàm được nhập khẩu trực tiếp thuận lợi và dễ dàng hơn. Việc trồng cây chàm trên quy mô lớn bắt đầu ở Ấn Độ. Vào những năm 1600, một số lượng lớn cây chàm đã được xuất khẩu sang châu Âu, cập cảng ở các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh. Nhiều đồn điền trồng cây chàm ra đời ở những nơi có khí hậu nhiệt đới ở Châu Âu. Giá thành của chàm từ đó giảm đáng kể và vào cuối thế kỷ 17, thuốc nhuộm chàm chiết xuất từ các giống cây chàm thực sự đã trở nên phổ biến, hầu như thay thế Woad ở Châu Âu.

Tây Ban Nha đã nhập khẩu thuốc nhuộm chàm từ các thuộc địa của mình ở Nam Mỹ như Haiti, Jamaica và khu vực quần đảo Virgin thuộc nước này. Ở Bắc Mỹ, cây chàm từng được xem là giống cây trồng quan trọng đứng sau gạo, góp phần thay đổi ngành nông nghiệp thuộc địa ở Nam Carolina. Chàm cũng là một thuốc nhuộm truyền thống trên khắp Tây Phi lẫn Bắc Phi. Những người du mục Tuareg sinh sống ở Sahara hay Cameroon, quần áo nhuộm chàm khẳng định sự giàu có của họ. Phụ nữ Yoruba ở Nigeria hay Mandinka ở Mali cũng quen thuộc với việc nhuộm chàm dệt vải.

Màu chàm Nhật Bản

Chàm còn được xem là màu sắc đại diện cho Nhật Bản với cái tên “Japan Blue”. Và tỉnh Tokushima là vùng đất sản sinh ra nghệ thuật nhuộm chàm đầu tiên trên nước Nhật. Những trận lụt xảy ra thường xuyên trên sông Yoshinogawa từ thời Edo đã tạo ra vùng đất vô cùng màu mỡ, rất thích hợp để trồng cây chàm. Từ đó, các nghệ nhân làm ra sukumo – nguyên liệu quan trọng để làm thuốc nhuộm. Sukumo và các nguyên liệu khác cho ra những sản phẩm có chất lượng cao với số lượng lớn, đủ để cung cấp cho cả nước.

Từ thế kỷ 12, chàm là màu sắc yêu thích của các tầng lớp xã hội, từ samurai, quý tộc đến nông dân. Trên kimono, màu chàm xuất hiện ở mọi sắc độ nhờ nhiều kỹ thuật tạo độ tương phản giữa hai màu xanh dương và trắng. Được cho là có công dụng xua đuổi côn trùng, lại bền màu và khó bắt lửa, vải chàm thường được người làm việc đồng áng và lính cứu hoả dùng để may quần áo.

Quy trình tạo màu nhuộm chàm của Nhật cũng rất khác với Việt Nam. Vào mùa hè, lá cây được thu hoạch riêng và sấy khô. Trong suốt mùa thu và mùa đông, lá này sẽ được để trong phòng nedoko (phòng nghỉ) cho phân hủy trong vòng vài tháng. Những người thợ sẽ đổ nước vào và đảo đống lá khổng lồ ấy mỗi tuần một lần để lá được ủ đều. Khi thời tiết trở lạnh, họ sẽ phủ đống lá bằng rơm để đảm bảo quá trình lên men không bị gián đoạn. Đến mùa xuân, chàm sẽ cô đặc ở dạng sukumo, sẵn sàng pha thành thuốc nhuộm.

Nguyên liệu làm thuốc nhuộm chàm (từ trái qua): sukumo, cám lúa mì, bột đá vôi, hỗn hợp tro gỗ và nước nóng

Lá chàm khô có mùi như trà và cũng uống được như trà. Còn sukumo đã lên men thì có mùi của đất. Chỉ có bốn thành phần để pha thuốc nhuộm: cám lúa mì (đường để nuôi vi khuẩn), bột đá vôi (còn gọi là calcium hydroxide), hỗn hợp tro gỗ và nước nóng (dung dịch kiềm hóa cao) và sukumo.Tất cả được trộn trong một chiếc thùng, được khuấy liên tục trong 10 ngày ở nhiệt độ khoảng 22°C. Hỗn hợp thu được cuối cùng đã sẵn sàng để nhuộm ra những sắc xanh chàm. Thuốc nhuộm này dùng được trong hai tháng.

 

Hai phương pháp nhuộm chàm chính của Nhật: shibori và norizome

Tất cả nguyên liệu sẽ được trộn trong chiếc thùng, khuấy liên tục trong 10 ngày ở nhiệt độ khoảng 22 độ C. Hỗn hợp thu được thành thứ thuốc có thể nhuộm ra các sắc xanh chàm tự nhiên. Người thợ nhuộm trực tiếp dùng tay không nhúng ướt một tấm vải vào thuốc nhuộm. Khi rút tay ra sau vài phút, bàn tay họ đã đổi thành màu xanh lá cây và chỉ trong tích tắc, màu xanh ấy bị ô xy hóa, trở thành màu chàm tự nhiên rất quyến rũ và đầy cuốn hút.

Hoa văn trên sản phẩm nhuộm chàm Nhật chủ yếu được tạo ra từ hai phương pháp nhuộm cốt lõi. Đó là phương pháp nhuộm cản màu bằng hồ dán No-ri-zo-me và phương pháp buộc nhuộm Shi-bo-ri.

Trong phương pháp nhuộm cản màu bằng hồ dán, người ta sử dụng hồ làm từ bột gạo phết lên bề mặt vải để ngăn chặn sự thấm màu tại các mẫu hoa văn trang trí trong quá trình nhuộm. Kiểu nhuộm này để vẽ các hoa văn hình chữ cái trong tiếng Nhật, hoa văn hình học hay hoa văn hình con vật và phong cảnh.

Shi-bo-ri còn được gọi là phương pháp buộc nhuộm. Người ta dùng dây để buộc những phần vải lại khi nhuộm. Cách này giúp màu chàm không lan sang những phần vải đã buộc, từ đó tạo ra những kiểu hoa văn màu trắng lạ mắt trên nền vải màu chàm.

Người ta sử dụng nhiều kỹ xảo trong phương pháp buộc nhuộm để tạo ra những mẫu hoa văn khác nhau. Chẳng hạn như kỹ xảo cố định nếp vải bằng ngón cái và ngón trỏ, sau đó dùng dây cột chặt lại. Khi công đoạn nhuộm hoàn tất, bề mặt vải sẽ xuất hiện những đường hoa văn trắng uốn lượn trên nền vải xanh, trông chúng giống như những con đường gồ ghề trên núi, tiếng Nhật gọi là ya-ma-mi-chi. Vì vậy, kỹ xảo tạo hoa văn này còn được gọi là ya-ma-mi-chi shi-bo-ri.

 

 

Yohji Yamamoto Resort 2017

Các nhà thiết kế Nhật Bản đương đại cũng ứng dụng kĩ thuật nhuộm chàm truyền thống vào thiết kế của mình. Trong bộ sưu tập Resort 2017 của thương hiệu Y’s, Yohji Yamamoto đã sử dụng một biến thể của shibori là Nui Shibori - giúp tạo ra những hình khối tam giác độc đáo, tinh tế trên tác phẩm.

Nguồn tổng hợp từ Internet 

________________________________________________

G Studio 

Art Design Center 

vietnamcolor.vn - fashionnet.vn

Contact: 0903788646 - 0903975081

Email: Huongcolor.gstudio@gmail.com \

Office: Vietthi Company Limited (Vietnam Vision)

30, C18 Street, ward 12, Tan Binh District – Hochiminh City 

 

Pro Creative Course I Khóa học Art, Design, Creativity, Writing, Storytelling: 6 buổi/tháng (cho mỗi môn học): Học viết, thiết kế, vẽ và tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, phương pháp tư duy, xây dựng giá trị cốt lõi của sáng tạo. Những bài giảng tạo ra những gợn sóng xung động trong tâm trí và trái tim, giúp bạn tìm thấy những nguyên tắc dẫn lối tài năng của mình đến với cái đẹp và sự sáng tạo. Khoá học là một cuốn sách hướng dẫn hành trình trải nghiệm. Đây là lời mời hít thở bầu không khí nghệ thuật tại G Studio để bạn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, thiên nhiên và tâm hồn. 

HuongColor I người sáng lập G Studio là nhà thiết kế, họa sĩ và giám đốc sáng tạo, biên tập tạp chí thời trang. 1996 tốt nghiệp ngành Thiết kế tại Hanoi University of Industrial Fine Art (UIFA), sau đó Huongcolor trở thành giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp. 2007 cô sáng lập công ty truyền thông, quảng cáo Vietnam Vision (Vietthi Company Limited). Năm 2010, cô được bổ nhiệm giám đốc nội dung của Elle Magazine. 2016 sáng lập Vietnam Designer Fashion Week (VDFW). 2021 thành lập G_studio tư vấn chiến lược và định hướng sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, nghệ thuật.

Màu sắc ảnh hưởng đến kiến trúc như thế nào?

Màu sắc ảnh hưởng đến kiến trúc như thế nào?

Color_Study Cũng như cách màu sắc trong một bức tranh trừu tượng có thể khơi gợi một cảm xúc nhất định, màu sắc trong một tòa nhà hay căn phòng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm giác của người sống bên trong.

Nguồn gốc cổ đại của màu xanh lá

Nguồn gốc cổ đại của màu xanh lá

Color_Study Màu xanh lá gắn liền với thiên nhiên và những phong trào vì môi trường - nhưng bạn có biết, sự liên hệ đã này bắt nguồn từ hơn hàng nghìn năm trước

Lý giải sự say mê sắc đỏ tại châu Âu

Lý giải sự say mê sắc đỏ tại châu Âu

Color_Study Bài viết này nghiên cứu cách màu đỏ được phát triển qua nhiều thế kỷ ở Châu Âu. Sau khi phân tích các kỹ thuật nhuộm khác nhau, nội dung tập trung phân tích sự phát triển giá trị của màu đỏ trong xã hội, thời trang, cùng những thay đổi xảy ra trên thị trường của nó.


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Vietnam Color Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us