288
08 Tháng 10 5:30 pm

5 cuốn sách phải đọc khi trưởng thành

 Sách là làn gió mát lành cho tinh thần và nhận thức, hiểu về con người, thiên nhiên... cho nhận thức được trưởng thành, để không hối tiếc về những điều đã làm, có thêm những bài học không ai dạy ta.

HuongColor: Sách là làn gió mát lành cho tinh thần và nhận thức 

Bay trên tổ chim cúc cu – Ken Kesey

Tôi đọc Bay trên tổ chim Cúc cu khi 27 tuổi và tôi bị ám ảnh khủng khiếp bởi cách nhìn nhận xã hội của một người cũng chỉ 27 tuổi như mình. Kesey – nhà văn vĩ đại và cuốn tiểu thuyết của ông đã làm thay đổi cách nhìn nhận về các bệnh nhân tâm thần và cách chữa chạy của bệnh viện cũng như các vấn đề lớn nhạy cảm của xã hội loài người nói chung và  của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh nói riêng. “Một câu chuyện xảy ra ở trại tâm thần muốn áp đặt các qui tắc, đã bị đảo lộn bởi Mc Murphy. Bất trị như một chú ngựa hoang, hắn vào bệnh viện để trốn án lao động khổ sai. Nhưng những ngày ở đó, phần tốt đẹp yêu thích tự do, thích tung hoành của hắn đã tạo ra một cuộc cách mạng, tạo ra mối liên kết giữa những thân xác yếu ớt, những trí não bị tổn thương, nhắc họ nhớ về cá tính, về chính mình hoặc những kẻ đã từng là mình. Sự nổi loạn đó thách thức trật tự đạo đức giả mà xã hội áp đặt. Cuộc chiến bất cân sức xảy ra và đúng như quy luật cuộc đời, kẻ yếu đã không thể thắng. McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn sống, nhưng Liên hợp không giết được hắn, cũng không thể bắt hắn sống theo cách mà nó đặt ra”. Dù là tác phẩm hư cấu nhưng Kensey đã biến nhà thương điên thành một phiên bản thu nhỏ hấp dẫn của xã hội loài người.

“Tiểu thuyết là những trang văn vừa sáng khoái vừa bi thương, Bay trên tổ chim cúc cu đã chạm tới những câu hỏi phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, tỉnh táo và điên loạn”, chính vì những điều này đã khiến tôi luôn luôn nghi ngờ những tình huống khiến mình mất tự do hay làm cho người khác mất tự do. Hoặc các trật tự xã hội phàm tục đặt ra chỉ để dành cho những kẻ yếu đuối, kém sáng tạo và nhu nhược? để rồi lựa chọn cách sống, cách phản ứng cho mình và cử xử hợp lý với mọi người. Cuốn sách cũng đã nhắc tôi rằng cuộc sống luôn cần đến lòng trắc ẩn để nhìn thấy những hài hước, đớn đau trong mỗi số phận khác nhau và để biết thông cảm với con người.

Steve Jobs - Walter Issacson

Cuốn sách hấp dẫn gần đây nhất mà tôi đã đọc là Steve Job. Nếu ai quan tâm đến những sản phẩm của Apple hẳn sẽ tò mò đọc về người sáng tạo ra chúng, những câu hỏi về sản phẩm Apple, sự hoàn hảo của thiết kế và tạo dáng được giải đáp. Những yếu tố về cạnh tranh, tại sao Apple nhanh chóng trở thành công ty công nghệ thành công số 1 trên thế giới. Rồi những câu chuyện kể về Apple từ những ngày đầu thành lập cho tới khi Job lìa đời với nhiều tình tiết thú vị và xúc động. Những lý tưởng, tâm tư và khát khao tưởng như rất bình dị, tự nhiên mà Jobs trải qua dường như là những sắp đặt của số phận về một thiên tài nhiều tật. Bạn sẽ hiểu tại sao Job tạo ra những sản phẩm khác biệt vì ông luôn coi mình kẻ thừa kế tự nhiên, có tuần tự của những thiên tài cũng như cách ông ngạo nghễ với đời, khi chọn Walter Issacson- tác giả của hai cuốn tiểu sử nổi tiếng viết về 2 con người vô cùng nổi tiếng: Albert Einstein và Benjamin Franklin, chấp bút cho cuốn tiểu sử duy nhất của mình khi ông biết mình không còn sống bao lâu nữa. Walter Issacson đã viết nên câu chuyện về Jobs, về một cuộc đời đầy ắp những thăng trầm, những câu chuyện, chi tiết về một cá tính khác thường, đôi khi rất lập dị nhưng đầy sức mê hoặc của một con người sáng tạo luôn khao khát tạo ra những sản phẩm hoàn hảo, tuyệt vời nhất. Và để làm được điều đó ông đã như bị thôi miên khi tạo ra chúng, những giấc mơ về sự kỳ diệu như những sản phẩm không thể được tao ra bởi người không có những hoài bão, luôn thúc đẩy sự cải tiến, chắt lọc và tiến lên, đó cũng là triết lý của Steve Jobs cho mỗi sản phẩm được tạo ra từ Apple. Những điều chói sáng phải được tạo ra từ bàn tay của những kẻ dám phá bỏ các nguyên tắc và đầy bản lĩnh, một lần nữa khẳng định rõ nét hơn trong những trăn trở cho công việc của tôi.

Tiểu sử và hệ tư tưởng của Steve Jobs được Alter Issacson viết với với từ ngữ giản dị, nhưng sâu sắc và khách quan. Tôi rất bất ngờ về thủ thuật sắp xếp, bố cục, sự liên kết của nhiều câu chuyện mà người viết tiểu sử nổi tiếng này tạo ra. Và luôn tự hỏi bằng cách nào để nếu được viết về ai đó mình sẽ phải khai thác trung thực, đa chiều và nhân văn như cách của Alter Issacson.

Tư duy như Leonardo da Vinci – Michael J. Gelb

“Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy âm thanh, những đợt sương mù và hệ thống giao thông trước đây chưa từng có. Nhưng bạn được sinh ra từ mặt trời và bạn đi về hướng mặt trời. Và đây là cuốn sách hướng dẫn một tâm hồn vĩ đại của lịch sử khơi nguồn, dành cho hành trình thú vị vào cõi hư vô của cuộc đời. Đó là lời mời hít thở bầu không khí đầy sức sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn với sự thăng hoa của tinh thần” đây là lời đề bạt của tác giả Michael J.Gelb, bởi chính ông cũng được ảnh hưởng sâu sắc bởi Leonardo da Vinci. Và điều gây ấn tượng mạnh và tác động sâu sắc đến tầng nhận thức của tôi: Leonardo da Vinci cho bạn thấy Bộ não của bạn tuyệt vời hơn bạn nghĩ rất nhiều, vì tiềm năng của mỗi người gần như vô hạn. Và không ai, dù trong quá khứ hay hiện tại, có thể tìm hiểu được đầy đủ khả năng của bộ não (có lẽ ngoại trừ Leonardo da Vinci). Cuốn sách chỉ ra 7 nguyên tắc đối với những người mong muốn tìm con đường cho mình giữa những vô vàn thứ phế thải, tìm tới tầng sâu hơn của ý nghĩ, cái đẹp và chất lượng cuộc sống. Và chính những điều đó sẽ bảo hộ cho những suy nghĩ độc lập của chính họ. Cũng như luôn nhắc họ tầm quan trọng của sự sáng tạo, phải luôn đi trước thời đại như cuộc đời của bậc thiên tài Leonardo da Vinci.

7 nguyên tắc là: 

Trí tò mò: Tiếp cận với cuộc sống với trí tò mò vô hạn và nỗ lực học tập liên tục không mệt mỏi.

Chứng minh: Khẳng định kiểm tra kiến thức của mình thông qua kinh nghiệm sự kiên trì và sẵn sàng học hỏi từ những lỗi lầm.

Cảm xúc: Hoàn thiện các giác quan, đặc biệt là thị giác để chúng trở thành phương tiện làm giàu kinh nghiệm.

Di mờ: ( Tan thành mây khói) Sẵn sành chấp nhận sự mơ hồ, nghịch lý và điều không chắc chắn.

Nghệ thuật và khoa học: Phát triển cân đối giữa khoa học và nghệ thuật, logic và trí tưởng tượng. Tư duy toàn bộ não.

Cơ thể: Tạo sự tao nhã, khả năng thuận cả hai tay, sức khỏe và tư thế thăng bằng.

Kết nối: Nhận ra đánh giá đúng tính chất liên kết giữa sự vật và hiện tượng. Tư duy hệ thống.

Sách của Alphabooks. 

Hồ Huy Sơn: Từ đây mình biết yêu thương

(Đọc Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook)

Chưa có quyển sách nào khiến tôi cảm thấy khó khăn khi đọc như vậy. Lý do không vì nó là một quyển sách khó đọc hay có bút pháp mang tính “đánh đố”.  Ngược lại, Hãy chăm sóc mẹ là một tác phẩm hoàn toàn dễ đọc, viết về những điệu giản dị trong cuộc sống: Đức hy sinh, tình yêu thương chồng con đến quên cả bản thân mình. Tình yêu thương chồng, con của người mẹ trong tác phẩm mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, không ít lần tôi rưng rưng. Từng câu từng chữ lại dẫn tới những liên tưởng trong tôi về chính người mẹ của mình.

Xếp lại trang sách cuối cùng, tôi đã ngạc nhiên: “Sao người mẹ ở xứ sở Kim chi ấy lại giống mẹ mình đến thế!”. Sau này tôi tự giải thích cho mình, rằng đó là mẫu số chung của những ai làm mẹ. Người mẹ trong tác phẩm của Shin Kyung-sook xuất hiện rồi biến mất, nhẹ nhàng như thể đã hoàn thành một sứ mệnh thiêng liêng của thượng đế.

Mẹ tôi là một người phụ nữ nông thôn thuần chất. Suốt cả đời mình, tôi chưa bao giờ thấy mẹ nghĩ cho bản thân mình, mà giống như rất nhiều bà mẹ khác, mẹ luôn cặm cụi, lo cho chồng cho con. Tôi hồn nhiên đón nhận tình cảm ấy của mẹ, lớn lên rồi xa nhà. Từng có lúc, tôi nghĩ rằng hàng tháng gửi về cho mẹ một số tiền nào đó, vậy là hoàn thành xong bổn phận làm con của mình. Đến lúc đọc Hãy chăm sóc mẹ, tôi biết mình đã sai. Đặc biệt, đọc đến câu “Chính sự mất tích của mẹ đã khơi dậy trong ký ức của những người con những câu chuyện mà mọi người nghĩ mình đã quên hẳn” (Trang 134) tôi không khỏi giật mình. Tôi đi làm xa, mỗi năm chỉ về gặp mẹ được một lần vào dịp Tết. Mẹ tôi bây giờ cũng xấp xỉ 60, tôi bắt đầu hoang mang khi nghĩ tới số lần được gặp mẹ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Liệu số lần ấy có đủ 10 đầu ngón tay hay không, không ai có thể biết trước được!

Hãy chăm sóc mẹ thức tỉnh tôi yêu mẹ nhiều hơn, quan tâm mẹ nhiều hơn. Đừng để lúc mẹ mất tích hay lúc mẹ không còn trên cõi đời này nữa, lúc đó mới nhận ra cuộc đời mình đã trở nên vô nghĩa khi không còn mẹ. Và từ bây giờ, tôi nghĩ mình sẽ tranh thủ thời gian để về bên mẹ được nhiều hơn.

Thư Madelin: Thêm lạc quan và thêm niềm tin

(Đọc Fashion Now)

Fashion Now là một quyển sách thay đổi suy nghĩ của tôi về thế giới thiết kế thời trang và những định hướng trong nghề nghiệp của tôi. Khi đó tôi 17 tuổi, học trung cấp khoa Thiết kế thời trang trong trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hà Nội, sách vở và những điều được dạy trên lớp không đủ để làm tôi có cái nhìn rõ ràng về thời trang bằng cách tôi làm một cái thẻ thành viên của L'Espcae - Trung tâm văn hóa Pháp gần trường. Ngày ngày buổi trưa học xong ca sáng lại đi bộ vào thư viện của L’Espace để mò mẫm xem những quyển sách mà lúc đó chỉ xem hình là chủ yếu còn chữ thì đọc bập bõm. Khi cầm quyển Fashion Now trên tay, một thế giới các nhà thiết kế thời trang tài năng và quan trọng nhất trên thế giới được mở ra. Như một con ếch nhìn trên đáy giếng nhảy lên miệng giếng, tôi mới được biết đến những nhà thiết kế mà cho đến lúc ấy tôi chưa nghe tên bao giờ và đọc những bài phỏng vấn về quan điểm sống, cách họ làm việc và sáng tạo đã truyền cảm hứng cho tôi đến tận bây giờ. Như Marc Jacobs trong bài phỏng vấn kết thúc bằng câu “Enjoy your life today!” – với một lứa tuổi còn nhiều mơ mộng về tương lai như lúc ấy, câu nói của Marc giúp tôi có thêm lạc quan và niềm tin vào con đường khó khăn mình đã chọn, tận hưởng từng thời khắc mà nó mang lại một cách vui vẻ và hào hứng nhất.

Hãy gửi tới Fashionnet những cuốn sách ảnh hưởng tới suy nghĩ của bạn, chúng tôi sẽ chọn đăng và gửi tặng bạn một cuốn sách mới.

 

Haruki Murakami: Người nghệ sĩ của

Haruki Murakami: Người nghệ sĩ của "nghệ thuật" ngôn từ

Books Haruki Murakami là một tiểu thuyết gia, dịch giả người Nhật Bản và là tác giả đương đại được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong và ngoài nước. Văn nghiệp của ông có rất nhiều những tác phẩm gây tiếng vang, gây nhiều ấn tượng và sâu sắc trong lòng độc giả. Vậy là bí quyết đằng sau sức sáng tạo không ngừng nghỉ của ông là gì?


AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

AI có thể xác thực nghệ thuật thực hay giả không?

Storytelling Tính xác thực và độc đáo là tiền tệ của thế giới nghệ thuật. Một Van Gogh giả không có ý nghĩa gì, nhưng một Renoir thật có nghĩa là tất cả. Tuy nhiên, giống như mọi hoạt động theo đuổi sáng tạo, AI có khả năng phá vỡ thế giới nghệ thuật, cả quá khứ lẫn hiện tại. AI, được hỗ trợ bởi các bộ dữ liệu được tuyển chọn, đang tự định vị mình là một công cụ để hiểu rõ hơn về lịch sử nghệ thuật và là phương tiện mới cho các nghệ sĩ trong tương lai.

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Nguyễn Tư Nghiêm - Màu của nguồn suối tâm linh sâu thẳm

Vietnam Color Những gì làm nên một Nguyễn Tư Nghiêm như "một mệnh đề đứng riêng", theo cách nói của Thái Bá Vân, là các đề tài mang màu sắc văn hoá dân tộc, và cùng với đề tài là các hoạ tiết xuất xứ từ di sản nghệ thuật dân gian. Đề tài trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm là những điệu múa cổ, là hình ảnh Thánh Gióng, là hình ảnh Thuý Kiều & Kim Trọng - những nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học cổ điển Việt Nam, là 12 con giáp trong vòng xoay hoa giáp biểu tượng cho chu trình thời gian theo lịch pháp Á Đông...

Subscription

Fashionnet

Follow us