Những cuốn sách khai sáng cuộc đời
Books “Giá mà tôi đọc E.M. Remaque, E. Kazan và Ayn Rand sớm hơn 20 năm, có lẽ đời tôi đã khác”. Song đọc được những cuốn sách có tính khai phá như Phía tây không có gì lạ, Trở lại thiên đường hay Suối nguồn thì lúc nào cũng không muộn.
Cú điện thoại sáng sớm của người bạn gái chỉ để nói một điều không ăn nhập mấy với thực tại: “Giá mà tôi đọc E.M. Remaque, E. Kazan và Ayn Rand sớm hơn 20 năm, có lẽ đời tôi đã khác”. Song đọc được những cuốn sách có tính khai phá như Phía tây không có gì lạ, Trở lại thiên đường hay Suối nguồn thì lúc nào cũng không muộn. Những trang sách ấy giúp ta chiêm nghiệm ý nghĩa của sự sống và cái chết, mối quan hệ giữa tính vị tha và vị kỷ, giữa tình yêu, lòng trắc ẩn với tha nhân và sự hận thù. Khi đọc Hemingway, ta đau đớn không kém tác giả trước những thân phận bị tước mất tình yêu. Với mỗi người, sách có những ảnh hưởng rất riêng. Tôi không dấu giếm sự thích thú và hưng phấn mỗi khi đọc Don Quixote của M. Cervantes, vì tôi yêu những câu truyện kiểu truyền kỳ và ngưỡng mộ chủ nghĩa anh hùng ngây thơ. Một bạn khác thì thích những triết lí tư duy nền tảng trong Thao thức của Alexander Kron. Nhưng có lẽ dễ đồng cảm hơn cả là những chia sẻ của một “mọt sách’ đồng thời với tôi:
Sách thường có ba ảnh hưởng lớn. Trước hết chúng khơi gợi sự cảm thông, khích lệ và an ủi. Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Phía đông vườn Địa đàng của John Steinbeck là những cuốn điển hình. Tôi như nhìn thấy chính bản thân tôi qua từng nhân vật trong những cuốn sách đó. Dường như những gì họ trải qua đều là những gì tôi đã từng chứng kiến. Nhờ có những nhân vật trên giấy ấy, tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn.
Một ảnh hưởng khác của sách là giúp hình thành nhân cách và phẩm giá của từng cá nhân. Nhờ đọc, tôi học được những điều không được dạy dỗ đầy đủ ở trường học hay trường đời. Những tấm lòng cao cả (Coure) của Edmondo di Amicis và Túp lều bác Tôm của Harriet Beecher Stowe lưu lại ấn tượng mạnh hơn cả. Hai cuốn này chỉ cho tôi thấy sự tử tế, sang cả, lòng dũng cảm và đức hi sinh mà con người thuộc mọi tầng lớp cần phải có. Khi đọc câu chuyện về một vụ đắm tàu trong Những tấm lòng cao cả, học sinh lớp ba đã hiểu được rằng nhờ được hàm ơn thì có thể làm ơn, thậm chí có thể nhường sự sống cho người khác. Có một chút hi vọng, là những giá trị nhân văn trong những cuốn sách rất cũ ấy sẽ sống mãi trong lòng những thế hệ sau tôi.
Cuối cùng, và có lẽ mạnh hơn cả, là những cuốn có tác dụng mở trí và giúp thay đổi nhân sinh quan, hay nói đơn giản, giúp ta nhìn đời sâu rộng và ít định kiến hơn. Tôi chắc rằng không ít người trẻ đã từ phương Tây tới Hong Kong và châu Á vào đầu những năm 1980 sau khi đọc những trang đậm nét sử thi Á Đông trong Tai-Pan của James Clavell. Một anh bạn người Anh đã bảo tôi rằng lần đầu anh biết đàn ông có thể khóc thương phận người là khi đọc về mối tình sóng gió giữa chàng Tai-Pan Struan và nàng Trung hoa May-May, cuối cùng đã bị sóng gió chôn vùi trên đường trở về mẫu quốc . Với riêng tôi thì những cuốn khoa học giả tưởng kiểu Hai vạn dặm dưới đáy biển Jules Verne và loạt truyện Nền tảng (Foundation) của Isaac Asimov cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Những cuốn như vậy giúp trí tuệ và tâm hồn ta bay bổng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khỏi mặt đất để ra biển cả hay lên vũ trụ. Tiểu sử hay tự truyện, cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ. Cuộc đời của nữ bác học Marie Quirie do con gái bà là Irene Quirie kể lại là một trong những cuốn tuyệt nhất. Ngay cả những cuốn sách dạy nấu ăn rất xưa ở nước ta, như cuốn được viết bởi ba phu nhân nổi tiếng là bà Đào Duy Anh, bà Nguyễn Xiển và bà Vân Đài cũng khiến bất cứ một người đàn bà Việt nào hăng hái chỉnh đốn lại chuyện bếp núc nhà mình. Tôi yêu cuốn sách này, dù vì nó mà thân hình tôi trở nên phì nhiêu quá đỗi.
Sách hay phải bày tỏ được tài năng và lòng chân thành. Qua kiểm chứng của thời gian, nhiều cuốn sách có thể mất đi tính xác thực và đúng đắn (như hình ảnh những người nô lệ trong Cuốn theo chiều gió, song không giảm giá trị, vì chúng phản ánh chân thực lịch sử và những gì diễn ra trong lí trí và tình cảm con người. Trong nhiều mong ước được đến thăm nước Mỹ, có lẽ không ít người muốn thấy tận mắt dòng sông ở Ohio, nơi nữ nô lệ Eliza (trong Túp lều bác Tôm) ôm đứa con nhỏ Harry nhảy qua từng tảng băng trôi để trốn chạy về miền đất hứa. Và như thế, khoảng cách về không gian và thời gian giữa người đọc, nhân vật và tác giả đã bị xóa nhòa.
Lã Hoa