Nguyễn Công Trí và "Cục Im Lặng"
Fashion Để khép lại 20 năm đầu tiên của thương hiệu, Nguyễn Công Trí, giám đốc nghệ thuật Hà Đỗ, giám tuyển Arlette Quỳnh-Anh Trần cùng những đạo diễn, những người kể chuyện đã nâng tầm “sự phán xét” của công chúng, của các cá nhân lên những bộ sưu tập công phu, tỉ mẩn nhưng khó tiêu thụ của Nguyễn Công Trí thành những mệnh đề nghệ thuật.
Sáng ngày 12/12, nhà thiết kế Nguyễn Công Trí đã có buổi họp báo chính thức giới thiệu Triển lãm “CỤC IM LẶNG” - Triển lãm thời trang kết hợp với nghệ thuật đương đại đánh dấu 20 năm sự nghiệp của anh.
Triển lãm đem đến 10 tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ 10 bộ sưu tập đặc sắc nhất của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, được sáng tạo bởi những nghệ sỹ đương đại có ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế. Sử dụng những chất liệu nghệ thuật đa dạng, từ hội hoạ, vũ đạo, kiến trúc, đến nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật thị giác, triển lãm "CỤC IM LẶNG" là một kiệt tác duy mĩ liên kết thời trang và nghệ thuật.
| NO.1 - WHITE IMPRESS | NGUYỄN CÔNG TRÍ x NGÔ ĐÌNH BẢO CHÂU
Đối thoại với bộ sưu tập No.1 của Nguyen Cong Tri tại triển lãm Cục Im Lặng, nơi màu trắng tinh khôi là điểm gặp gỡ giữa nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu và nhà thiết kế. Người xem sẽ bước vào thế giới của sự truy vấn kí ức và tâm lý do Nguyễn Công Trí và Bảo Châu cùng mở ra. Bằng những thực hành nghệ thuật, Ngô Đình Bảo Châu muốn thể hiện mong muốn và triết lý của mình thông qua hành trình khám phá ý nghĩa của sự tồn tại.
TRẮNG là một thách thức, đó là thứ màu "câm", khó để tạo nên một ấn tượng đặc sắc.
Không những vậy, NTK Nguyễn Công Trí đã mời tới 10 nhóm nghệ sĩ hoạt động ở những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau từ nghệ sĩ thị giác, đến kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, biên đạo múa. Anh để những con người hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, với tư duy, tầm nhìn suy nghĩ không giống mình, để họ nhìn nhận và góp phần truyền tải những bộ sưu tập bằng cảm nhận riêng của họ. Y hệt như cái cách giới mộ điệu 20 năm qua vẫn rỉ tai nhau những đánh giá rất riêng về một NTK nổi tiếng của làng thời trang Việt.
| NO2 x NGÔ THANH PHƯƠNG |
Đến NO.2, giới mộ điệu được thưởng thức những tinh hoa của BST được lấy ý tưởng từ tà áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng được sáng tạo nên bởi cái “điên rồ” của NTK Nguyễn Công Trí.
Cảm nhận mối liên hệ từ sự phá vỡ và tái tạo mãnh liệt của nhà thiết kế đối với giá trị truyền thống gắn liền trong bộ áo dài – nghệ sĩ Ngô Thanh Phương đã sáng tác vở múa "The Talks" – một tác phẩm dẫn dắt bằng ngôn ngữ cơ thể, được thể hiện dưới dạng video nghệ thuật đa kênh - là biến thể của hình thức trình diễn truyền thống sang một tiếp cận đương đại. Nhân vật nữ chính, tựa như tấm áo dài truyền thống, ôm lấy và vỗ về, yêu thương những mới quan hệ lâu đời bao quanh mình; đồng thời trăn trở và tìm cách bứt phá khỏi những giới hạn do chúng bảo bọc, để hướng tới bản ngã của chính mình.
Nếu Nguyễn Công Trí biến những bản vẽ 2D thành những trang phục sống động thì khi thực hiện căn phòng này giám đốc nghệ thuật Hà Đỗ quyết định thực hiện một quá trình đảo ngược khi chèn khung, ép kính và biến cả bộ sưu tập sống động thành form dáng 2D.
Những chiếc áo tứ thân cách điệu được đặt giữa giữa hai lớp vách ngăn dường như đang hấp thụ một nguồn năng lượng khổng lồ, như muốn thoát khỏi kìm kẹp của chiếc khung kính để tìm kiếm sự tự do. Những tấc lụa được ép thành 2D nên nhìn giống như sự sống đang vùng dậy từ những mảnh giấy vô tri. Qua một lớp kính, những tấc lụa của Nguyễn Công Trí giống như những trái tim đang đập, như dòng chảy đang lưu thông. Không ai có thể nghĩ rằng những khối vải bùng nhùng khi được ép chặt lại có thể sống động, lại hút hồn đến như thế.
| NGUYỄN CÔNG TRÍ NO.3: SENSE X VUUV |
SENSE là một hành trình trở về cội nguồn, là chuyến dạo chơi của Nguyễn Công Trí về chốn thôn quê yên bình - nơi anh được hòa quyện vào thiên nhiên, cảm nhận cơ thể tràn đầy nhựa sống của tình yêu với những cảm xúc chớm vội thăng hoa.
Không gian sáng tạo đầy duy mĩ của văn phòng kiến trúc VUUV là một biến thể từ ngôn ngữ đan lát tre nứa truyền thống, đem lại một luồng gió mới cho nghệ thuật thủ công Việt Nam, vận dụng vào bố cục không gian nhằm tạo ra bầu không khí kiến trúc dung chứa con người.
Qua những đường nét, mảng khối, lõm hằn, co kéo, phần nào hành trình tạo nên một một thành trì chắc chắn, kiêu kỳ của một con tằm được tái hiện lại. Quá trình cắn kén, chui ra, hoá bướm bay cao, bay xa với những bộ xiêm y lộng lẫy nhất cũng được thuật lại thông qua những chiếc kén bung đầu. Không chỉ đại diện cho quá trình biến đổi vượt bậc, nâng tầm bản thân cả về chất và lượng, những con tằm còn gắn liền với quá trình làm tơ dệt lụa. Và nó cũng cũng là thứ ở trung tâm của căn phòng, là thứ luôn bao bọc những tác phẩm nghệ thuật của Nguyên Công Trí.
| NO.4 x LU YANG |
Nghệ sĩ thị giác Lu Yang được sớm được biết đến trong giới làm sáng tạo với loạt triển lãm solo trên khắp thế giới. Đến với gian phòng NO.4, giới mộ điệu sẽ phải “rùng mình" bởi sự sáng tạo đặc biệt của Lu Yang qua tác phẩm video nổi tiếng nhất và cũng đầy khiêu khích của cô: “Mạn Đà La Hoang Tưởng” (2015).
Tác phẩm nghệ thuật của Lu Yang và thiết kế của Nguyễn Công Trí đồng điệu trong cùng một câu hỏi: Tận cùng bản thể học của con người là gì? Phải chăng chính là xác thịt – cấu tạo căn bản, thứ liên đới mật thiết tới sự tồn tại của mỗi sinh linh – sự sống rồi cái chết.
Sự chảy trôi của các trào lưu cùng nhu cầu hội nhập quốc tế, tinh thần hướng mình ra thế giới đã đòi hỏi Công Trí phải đơn giản hơn, bớt cầu kỳ hơn, có tính ứng dụng cao hơn và tập trung vào kinh tế hơn. Không ai có thể nói rằng “Công Trí sai khi bớt cầu kỳ đi” vì những đơn hàng ngày một nhiều, những khách hàng ngày một lớn của Công Trí sẽ thay anh phủ định điều đó.
| NO.5 (TRÓI) X TRƯƠNG CÔNG TÙNG |
Ý niệm về “sự vây hãm của con người trước những cám dỗ từ tiện nghi vật chất hiện đại” trong bộ sưu tập NO.5. Trói của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí được nghệ sĩ Trương Công Tùng đặc biệt đồng cảm. Nếu nhìn vào trang phục của nhà thiết kế, ta thấy sự ẩn dụ về chiếc lồng giam giữ con người; thì tác phẩm của Công Tùng tựa như một lời ám chỉ ngầm cho trạng thái nhân loại đang mắc kẹt dưới “hang động” của kỉ nguyên công nghệ.
| NO.6 (NẤM) X ALEXANDER TÚ |
Trong vở múa “Thế Giới Mới Gan Dạ”, Alexander Tú cùng với nhóm LYRICIST sử dụng chính chuyển động của cơ thể diễn viên múa để diễn tả những đặc tính của loài nấm – sinh thể có sức sống mãnh liệt do nó luôn đặt mình nằm ở ngưỡng quân bình giữa những nghịch lý.
NTK Nguyễn Công Trí mường tượng một viễn cảnh nơi con người không còn là trung tâm của mọi sự sống mà là loài nấm, và hình hóa cụ thể nấm thành những mẫu trang phục đẹp tựa điêu khắc.
| NO.7 (CẢM ƠN SÀI GÒN) X NHIẾP ẢNH GIA HỨA NHƯ XUÂN |
Trong triển lãm này, Hứa Như Xuân lần đầu thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt dành riêng cho NO.7 của Nguyễn Công Trí - một bộ sưu tập đầy tính hoài niệm về Sài Gòn.
Mỗi bối cảnh là cách Như Xuân trả lời một vấn đề nhân sinh. Cô hữu hình hoá, cấu trúc hoá những ý niệm phức tạp thành hình ảnh và các chất liệu nghệ thuật Sử dụng ánh sáng và sân khấu dựng cảnh, căn phòng NO.7 vượt khỏi giới hạn một giấc mơ xưa cũ để tìm lại kho báu tình cảm cho tính “Việt”, thông qua niềm cảm kích đầy chất thơ về khái niệm “nhà".
NO.8. (TIẾNG VỌNG) X TÙNG KHỈ (CRAZY MONKEY)
Là một nghệ sĩ sử dụng công nghệ làm chất liệu sáng tác chính, Tùng Khỉ dường như đứng ở tuyến đối lập với ý tưởng trong bộ sưu tập NO.8 của Nguyễn Công Trí, khi các thiết kế xoay quanh chất vấn về sự vây hãm của Internet và mạng xã hội. Các sáng tạo của Tùng Khỉ tập trung vào nghệ thuật trình chiếu kĩ thuật số thời gian thực. Anh thể nghiệm những hình ảnh hoạt hoạ thú vị hay các luồng ánh sáng 3D độc đáo, kết hợp cùng video nghệ thuật để tạo ra chuỗi liên hoàn những hiệu ứng duy mĩ độc bản trong từng khoảnh khắc.
"Tiếng Vọng" tạo ra một cái bẫy thị giác, hút người xem vào thế giới ảo, nơi các múi hình ảnh như neuron thần kinh kết nối nhau bằng tốc độ chớp mắt do trí tuệ nhân tạo làm nên.
NO.9 (LÚA) X TRUC-ANH
Gian phòng NO.9. Lúa được nghệ sĩ thị giác Truc-Anh tái hiện với không gian nghệ thuật đặc sắc, được đầu tư công phu đến từng chi tiết nhỏ. Nghệ sĩ Truc-Anh thích thú với cách tiếp cận của Công Trí trong bộ sưu tập NO.9 khi anh không phản đối những điều vốn được xem là trái ngược nhau, như truyền thống và tính đương thời, hình học chính xác và dáng vẻ hữu cơ, ruộng lúa nông thôn và khoa học viễn tưởng.
NO.10 (EM HOA) X BẢO NGUYỄN
Kết thúc chuyến du ngoạn vào tâm hồn của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí là gian phòng nghệ thuật của Đạo diễn, Nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn. Những thước phim “Trong Khu Rừng, Có Một Cánh Cửa” được “dệt” nên từ bộ sưu tập nổi tiếng “Em Hoa" của “anh cả làng thời trang Việt".
Bộ sưu tập “NO.10 - Em Hoa” của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí được lấy cảm hứng từ hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng hoa bán dạo ở Saigon khiến đạo diễn, nhà sản xuất phim bảo Nguyễn liên tưởng về sự kiện phát hiện Hang Sơn Đoòng – một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam.
Nhà làm phim Bảo Nguyễn phát triển dựa trên ý tưởng này, như một câu chuyện ngụ ngôn về sự khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn ngay bên cạnh ta mà hằng lâu nay không biết. Đó có thể là một kì quan thế giới, một điều siêu nhiên vĩ đại, hay đơn giản là một đóa hoa, nhành cây hoang dại, một tình cảm giữa người với người trong mối quan hệ thân thương.
Triển lãm được thực hiện bởi nhà thiết kế Nguyễn Công Trí cùng những người bạn thân thiết đã đồng hành cùng anh trong suốt hai thập kỉ qua, đó là: Tổng Đạo diễn Việt Tú, Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ, Giám tuyển Dự án Arlette Quỳnh-Anh Trần, Giám đốc Sản xuất Dương Trần Bảo (BBright), Người kể chuyện Quỳnh Hương và MC Tùng Leo cùng những tên tuổi lớn đứng sau cánh rèm sân khấu.
Người tài năng có tầm vóc thực sự sở hữu một sức cuốn hút lạ thường khiến những nhân tố tài năng khác bên họ, đồng hành với họ luôn sẵn sàng hết lòng cùng làm nên những điều đột phá.
"Thế là cũng làm xong một việc chưa bao giờ mình nghĩ có thể làm được cho đến thời điểm này. Một công trình vừa thỏa sức nhưng cũng nhiều “mạo hiểm”. Mạo hiểm đến độ trong mơ cũng còn nghĩ những rủi ro…" - Nguyễn Công Trí.
Im lặng để lắng nghe
Im lặng để quan sát
Im lặng để thưởng thức cái đẹp mà đôi khi ta không thể diễn tả hết thành lời...
Nguồn Nguyễn Công Trí - Bài Chip Phan
FASHIONNET là một ngôi nhà lạc quan, sống động nhưng tràn đầy cảm xúc, với sự ấm áp, thân tình. Fashionnet, nơi chiếu những bộ phim tuyệt vời, những buổi gặp gỡ yêu thương củanhững người yêu nghệ thuật, champagne, trà và lụa. FASHIONNET là thời trang, làm đẹp, nhiếp ảnh, hội họa là một nguồn vui sống tích cực và sinh động, vì phụ nữ hạnh phúc thì thế giới mới tốt đẹp. Fashionnet tại 7 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, phưòng Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Hotline: 093 406 8088